7. Kết cấu của luận văn
2.1.2. Tình hình kinh tế xã hội
Về kinh tế:
Trong giai đoạn từ 2016-2020, kinh tế Hoài Ân tiếp tục tăng trưởng khá, mức tăng trưởng giá trị sản xuất (tính theo giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2016- 2020 đạt 11,2%. Trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,4%; công nghiệp, xây dựng tăng 15,3% và thương mại, dịch vụ tăng 15,7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đến năm 2020: nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 44,3%; công nghiệp, xây dựng chiếm 20,5% và thương mại, dịch vụ chiếm 35,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40,2 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015. Tỷ lệ tăng thu ngân sách địa phương bình quân hàng năm 20,9%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển toàn diện; các tiến bộ khoa học, kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất và ngày càng phát huy hiệu quả; tiềm năng và lợi thế của địa phương tiếp tục được khai thác, sử dụng hợp lý, đưa giá trị sản xuất và lợi nhuận từ các loại cây trồng, vật nuôi không ngừng tăng cao.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; giá trị sản xuất năm 2020 trên 254,2 tỷ đồng, tăng 65,4% so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,3%.
Các loại hình thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Giá trị sản xuất của ngành năm 2020 trên 2.120 tỷ đồng, tăng 107,8% so với năm 2015; giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động [1].
Hoài Ân cũng là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch như Thác Đổ (Tân Xuân - Ân Hảo), thác Đá Dàn (Bình Hòa - Ân Hảo), thác Trà Lan (Trà Cơi); hồ Thạch Khê (Ân Tường Đông), hồ Vạn Hội (thôn Vạn Hội, Ân Tín) là một trong những hồ chứa nước cho nông nghiệp lớn nhất huyện;...
Về văn hóa, xã hội:
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên toàn ngành được nâng cao. Công tác phổ cập giáo dục hàng năm được duy trì và củng cố. Hiện nay 15/15 xã - thị trấn đạt chuẩn phổ Mẫu giáo 5 tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3; 8/15 xã - thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 3; 7/15 xã - thị trấn đạt chuẩn
phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 2. Học sinh Tiểu học hoàn thành chương trình đạt 99,3%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt 99,4% và Trung học phổ thông đạt trên 99%.
Trong lĩnh vực Y tế: Chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân có chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành y tế được quan tâm đầu tư. Các chương trình y tế Quốc gia, y tế cộng đồng, phòng chống dịch, bệnh được triển khai kịp thời, có hiệu quả. Đến nay, 15/15 xã - thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, bình quân có 4,1 bác sĩ/1 vạn dân (chỉ tiêu 4,5 bác sĩ/1 vạn dân).
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu; đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả khá tốt. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 8%, bình quân hàng năm giảm 2,8% (riêng các xã vùng cao hàng năm giảm từ 5 – 7%); thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40,2 triệu đồng; giải quyết việc làm cho trên 2.280 lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47,2% [1].
Các chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả, nhất là Chương trình 135, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nay, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.
Tuy nhiên, Hoài Ân là một huyện trung du, miền núi vẫn còn không ít khó khăn về KT - XH, tuy đã đạt nhiều chuyển biến nhưng nhìn chung mức sống của dân cư vẫn tương đối thấp so với mặt bằng chung của toàn tỉnh Bình Định.