về phương pháp nghiên cứu trực tiếp, Lakonishok, Shleifer và Vishny (1992) xem xét sự tồn tại của hành vi bầy đàn trong các quyết định của các nhà quản lý quỹ trên thị trường chứng khoán Mỹ bằng việc quan sát mẫu hình giao dịch của 769 nhóm quỹ cổ phần được miễn thuế trong giai đoạn 1986-1989. Các tác giả kiểm định hành vi bầy đàn thông qua mức độ tương quan giữa các nhà quản lý trong việc mua và bán các cổ phiếu nhất định hoặc trong một ngành. Với phương pháp trên, các tác giả không tìm thấy hành vi bầy đàn trong giao dịch trong các nhà quản lý quỹ. Ngoài ra, các tác giả cũng xem xét hành vi bầy đàn dựa trên kết quả hoạt động của các cổ phiếu trong quá khứ cũng như giá trị tài sản mà các nhà quản trị đang quản lý. Với 2 cách phân loại này, các tác giả cũng phân chia thành 5 nhóm cổ phiếu và xem xét từng nhóm. Kết quả nghiên cứu cho thấy hành vi bầy đàn không phụ thuộc vào kết quả hoạt động của các cổ phiếu cũng như giá trị danh mục mà các nhà quản trị đang nắm giữ. Bằng phương pháp tương tự, sử dụng mẫu hình giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, Nofsinger & Sias (1999) xem xét các giao dịch theo quán tính giá và tính bầy đàn trong các quyết định của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, với tần suất dữ liệu tháng trong 20 năm từ 1977-1996. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhà đầu tư tổ chức giao dịch theo quán tính giá nhiều hơn các nhà đầu tư cá nhân và điều này cũng dẫn đến tính bầy đàn các nhà đầu tư tổ chức tác động đến giá chứng khoán trên thị trường đáng kể hơn so với nhóm nhà đầu tư cá nhân. Điều này trái ngược với kết quả nghiên cứu của (Lakonishok, Shleifer và Vishny, 1992).
Xem xét hành vi bầy đàn của các nhà đầu tư tổ chức trên 41 quốc gia trong giai đoạn quý cuối năm 1999 và quý đầu năm 2010, Choi & Skiba (2015) đã xem xét mối quan
hệ giữa hiện tượng bất cân xứng thông tin và hành vi bầy đàn giữa các quốc gia cũng như nguyên nhân dẫn đến hành vi bầy đàn. Các tác giả đo lường việc bất cân xứng thông tin dựa trên 5 yếu tố: sự phát triển của thị trường chứng khoán, mức độ tiếp cận thông tin, minh bạch thông tin, sự độc lập của các nhà đầu tư và yếu tố vĩ mô. Các tác giả sử dụng phương pháp mẫu hình giao dịch theo mô hình của Choi & Sias (2009), kết quả nghiên cứu cho thấy hành vi bầy đàn tồn tại trên thị trường chứng khoán xuất phát từ thông tin cơ bản, hay là hành vi bầy đàn giả. Điều này có nghĩa rằng hành vi bầy đàn của các nhà đầu tư không bắt nguồn từ việc bắt chước lẫn nhau, mà các quyết định đầu tư giống nhau do họ phản ứng tương tự nhau khi nhận được cùng các thông tin cơ bản của chứng khoán. Lẽ đó, các tác giả tin rằng đối với các thị trường minh bạch thông tin, hành vi bầy đàn giúp tốc độ giá phản ánh thông tin nhanh hơn. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy tại nghiên cứu Patterson & Sharma (2007) khi nhóm tác giả xem xét hành vi bầy đàn trong giai đoạn 1998-2000 tại Mỹ trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) thông qua việc quan sát các phiên giao dịch trong ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy hành vi bầy đàn tồn tại rất ít, tuy vậy, hành vi này lại giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn.