Bạn vừa chuyển tới một vùng quê mới. Bạn là một người lạ đối với cư dân ở đó. Bạn có thể không biết rõ người dân ở đó như thế nào, văn hóa tập tục, quy luật ra sao v.v. để có cách ứng xử thích hợp. Tuy nhiên, hầu như mọi hoạt động của bạn, có lẽ họ sẽ biết hết. Bạn sẽ được một vài trong số họ để ý và quan sát. Mức độ phản ứng của họ đối với các hoạt động của bạn như thế nào, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của động thái đó. Do vậy, thường người mới đến hay đi lại, gặp gỡ hàng xóm, làm quen, tỏ thái độ tôn trọng người dân ở đó và tìm hiểu thêm thông tin nơi đang ở. Đó là những người biết lẽ phải và xã giao khôn ngoan.
Trong kinh doanh cũng vậy. Một thương hiệu mới, một sản phẩm dịch vụ mới có mặt trên thị trường, dù thầm lặng tới đâu, cũng có người quan sát và phát hiện. Đó là đối thủ cạnh tranh, các cơ quan giám sát thị trường kinh tế, là khách hàng v.v. Họ sẽ phản ứng thế nào, dựa vào các hoạt động kinh tế liên quan đến sản phẩm dịch vụ này mà nhà sản xuất thực hiện. Họ sẽ phản ứng tốt hơn, nếu sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng cao, đáp ứng mong mỏi của họ so với các loại cùng ngành khác, hoặc nó mang tính đột phá, duy nhất tiên phong. Hoặc họ sẽ phản ứng ngược lại, nếu nó phá vỡ tính đảm bảo cân đối trong thị trường cùng ngành, với chất lượng thấp, giá cao, hay hàng này không có xuất xứ tốt, không có giá trị, thậm chí ảnh hưởng đến văn hóa, chất lượng cuộc sống hay sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh lưu ý sản phẩm dịch vụ mới khi xâm nhập vào thị trường thì người làm PR còn để ý tới doanh nghiệp của mình. Nó là ai, nó như thế nào, nó thuộc đẳng cấp nào, năng lực ra sao? Để có phương thức tốt nhất mà ứng xử cùng thị trường và các mối quan hệ mục tiêu, nhằm trả lời câu hỏi cuối cùng: doanh nghiệp này làm vì mục đích gì?
Một điểm cần lưu ý nữa là chính bản thân sự phản ứng của các hoạt động của doanh nghiệp, bên trong và bên ngoài. Bởi các hoạt động này sẽ tạo nên hình ảnh, thông tin về tổ chức. Chính những điều này sẽ được theo dõi giám sát bởi thám tử kinh tế, và của các mối quan hệ mục tiêu. Đừng nghĩ rằng, hoạt động nội bộ có thể hoàn toàn che dấu bên ngoài, bởi vì có trường hợp chính nội bộ đã tiết lộ nó ra ngoài bằng cách này hay cách khác, vì lý do này hay lý do kia, và thường thì kết quả không được tốt, vì nó chưa nằm trong kế hoạch truyền thông của PR. Do vậy PR cần lưu ý các hoạt động bên trong tổ chức, và có cách kiểm soát, hạn chế thông tin không hay bị đưa ra ngoài. Người ta nói một tin xấu sẽ lan nhanh gấp 11 lần, trong khi tin tốt chỉ có 3 mà thôi. Thông tin lọt vào tai ai rồi, khó có thể nào chặn nó
lan truyền được. Vì vậy hãy lưu ý với vấn đề hoạt động và thông tin nội bộ.
Lưu ý ở đây cũng là trách nhiệm. Người làm PR phải luôn nghĩ cho doanh nghiệp, nghĩ cho khách hàng, nghĩ cho lợi ích xã hội và nghĩ cho mình. Do đó mọi hoạt động PR phải luôn được nhìn nhận cẩn thận và thực hiện nghiêm túc, không làm dở chừng gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và bản thân. Hơn nữa còn gây lãng phí thời gian, nguồn lực và ảnh hưởng đến lòng tin của mọi người. Ở đây lưu ý còn có nghĩa là sự cảnh báo. PR phải có trách nhiệm thông báo, cảnh báo, nhắc nhở, hỗ trợ khách hàng và các mối quan hệ mục tiêu trong các vấn đề sử dụng sản phẩm dịch vụ hay hợp tác giao dịch. Các vấn đề như hàng giả, hàng nhái, cách sử dụng, mua sắm, cách bảo trì, bảo hành, bảo hiểm, bản quyền, nhượng quyền, quy trình mua bán hay giao dịch v.v và các vấn đề liên quan khác.
Phải luôn lưu ý rằng làm PR là xây dựng thương hiệu uy tín cho tổ chức. Do vậy, mọi hoạt động và thông điệp đều phải tập trung cao độ vào vấn đề hành động bằng các nguyên tắc đạo đức và nghề nghiệp cơ bản cũng như với tinh thần trách nhiệm cao nhất.