trình xây dựng nhà nước pháp quyền
Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân không những chỉ đòi hỏi sự thay đổi của cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương, mà còn cả các cơ quan nhà nước ở địa phương, trong đó có chính quyền cấp xã. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi các chủ thể của nó phải có quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng. Trên cơ sở đó các chủ thể phải chủ động và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Trước hết của sự đổi mới này là sự phân định rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương, phân định giữa trung ương và địa phương và giữa địa phương với địa phương.
Trong nhà nước pháp quyền nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc chuyển từ hình thức dân chủ gián tiếp, dân chủ đại diện sang dân chủ trực tiếp. Người dân trực tiếp lựa chọn và bầu ra những người và các cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Vai trò của các cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân cũng cần có sự thay đổi để đáp ứng với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền. Hơn thế nữa, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nhất là công nghệ thông tin, người dân có thể đối thoại trực tiếp với các cơ quan quản lý, có thể phản ánh mọi tâm tư nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của mình qua các phương tiện thông tin đại chúng, giao lưu trực tuyến… Trong điều kiện như vậy cần thiết phải nghiên cứu tổ chức hợp lý các cơ quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, trong đó có chính quyền cấp xã để phù hợp với điều kiện mới.
Yêu cầu xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường kỷ luật, trật tự kỷ cương xã hội ở cơ sở
Bản chất Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Điều đó thể hiện bản chất của chế độ dân chủ, tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Quan điểm trên phải được xây dựng và thể hiện trong mối quan hệ ứng xử giữa cơ quan công quyền với công dân ngay trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi mà người dân đang làm ăn sinh sống. Việc "thực hiện tốt quy chế dân chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý xã hội, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng" [26, tr. 134] là đòi hỏi chính đáng của mỗi người dân và là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm cho khối đại đoàn kết toàn dân thực sự là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới của đất nước.