7. Đóng góp của luận văn
4.3. Phản ứng của các nhóm nước trước tác động của chính sách tiền tệ Mỹ
4.3.1. Phản ứng của các nhóm nước được phân loại dựa trên chế độ tỷ giá
Đối với biến lãi suất và biến tăng trưởng, phản ứng xung ở hình 4.3 cho thấy cả hai nhóm nước đều có phản ứng tức thời với lãi suất Mỹ ở thời kỳ đầu tiên. Ngoài ra, biến lãi suất và biến tăng trưởng của nhóm quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá cố định có phản ứng mạnh hơn nhóm nước áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi. Kết quả này phù hợp với kết quả của Giovanni & Shambaugh (2008) và Pham và cộng sự
(2019). Theo lý thuyết bộ ba bất khả thi Mundell-Fleming, một quốc gia chỉ thực hiện được hai trong ba mục tiêu là kiểm soát tỷ giá, tự do lưu chuyển vốn và độc lập chính sách tiền tệ. Đối các quốc gia có nền kinh tế mở, muốn thực hiện chính sách tiền tệ độc lập, việc áp dụng tỷ giá thả nổi sẽ giúp những quốc gia này tránh được các tác động của chính sách tiền tệ bên ngoài. Trong khi đó, những quốc gia có dòng vốn lưu chuyển tự do, áp dụng chế độ tỷ giá cố định sẽ khó có thể thực hiện được chính sách tiền tệ độc lập. Ngoài ra, Flood và Rose (1995) cũng cho rằng những nước buộc phải theo chính sách tiền tệ của quốc gia nguồn trong khi chính sách này không phải là chính sách tối ưu với nền kinh tế trong nước thì có thể dẫn đến việc gia tăng biến động GDP của các nước tỷ giá cố định. Do vậy, phản ứng của lãi suất và tăng trưởng của các quốc gia tỷ giá cố định sẽ phản ứng lớn hơn các nước tỷ giá thả nổi.
Đối với biến tỷ lệ lạm phát, nhóm nước tỷ giá cố định có phản ứng ngược chiều với lãi suất Mỹ, trong khi đó, nhóm nước tỷ giá linh hoạt có phản ứng cùng chiều. Khi có sự thay đổi lãi suất của Mỹ, tỷ lệ lạm phát của nước tỷ giá thả nổi sẽ phản ứng cùng chiều và yếu hơn phản ứng của tỷ lệ lạm phát Mỹ. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Mỹ thực hiện giảm lãi suất đã khiến các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn sang những thị trường có mức lợi tức cao hơn, mà cụ thể là các thị trường mới nổi. Đối với nhóm nước tỷ giá cố định, khi các dòng vốn chảy mạnh vào thị trường gây ra áp lực tăng giá nội tệ, để giữ cho tỷ giá ổn định, các ngân hàng trung ương của quốc gia này phải mua ngoại tệ dư thừa và điều này dẫn đến cung tiền tăng lên, lãi suất giảm, giá cả và lạm phát tăng theo. Đối với nhóm nước tỷ giá thả nổi, tỷ giá được quyết định bởi cung cầu ngoại tệ trên thị trường mà không cần sự can thiệp của ngân hàng trung ương vào thị trường hối đoái. Chế độ tỷ giá thả nổi cho phép chính sách tiền tệ được thực hiện một cách độc lập và linh hoạt hơn và do đó các ngân hàng trung ương không phải cam kết về một mức tỉ giá cụ thể nên hoàn toàn có quyền mở rộng hoặc thu hẹp cung tiền để điều chỉnh các biến mục tiêu quan trọng như sản lượng, việc làm, hay tỉ lệ lạm phát.
Hình 4.3: Kết quả phản ứng xung của các biến trước tác động của lãi suất Mỹ dựa trên phân loại chế độ tỷ giá
4.3.2. Phản ứng của các nhóm nước được phân loại dựa trên độ mở thương mại
Đối với biến lãi suất, kết quả phản ứng xung hình 4.4 cho thấy, biến lãi suất của cả hai nhóm nước có phản ứng nhanh chóng và cùng chiều với tác động lãi suất Mỹ. Trong đó, nhóm nước có độ mở thương mại thấp lại có phản ứng mạnh hơn nhóm nước có độ mở thương mại lớn. Nhiều nghiên cứu cho rằng nhóm nước độ mở cao sẽ có phản ứng mạnh hơn với tác động bên ngoài nói chung và tác động từ chính sách tiền tệ Mỹ nói riêng. Những nghiên cứu này cho rằng việc Mỹ thực hiện giảm lãi suất đã làm cho giá nội tệ giảm, dẫn theo tỷ giá đồng USD trên đồng tiền của
các nước đối tác giảm, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước đối tác. Hay nói cách khác, việc giảm lãi suất của Mỹ làm cho hàng hóa của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, kích thích xuất khẩu của Mỹ và gây bất lợi cho xuất khẩu của các nước đối tác. Đối với những nước có độ mở thương mại cao, hoạt động xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, do vậy, việc Mỹ thay đổi lãi suất gây ảnh hưởng đến xuất khẩu đã dẫn đến sự điều chỉnh lãi suất của các quốc gia này nhằm đạt được độ tương đồng với đồng USD. Do vậy, các nước độ mở cao có phản ứng tăng ở thời kì đầu và bắt đầu giảm dần từ thời kì hai.
