V. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH
5.2. Các biện pháp ngăn ngưà sinh vật ngoại lai xâm hại
Trong bối cảnh ĐDSH cũng như phát triển bền vững đang trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, quản lý và phòng trừ các loài ngoại lai xâm hại đang là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đề cập một cách thấu đáo và có tính hệ thống trong các văn bản pháp luật của Việt Nam.
Khu vực đất ngập nước Bàu Sấu
Kết quả khảo sát cho thấy, các loài thực vật ngoại lai xâm hại cần ưu tiên kiểm soát diệt trừ hiện nay ở tỉnh Đồng Nai là cây Mai dương. Do tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo kiểm soát diệt trừ loài này thường xuyên, nên hiện nay tuy sự hiện diện của loài này khắp mọi nơi nhưng hầu như ít thành những quần thể rộng lớn; trừ một số khu vực sau đây sự xâm lấn của chúng đáng lo ngại:
Mai dương là loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm đang đe dọa khu vực này; hiện nay VQG Cát Tiên đã kiểm soát đáng kể tình hình này. Theo đánh giá thì không thể diệt trừ hoàn toàn loài này; chỉ có thể thường xuyên kiểm soát hạn chế sự lây lan mở rộng diện tích phân bố của loài này.
Vì vai trò sinh thái quan trọng của ĐNN Bàu Sấu, nên cần quy hoạch khu vực này là vùng ưu tiên kiểm soát Mai dương. Tuy nhiên cần chú ý biện pháp diệt trừ; chỉ nên sử dụng biện pháp cơ giới thủ công thường xuyên, tránh sử dụng lửa và hóa chất vì thực tế cho thấy điều này sẽ làm suy thoái các quần xã thực vật bản địa đặc trưng còn sót lại trước đây.
Hình 5.1. Quang cảnh Bàu Sấu
Vùng bán ngập ven hồ Trị An
Loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm Mai dương hiện diện nhiều ở khu vực bán ngập ven hồ Trị An; Tuy nhiên mật độ của chúng không dầy, cây có đường kính nhỏ, chiều cao thấp và chưa hình thành những quần thể lớn như ở VQG Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), có thể do độ dinh dưỡng của đất không cao như ở ĐBSCL và do kết quả của quá trình kiểm soát diệt trừ loài này ở địa phương.
Do khu vực bán ngập ven hồ Trị An ít có hoạt động của con người và nhằm tránh tình hình xâm lấn mạnh của loài này như ở khu vực hồ Đa Nhim (tỉnh Lâm Đồng) mà có thể đe dọa đến vùng hạ lưu; do đó nên cần quy hoạch khu vực này là vùng ưu tiên kiểm soát Mai dương của tỉnh Đồng Nai.
Giải pháp sinh thái ưu thế có thể hạn chế diện tích xâm lấn của loài này ở khu vực bán ngập ven hồ là gia tăng độ che phủ của các loài cây thân gỗ, vì Mai dương là loài thực vật ưu sáng, sinh trưởng kém dưới tán cây khác. Có thể chọn một số loài cây thân gỗ chịu ngập như Tràm cừ hay cây Cà giâm ở Bàu Sấu và có thể chọn nhiều loài cây gỗ chịu ngập, chịu ẩm khác tùy theo mức độ ngập gần bờ hay xa bờ như Gáo, Cà na, Tràm úc v.v…
Hình 5.2. Hội đoàn mai dương khu vực chiến khu D
Vùng bán ngập ven hồ Gia Ui, hồ Núi Le
Hồ Gia Ui và hồ Núi Le nằm trên cùng lưu vực, được quy hoạch để cung cấp cho hệ thống cấp nước các đô thị, khu dân cư nông thôn ven đô. Hiện nay tình trạng cây Mai dương xâm lấn trên hồ rất đáng lo ngại.
Đề xuất giải pháp kiểm soát cây mai dương
Cây Mai dương được đánh giá là loài thực vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm nhất ở Việt Nam hiện nay, tác động xâm hại của loài này đã thể hiện rõ ở nhiều tỉnh trong cả nước, đặc biệt là ở các khu bảo tồn đất ngập nước.
Đối với đồng ruộng: vận động nông dân dùng biện pháp cơ học là chặt bỏ thủ công những cây mọc trên mặt ruộng và bờ bao; tốt nhất là dùng cuốc xới gốc; sau đó gom đốt.
Đối với các nương rẫy: loài này ưa đất ẩm, vì vậy vận động nông dân chú ý đến các khe suối, bờ ao, bìa ranh. Biện pháp an toàn nhất là phát dọn thủ công và gom đốt, nên dọn trước khi cây ra hoa, kết trái. Nhằm bảo vệ môi trường nên hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ độc tính cao để diệt trừ cây Mai dương.
Đối với các hồ thủy lợi – thủy điện: Các vùng đất bán ngập ven hồ là môi trường tối ưu cho sự phát triển của cây Mai dương, kết quả khảo sát cho thấy tuy hiện loài này chưa xâm lấn mạnh ở đây, nhưng trong tương lai chúng sẽ xâm lấm cả vùng bán ngập và hạt giống của chúng sẽ theo dòng nước phát tán khắp nơi trong tỉnh Đồng Nai. Vì vậy đây là khu vực ưu tiên cần xây dựng kế hoạch hành động diệt trừ ngay từ bây giờ. Biện pháp chủ yếu là hằng năm thuê lao động địa phương chặt bỏ thủ công và gom đốt ở vị trí cách xa mặt nước hồ để tránh hạt giống có thể theo dòng nước phát tác khắp nơi.
Đối với các khu bảo tồn ĐDSH, cảnh quan: trong các khu vực này, thì nơi còn rừng cây có độ tàn che lớn thì không cần quan tâm, tuy nhiên dọc theo bờ sông, khe suối, khu vực đất thấp ẩm ướt, ao, hồ, nhất là những khu vực ít người quản lý trông coi, thì cần phải được quan trắc định kỳ hàng năm. Nếu thấy xuất hiện thì cần nhanh chóng lập kế hoạch hành động diệt trừ ngay vì khu vực này nằm ở vùng thượng nguồn nên rất dễ phát tán ra vùng đồng bằng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tp.HCM.
Đối với vườn nhà, khu vực dân cư nông thôn: vận động cộng đồng định kỳ hàng năm diệt trừ loài này. Cần chú ý đến những khu đất trống ẩm quanh
vườn, bờ ao, bờ sông, ven lộ ít người trông coi. Biện pháp chính là chặt thủ công, sau đó gom đốt, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ. Cần bổ sung nội dung diệt trừ loài này trong hành động của lực lượng tình nguyện địa phương bên cạnh những hoạt động trồng cây phân tán, dọn vệ sinh môi trường.