Thứ nhất, phiên họp của HĐND xã thường chỉ diễn ra 1 đến 1,5 ngày. Trong đóm thời gian đọc các báo cáo đã chiếm đến 1/2 ngày, dẫn tới thời gian còn lại không đủ để cho các đại biểu thảo luận và chất vấn các vấn đề quan tâm. Ngoài ra, một số đại biểu HĐND ở xã thiếu kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước, thiếu những thông tin liên quan đến vấn đề cần phải thảo luận, nhất là những vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách và quyết toán thu chi hàng năm. Ngoài ra, do là người cùng một địa phương, quen biết nhau từ trước nên một số đại biểu có tâm lý nể nang, ngại va chạm, thiếu bản lĩnh. Chưa kể một số người thiếu tâm huyết, chuyên tâm, tham các kỳ họp HĐND xã một cách lấy lệ, nghe là chính, không tham gia thảo luận, chất vấn tại hội trường cũng như ở tổ đại biểu.
Thứ hai, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Thường trực HĐND xã chỉ có 2 chức danh là Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND xã, sẽ
không đảm bảo điều kiện để HĐND xã làm việc và quyết định tập thể theo nguyên tắc tập trung khi cần thiết, đặc biệt là ở những xã chỉ được có 01 Phó Chủ tịch theo quy định của Luật. Ngoài ra, đối với các xã này, vì Thường trực HĐND chỉ có hai thành viên, nên hầu hết công việc của Thường trực HĐND xã giữa các kỳ họp đều được phân công cho Phó Chủ tịch HĐND xã phụ trách, việc nhiều người ít nên khó có thể đảm bảo các hoạt động của Thường trực HĐND xã được thực hiện đầy đủ, đúng quy trình luật định và có hiệu quả như mong muốn.
Thứ ba, hoạt động tiếp xúc cử tri còn hạn chế và mang nặng tính hình thức, nhiều đại biểu thường xuyên vắng mặt trong các buổi tiếp xúc cử tri. Ở xã, đa số đại biểu là kiêm nhiệm, trong khi đó Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định thời gian tối thiểu đối với đại biểu kiêm nhiệm, cùng với việc nhiều đại biểu không có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND xã và thiếu tâm huyết với công tác của HĐND xã, nên chất lượng và hiệu quả giám sát thấp. Thời gian tiến hành Hội nghị tiếp xúc cử tri ở xã thường diễn ra rất ngắn từ 1,5 đến 2 giờ), trong đó việc đọc các báo cáo, thông báo... đã chiếm gần hết hai phần ba thời gian, không còn thời gian để cử tri tham gia ý kiến. Vì vậy, việc tiếp xúc cử tri mang nặng tính hình thức và khó đạt được hiệu quả thực tế.
Thứ tư, các tổ đại biểu HĐND xã nhìn chung chưa duy trì tốt việc họp tổ để thực hiện các nhiệm vụ của tổ đại biểu, kiểm tra lại những công việc đã làm, đã kiến nghị, triển khai các hoạt động giám sát tiếp theo, phân công tiếp xúc cử tri, tham gia hoạt động giám sát, phát biểu tại kỳ họp.
Thứ năm, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có quy định: HĐND cấp xã có 2 Ban, Ban Kinh tế - xã hội và Ban Pháp chế. Nhưng trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ 2016 - 2021, hai Ban này của HĐND xã cũng chưa phát huy được tốt nhiệm vụ giám sát của mình bởi vì Trưởng và Phó ban đều là kiêm nhiệm, đồng thời tất cả thành viên của các Ban đều là đại biểu HĐND xã.
Thứ sáu, nhiều đại biểu HĐND chưa được trang bị một số kỹ năng cần thiết khi làm đại biểu như: kỹ năng tiếp xúc cử tri; kỹ năng chất vấn và trả lời chất vấn; kỹ năng thu thập, xử lý và phân tích thông tin; kỹ năng giám sát; kỹ năng đánh giá; kỹ năng xây dựng kế hoạch hoạt động, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát;
kỹ năng thuyết trình và thảo luận. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND xã.
Thứ bảy, hoạt động giám sát của HĐND nói chung và HĐND xã nói riêng không có luật riêng để điều chỉnh, các quy định về hoạt động giám sát của HĐND được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Hiến pháp năm 2013, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Quy chế hoạt động của HĐND, nội quy các kỳ họp... nên tồn tại những trường hợp trùng lặp, không thuận lợi cho việc áp dụng, thực hiện luật và hoạt động giám sát. Quy định về nội dung giám sát, hình thức giám sát rộng với nhiều chủ thể, một số hoạt động giám sát được thực hiện trên thực tế nhưng chưa được ghi nhận trong các văn bản pháp luật.
Thứ tám, ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung, của UBND cấp xã nói riêng còn nhiều hạn chế nên dẫn đến tình trạng quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, thiếu dân chủ.
Thứ chín, cải cách hành chính nhà nước trong những năm qua cho thấy người dân vẫn còn gặp nhiều phiền hà, nhũng nhiễu mà hơn cả là khi thực hiện những thủ tục ở UBND.
Thứ mười, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức UBND cấp xã không tương ứng về nhiều mặt, trình độ, kiến thức thiếu hẳn mảng kiến thức về nghiệp vụ quản lý, về kinh tế, pháp luật, bởi vì, việc thực hiện quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đều phải tuân thủ những qui định pháp luật có liên quan.
Tiểu kết chương 2
Chính quyền cấp xã là bộ phận quan trọng cấu thành trong bộ máy nhà nước, là nơi tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Do đó, chỉ ra được những ưu và nhược điểm của tổ chức và hoạt động của Chính quyền cấp xã hiện hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động của cấp chính quyền này. Bởi vì, có nhận thực được những hạn chế về quy định của pháp luật cũng như thực hiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã thì mới đưa ra được các phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động trên thực tế của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã.
CHƯƠNG 3