Các nghiên cứu có liên quan

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ MỸ ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA CÁC QUỐC GIA MỚI NỔI (Trang 32 - 35)

CHƯƠNG 1 : PHẦN MỞ ĐẦU

7. Đóng góp của luận văn

2.2. Các nghiên cứu có liên quan

Các đề tài về tác động lan tỏa từ chính sách tiền tệ của một nước lên các quốc gia khác từ lâu được các nhà nghiên cứu quan tâm và thực hiện phân tích. Tuy nhiên, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đề tài về lan tỏa tác động của chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách tiền tệ Mỹ càng thu hút sự quan tâm các nhà nghiên cứu trên thế giới. Có thể phân loại các nghiên cứu xung quanh đề tài này thành các nội dung như sau: Tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ truyền thống hoặc phi truyền thống của Mỹ lên các nước phát triển và các nước mới nổi. Sự lan tỏa của chính sách tiền tệ Mỹ thông qua các kênh truyền dẫn như kênh tỷ giá, kênh tài chính,… Bên cạnh những nghiên cứu tập trung phân tích các tác động từ chính sách tiền tệ Mỹ thì nội dung về phản ứng của các quốc gia trước tác động từ chính sách tiền tệ Mỹ cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm gần đây. Tuy nhiên, chưa có nhiều bài nghiên cứu về nội dung này mặc dù có thể thấy, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, tác động lan tỏa từ chính sách tiền tệ của một nước lên các quốc gia khác là điều không thể tránh khỏi và mỗi quốc gia đều có những mục tiêu và điều kiện kinh tế riêng. Do vậy, không chỉ những nghiên cứu về

tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ mà những nghiên cứu về phản ứng của các nước trước tác động của chính sách tiền tệ bên ngoài cũng rất cần thiết với các quốc gia.

Đầu tiên là bài nghiên cứu tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ Mỹ lên các biến vĩ mô của các quốc gia mới nổi. Mackowiak (2007) sử dụng mô hình SVAR với các biến kinh tế vĩ mô của 8 nước mới nổi bao gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia, Phillipines, Singapore, Thái Lan và các nước Châu Mỹ Latin để nghiên cứu mức độ biến động của các biến vĩ mô tại các thị trường mới nổi trước các cú sốc ngoại sinh và cú sốc tiền tệ Mỹ. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng các cú sốc ngoại sinh có vai trò quan trọng trong việc giải thích sự biến động của các biến số kinh tế vĩ mô tại các thị trường mới nổi và chiếm hơn một nửa trong sự thay đổi của tỷ giá và mức giá, hai phần năm sự thay đổi của đầu ra thực và một phần ba sự thay đổi của lãi suất ngắn hạn. Về các cú sốc tiền tệ của Mỹ, những cú sốc này không có vai trò quan trọng đối với các thị trường mới nổi như các cú sốc ngoại sinh. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ Mỹ đến các nước mới nổi là đáng kể và chiếm phần lớn hơn trong sự thay đổi của mức giá và đầu ra thực. Bài nghiên cứu cung cấp thông tin cho việc thiết lập các chính sách để có thể làm vững nền kinh tế trước những biến động bên ngoài.

Tiếp theo là bài nghiên cứu về các kênh truyền dẫn quốc tế của chính sách tiền tệ Mỹ. Dựa trên mô hình của Mundell (1963) và Fleming (1962), Ammer và cộng sự (2016) đã phân tích sự lan tỏa quốc tế từ chính sách tiền tệ Mỹ giai đoạn 2008- 2015 thông qua ba kênh truyền dẫn: Kênh tỷ giá, kênh tổng cầu và kênh tài chính. Tùy thuộc vào sức mạnh của tác động dịch chuyển chi tiêu và tác động kích thích chi tiêu từ các kênh truyền dẫn mà chính sách tiền tệ Mỹ sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các quốc gia đối tác. Trong đó, tác động tích cực từ các chính sách nới lỏng được chứng minh là làm ổn định nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc tiếp diễn của các tác động tích cực này ở những năm tiếp theo không còn được các quốc gia mới nổi đón nhận vì các nước này đã dần cải thiện được chu kì kinh tế của họ.

Cuối cùng là những bài nghiên cứu về phản ứng của các quốc gia trước tác động của chính sách tiền tệ Mỹ dựa trên các đặc trưng của mỗi quốc gia. Georgiadis (2016) đã phân tích sự lan tỏa từ chính sách tiền tệ Mỹ lên 61 nền kinh tế trong giai đoạn từ quý 1/1999 đến quý 4/2009. Sử dụng mô hình VAR toàn cầu (GVAR), Georgiadis (2016) nhận thấy rằng chính sách tiền tệ Mỹ đã có những tác động đáng kể lên các nền kinh tế khác. Những tác động này có ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác lớn hơn so với nền kinh tế của Mỹ. Ngoài ra, Georgiadis (2016) cũng nhận ra mức độ tác động của chính sách tiền tệ Mỹ lên mỗi quốc gia không giống nhau mà phụ thuộc vào sự khác biệt về độ mở tài chính, chế độ tỷ giá, sự phát triển của thị trường tài chính,… Georgiadis (2016) cho rằng những nền kinh tế khuyến khích thị trường tài chính trong nước phát triển, hội nhập thương mại và tự do hóa tỷ giá có thể làm giảm sự ảnh hưởng của chính sách tiền tệ Mỹ.

Pham & Nguyen (2019) đã sử dụng các mô hình BVAR dựa trên việc phân loại các quốc gia theo sự phát triển quốc gia, chế độ tỷ giá, độ mở thương mại và độ mở dòng vốn để phân tích mức độ phản ứng của các quốc gia Châu Á trước tác động của chính sách tiền tệ Mỹ. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng những quốc gia đang phát triển, áp dụng chế độ tỷ giá cố định và có độ mở tài chính lớn sẽ phản ứng mạnh hơn các quốc gia có đặc điểm ngược lại.

Một phần của tài liệu TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ MỸ ĐẾN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CỦA CÁC QUỐC GIA MỚI NỔI (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(70 trang)
w