5. Kết cấu của luận văn
1.1.3. Nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn về cơ bản được hiểu là tăng giá trị cho người cán bộ trên các mặt phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, kỹ năng thông qua các chính sách phát triển nguồn cán bộ, giúp họ có những năng lực, phẩm chất mới cao hơn để có thể hoàn thành tốt hơn mục tiêu của tổ chức và của chính bản thân họ.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cũng có thể hiểu là quá trình tăng về số lượng và nâng cao về mặt chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhằm tạo ra quy mô và cơ cấu đội ngũ cán bộ ngày càng phù hợp với nhu cầu về nhân lực phục vụ cho sự phát triển của tổ chức.
Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn luôn có mối quan hệ gắn bó và chịu ảnh hưởng tác động với nhau.
Nâng cao về số lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là tăng nguồn lao động; nâng cao về chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn là cải thiện sức khỏe, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của cá nhân cán bộ công đoàn.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010 - 2020” đã đề ra chủ trương: tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn một cách đồng bộ và toàn diện, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế thế giới. Tinh thần chung của Nghị quyết đề ra đến năm 2020 là: hoàn thiện hệ thống các quy định quản lý chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn từ Tổng Liên đoàn đến cơ sở, phát huy hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X; xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường trong hệ thống công đoàn, đội ngũ giảng viên kiêm chức và cán bộ làm công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống các trường công đoàn phù hợp với Luật Giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân trở thành các trung tâm mạnh về đào tạo, bồi dưỡng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn chính là nâng cao toàn diện cả 3 yếu tố: tâm lực, thể lực và trí lực; đồng thời phân bố, sử dụng, hoàn thiện và phát huy hiệu quả nguồn lực con người thông qua hệ thống phân công lao động.
Tầm vóc và thể lực rất quan trọng, nó phản ánh một phần thực trạng của cơ thể con người, liên quan chặt chẽ đến khả năng lao động của con người. Qua điều tra xã hội học cho thấy, người Việt Nam trong lứa tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) có thể lực thuộc loại trung bình thấp trên thế giới. Vì vậy, hướng phát triển của chúng ta là phải tăng thể lực, bao gồm: tăng chiều cao, cân nặng, tăng sức khỏe, tăng khả năng làm việc.
Nâng cao trí lực là nhiệm vụ cơ bản và xuyên suốt quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Để nâng cao trí lực cần thông qua chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục và đào tạo.
Tâm lực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn không chỉ chú trọng đến thể lực và trí lực mà phải coi trọng cả tâm lực hay chính là phẩm chất đạo đức - tinh thần của con người.