Con người luôn hướng đến chân thiện mỹ. Trong số chúng cái mỹ hay cái đẹp luôn là một điều mà ai ai cũng yêu thích và cố gắng đạt được. Cái đẹp thực sự gồm cả cái nghĩa hình thức và nội tại, hay cái bản chất tốt lành toát lên vẻ đẹp. Con người thích cái đẹp, đó là một điều thực sự. Họ thích quần áo thời trang, thích sống trong một ngôi nhà khang trang, ở một nơi không khí trong lành và cảnh quan xinh đẹp. Nhưng những cái này phải là thực sự, không giả tạo như đang dựng cảnh trong phim.
Vì lẽ đó trong PR có chứa nghệ thuật, có cái đẹp mà người làm PR cần phải đề cao và quan tâm thích đáng. Chẳng những làm đẹp mắt người xem, mà ấn tượng đẹp trong tâm trí họ là điều không thể thiếu, cái mà quyết định sự tồn vong của thương hiệu sản phẩm dịch vụ hay tên tuổi của tổ chức. Do vậy, văn phòng được trang trí thích hợp, trang phục nhân viên lịch sự, hồ sơ tài liệu, và các dụng cụ hỗ trợ công việc được chăm chút và trình bày có mỹ thuật cũng sẽ tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng khách hàng, những người hay tiếp xúc và giao dịch trực tiếp với tổ chức. Ngoài ra, cách giao tiếp, ứng xử, hành động, cử chỉ, trạng thái, điệu bộ, ánh mắt, nụ cười, âm thanh, giọng nói và kỹ năng của người trong tổ chức cũng tạo nên vẻ đẹp riêng, văn hóa riêng cho cho tổ chức. Vẻ đẹp ở đây tiến xa hơn một bước là sự hài hòa giữa vật chất và tinh thần, tạo cho khách hàng cảm giác dễ chịu và có niềm tin trong giao tiếp.
Nghệ thuật còn thể hiện ở khả năng sáng tạo và khám phá nhu cầu hay mong muốn của khách hàng. Đánh thức nhu cầu và đáp ứng cho họ. Những giải pháp hiệu quả, kịp thời trong việc giúp khách hàng giải quyết sự cố liên quan đến sản phẩm dịch vụ, tìm kiếm ý tưởng mới về nó cũng chính là nghệ
thuật của PR.
Khoa học, nghệ thuật, tâm lý, văn hóa, tôn giáo, phong tục truyền thống, đời sống xã hội v.v cũng chứa đựng những nét đẹp nghệ thuật mà người làm PR cần tôn trọng, ứng dụng sao cho thích hợp. Tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh, không gian và chủ đề mà hoạt động PR đưa ra, nhằm đạt được được kết quả cao trong công việc và còn phát huy được giá trị của chính bản thân nghệ thuật đó, loại hình đó, và giảm thiểu sự mất cân đối hay tầm nhìn của người đứng bên ngoài về nó. Ví dụ, việc tổ chức lễ giỗ tổ Hùng Vương ở Việt Nam, chính là một sự kiện PR. Chẳng những nó tăng giá trị thương hiệu và cảm tình của nhà tổ chức trong các đối tượng công chúng, mà còn phát huy tính nhân văn, giá trị truyền thống anh hùng dân tộc của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam trong trái tim của bạn bè năm châu.
Nghệ thuật PR còn thể hiện trong cách xử lý, dung hòa những mặt mạnh yếu của một tổ chức nhằm giúp cho người trong tổ chức cũng như đối tượng mục tiêu có cảm tình với nhau hơn. Hãy nghĩ xem một trí nhớ tốt, chưa chắc đã là một giáo sư; một người có năng khiếu vẽ, chưa chắc là một danh họa nổi tiếng; một giọng hát hay chưa chắc đã là một siêu sao âm nhạc. Tốt tất cả những điều trên chưa chắc họ đã là một thương gia danh tiếng. Nhưng nếu họ có một trong những điều ấy, và biết PR, hiểu PR, và thực hiện PR, có thể chắc rằng họ sẽ thành công, điều mà họ muốn thực hiện. Vì người biết làm PR sẽ biết tận dụng tốt cái gọi là thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, và nghệ thuật giao tiếp hiệu quả giúp người xung quanh biết được giá trị của mình và thu hút mọi người đến với mình.
Đôi khi nghệ thuật còn thể hiện trong những điều tưởng chừng như bình thường, ví dụ là tặng quà. Đặc biệt trong hoạt động PR có hoạt động tặng quà cho người bất hạnh. Tùy theo năng lực của công ty, người làm PR nên khéo chọn những món quà tương thích với họ và phân bổ hợp lý. Chẳng hạn, những nạn nhân của bão lụt, thì ta nên gia tăng phần lương thực thực phẩm, thuốc phòng bệnh hay cách làm nước sạch, vệ sinh, quần áo hơn phần vật dụng gia đình. Điều đó chẳng những giúp họ giải quyết cấp thời về nhu cầu giữ gìn thể chất mà còn đề phòng bệnh tật, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ sau này. Vì họ đang nghèo đói, mà thêm chuyện bệnh tật, thì khó khăn sẽ chồng chất khó khăn, lại gia tăng gánh nặng cho họ và xã hội.
Nghệ thuật còn ở chỗ, người làm PR làm cho khách hàng cảm thấy hài lòng và thích thú với lựa chọn sản phẩm dịch vụ, hay sự hợp tác của họ khi
nó đúng hay vượt xa niềm hi vọng, thông tin mà họ tiếp nhận từ tổ chức đó. Chính điều đó mới chính là cách tốt nhất, nghệ thuật hay nhất là biến khách hàng bình thường thành khách hàng trung thành.
Nghệ thuật còn làm cho khách hàng tiềm năng tự tìm hiểu, nghiên cứu về tổ chức, sản phẩm hay dịch vụ. Để rồi họ thấy rằng, họ thật sự hợp với chúng. Rồi sau đó họ mời gọi thêm những người đồng chí hướng, đồng sở thích với họ cùng tham gia và sử dụng nó, hợp tác chung với họ.
Ngoài ra, quản trị thời gian, quy trình xử lý thông tin ra vào về tổ chức, cũng là một nghệ thuật. Bên cạnh đó, việc trình bày các tài liệu tiếp thị như tờ rơi, pa-nô, logo, brochure v.v với sắc màu từ ngữ, biểu tượng, cũng là nghệ thuật dẫn dụ khách hàng quan tâm đến thông điệp. Đặc biệt trên truyền thanh, truyền hình, internet, thì âm thanh, hình ảnh, điệu bộ, giai điệu, từ ngữ cũng cực kỳ quan trọng. Nó thể hiện tính chuyên nghiệp và vẻ đẹp văn hóa của tổ chức đó. Ngoài ra, nói trước công chúng cũng là một phần không thể thiếu mà người phát ngôn phải thể hiện bản lĩnh và tính chuyên nghiệp cho tổ chức, nhằm tạo một hiệu ứng cảm nhận và ấn tượng sâu sắc đối với người nghe, đặc biệt là trước khách hàng mục tiêu.
Nghệ thuật của PR chính là đắc nhân tâm, tất cả vì sự hài lòng của khách hàng càng lâu bền càng tốt.