III. CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY SUY GIẢM ĐA DẠNG SINH HỌC
3.8. Chính sách nhập khẩu sinh vật ngoại lai
Ở Việt Nam, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã gây ra nhiều tác hại cho các hệ thống thuỷ lợi, nông nghiệp, đa dạng sinh học, kinh tế
Thời gian qua, không ít loài sinh vật ngoại lai đã xâm nhập vào nước ta gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Theo các nhà khoa học, sở dĩ chúng ta để xảy ra tình trạng đó do còn nhiều lỗ hỗng trong kiểm soát và quản lý các loại sinh vật này. Tất cả các loài sinh vật ngoại lai được phát hiện ở Việt Nam đều là những loài đã được liệt kê trong danh sách "100 sinh vật ngoại lai xâm lấn nguy hiểm trên thế giới".
Việc nhập khẩu một số sinh vật ngoại lai xâm hại là do còn nhiều lỗ hỗng trong chính sách kiểm soát và quản lý các loại sinh vật này.
Chính sách nhập khẩu rùa tai đỏ
Rùa tai đỏ có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, hay còn gọi là rùa vạch đỏ, tên khoa học Trachemys scripta elegans. Chúng có thể sống đến 60 - 70 năm.
Rùa tai đỏ là loài ăn tạp, thức ăn của chúng thay đổi theo lứa tuổi. Khi nhỏ ăn thịt, lớn hơn chúng ăn thực vật. Đến khi trưởng thành, chúng ăn tạp bất kể động vật hay thực vật như: tảo, bèo tấm; các loài thực vật thủy sinh, nòng nọc, cá nhỏ, giáp xác. Khi thoát ra ngoài tự nhiên, chúng đã sinh sôi và phát triển nhanh trong các thủy vực, dẫn đến hiện tượng cạnh tranh quyết liệt với loài rùa bản địa và gây tổn hại đến hệ sinh thái thủy vực, đặc biệt là tính đa dạng sinh học.Ngoài ra, rùa tai đỏ còn có thể mang vi khuẩn salmonella, loại vi khuẩn gây bệnh thương hàn đối với người.
Rùa tai đỏ đã có ở Việt Nam từ năm 1994, được người dân nuôi làm cảnh và còn phóng sinh ra ao hồ. Hiện nay rùa tai đỏ đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành.
Chính sách nhập khẩu ốc bươu vàng
Ốc bươu vàng được nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975 ở miền Nam với vài cặp nuôi trong bể xi măng. Năm 1989, được nhập bằng nhiều cách khác nhau như một nguồn thực phẩm cung cấp cho người và động vật nuôi.
Ốc bươu vàng đã xâm nhiễm vào đồng ruộng ở Việt Nam và với điều kiện sinh thái phù hợp, chúng đã phát triển nhanh chóng, trở thành dịch hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa và rau muống. Hiện nay, ốc bươu vàng đã được ghi nhận ở hầu hết mọi miền đất nước.
Trung bình mỗi năm, ốc bươu vàng “ăn” hết hơn 200.000ha lúa. Ngoài lúa, ốc bươu vàng còn hại tảo, rau muống, khoai sọ, trứng và được ví như máy nghiền vì có thể ăn liên tục trong 24 giờ. Đặc biệt, gần đây chúng còn gặm vỏ cây tràm mới trồng, gây chết cây ở vùng Đồng Tháp Mười.
Trước tốc độ lan tràn và phá hoại ghê gớm của loài này, năm 1992, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị cấm nhập khẩu và nuôi ốc bươu vàng. Tháng 9 năm 1994, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp tục có chỉ thị hoàn thành việc diệt trừ ốc bươu vàng trong năm 1994. Tuy nhiên, do tốc độ sinh sản và khả năng sống khỏe của ốc bươu vàng, đến nay, ốc bươu vàng vẫn tồn tại và gây hại. Có nơi, ốc bươu vàng cắn phá làm hư hại tới 70% diện tích lúa.
Hiện nay, ốc bươu vàng vẫn tồn tại với số lượng nhỏ trong các hệ sinh thái đồng ruộng, ao hồ. Tuy nhiên, do áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp nên chúng ta đã cơ bản khống chế được sự bùng phát thành dịch trên phạm vi rộng và duy trì sự phát triển của chúng dưới ngưỡng gây hại kinh tế. Hàng năm, Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư kinh phí cho việc giám sát và kiểm soát ốc bươu vàng. Đây là bài học đắt giá cho việc du nhập loài động vật thuỷ sinh ăn thực vật vào vùng đất có truyền thống văn hoá trồng lúa nước như Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Chính sách nhập khẩu chuột hải ly
Chuột hải ly được nhập vào Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XX với mục đích làm loài vật nuôi, tạo thu nhập bổ sung cho nông dân do nó cung cấp thịt để ăn, da và lông để xuất khẩu, ruột để sản xuất chỉ tự tiêu.
Tuy nhiên, tại một số quốc gia, Chuột hải ly đã gây ra các tác hại nghiêm trọng như phá huỷ hệ sinh thái đất ngập nước, phá huỷ mùa màng, làm hư hỏng đê điều, bờ kênh, bờ sông. Diệt trừ tận gốc là biện pháp quản lý có hiệu quả đối với loài vật này. Do đó, Cục Khuyến nông - Khuyến lâm và Cục Thú y đã hành động kịp thời để ngăn chặn việc nhập loài này vào Việt Nam. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành quyết định tiêu huỷ toàn bộ số chuột đã và đang nuôi trong phạm vi cả nước. Các cơ quan chức năng đã thành lập một tổ công tác giải quyết các vấn đề liên quan đến Chuột hải ly.
Tính đến cuối năm 2002, khoảng 4.000 con Chuột hải ly đã bị tịch thu và tiêu hủy. Hiện loài này được cho là đã loại bỏ khỏi Việt Nam
Lục bình (bèo Nhật Bản, bèo tây)
Bèo Nhật Bản được nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản vào năm 1902 với mục đích làm cảnh. Trong điều kiện thuận lợi, loài này có thể phát triển gấp đôi diện tích trong khoảng mười ngày và hiện đã phát triển phân bố rộng khắp tại các thủy vực nước ngọt ở Việt Nam. Lục bình che phủ mặt nước, khi thối mục làm giảm ôxy hòa tan trong nước, dẫn đến làm chết cá và các loài thủy sinh khác.
Cũng như các loài sinh vật ngoại lai xâm hại khác, bèo còn gây ra những hậu quả xấu đối với nền kinh tế. Bèo Nhật Bản không chỉ cản trở hoạt động giao thông đườ ng thủy mà còn làm chậm dòng chảy, làm giảm khả năng phát điện, sức tưới tiêu và làm tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa.
Những năm gần đây, bèo Nhật Bản phát triển mạnh, gây ra nhiều vấn đề lớn về cả môi trường và kinh tế.