Hình 4.4: Kết quả phản ứng xung của các biến trước tác động của lãi suất Mỹ dựa trên phân loại độ mở thương mại
Tuy nhiên, kết quả phản ứng xung lại cho thấy rằng lãi suất ở các nước có độ mở thương mại thấp phản ứng mạnh hơn với lãi suất Mỹ. Theo như nghiên cứu của Georgiadis (2016), những quốc gia có thị trường tài chính chưa phát triển, độ mở dòng vốn cao nhưng độ mở thương mại thấp sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn từ tác động lan tỏa nếu như cơ cấu ngành của những quốc gia này nghiêng về khu vực sản xuất hàng hóa gia công và khu vực sản xuất, chế tạo chiếm phần lớn trong sản lượng đầu ra.
Biểu đồ 4.1: Tỷ trọng trung bình ngành công nghiệp trong tổng GDP của các quốc gia giai đoạn năm 2000-2018. (Nguồn: The World Bank 2018)
Biểu đồ 4.1 thể hiện tỷ trọng trung bình ngành công nghiệp trong tổng GDP của các quốc gia mẫu, khu vực Châu Âu và Mỹ giai đoạn năm 2000-2018. Qua đó, tỷ trọng ngành công nghiệp của các quốc gia mới nổi chiếm khoảng trên 30% trong
tổng GDP. Trong khi đó, tỷ trọng ngành công nghiệp của khu vực Châu Âu và Mỹ chiếm khoảng 20% trong tổng GDP.
Biểu đồ 4.2: Tỷ trọng trung bình ngành sản xuất, chế tạo trong khu vực công nghiệp của các quốc gia giai đoạn 2000-2018. (Nguồn: The World Bank 2018)
Biểu đồ 4.2 thể hiện tỷ trọng trung bình ngành sản xuất, chế tạo trong khu vực công nghiệp giai đoạn 2000-2018. Đồ thị cho thấy tỷ trọng ngành sản xuất, chế tạo chiếm trên 50% trong khu vực công nghiệp. Đối với Mỹ, khu vực công nghiệp chỉ chiếm 19% trong tổng GDP, nhưng có đến 80% là ngành sản xuất chế tạo. Còn đối với các nước mới nổi, khu vực công nghiệp chiếm khoảng trên 50% trong tổng GDP và trong đó chiếm hơn nửa là ngành sản xuất, chế tạo. Các nước mới nổi
Châu Á hiện nay có thể lựa chọn tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia thông qua thương mại xuyên khu vực về sản phẩm trung gian và linh kiện sản xuất thay vì xây dựng một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh thông qua thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, hàng hóa trung gian nhạy cảm hơn với sự thay đổi của chi phí thương mại là hàng hóa cuối cùng vì đối với hàng hóa cuối cùng các nhà sản xuất sẽ hạn chế được sự phụ thuộc vào nhà cung cấp ở xa (Mirodout, Lanz và Ragoussis, 2009). Việc Mỹ thực hiện giảm lãi suất đã khiến hàng hóa xuất khẩu của các nước đối tác trở nên kém hấp dẫn hơn hàng hóa của Mỹ, bên cạnh đó, đối với các nước có độ thương mại thấp, hàng hóa di chuyển không được thông suốt, gây chậm trễ làm chi phí thương mại tăng lên. Điều này dẫn đến việc điều chỉnh lãi suất của các quốc gia đối tác để giá hàng hóa trở nên tương đồng hơn với giá hàng hóa của Mỹ. Do vậy, đối với các quốc gia mới nổi, có độ mở thương mại thấp và khu vực sản xuất, chế tạo chiếm phần lớn trong sản lượng đầu ra sẽ phản ứng mạnh với lãi suất của Mỹ.
Biến tăng trưởng của cả hai nhóm có phản ứng cùng chiều với tác động của lãi suất Mỹ. Trong đó, các nước độ mở thương mại lớn phản ứng mạnh hơn nhóm nước có độ mở thấp và Mỹ. Độ mở thương mại được đo lường bằng tiêu chí tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP, thể hiện quy mô tương đối của khu vực ngoại thương trong một nền kinh tế. Việc Mỹ thực hiện giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế không chỉ làm tăng nhu cầu chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ trong nước, mà còn tăng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ nước ngoài. Điều này giúp làm tăng xuất khẩu của các nước đối tác, làm cho GDP của cả Mỹ và các nước đối tác tăng lên (tác động kích thích chi tiêu). Bên cạnh đó, Mỹ giảm lãi suất cũng giúp các nước có mức lợi tức cao hưởng lợi từ các dòng vốn chảy vào những thị trường này, qua đó hoạt động sản xuất có thể được đầu tư phát triển hơn, năng suất hơn, gia tăng xuất khẩu và tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, biến tăng trưởng kinh tế của các nước độ mở cao sẽ có phản ứng với lãi suất Mỹ mạnh hơn các nước có độ mở thấp.
Đối với biến lạm phát, nhóm nước có độ mở thương mại cao có phản ứng cùng chiều với lãi suất Mỹ. Ngoài ra, biến lạm phát của nhóm nước độ mở cao có phản
ứng tương tự như phản ứng của biến lạm phát của Mỹ. Mỹ giảm lãi suất làm hàng hóa Mỹ trở nên hấp dẫn hơn hàng hóa xuất khẩu của các nước đối tác, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước khác, đặc biệt là những nước có lượng hàng hóa xuất khẩu cao. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất của Mỹ cũng tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp nhận các dòng vốn từ bên ngoài vào thị trường, giúp gia tăng năng suất, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
CHƯƠNG 5:
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
5.1. Kết luận
Bài luận văn nghiên cứu tác động của chính sách tiền tệ Mỹ lên tăng trưởng kinh tế của các nước mới nổi mà cụ thể là những quốc gia mới nổi ở Châu Á. Đầu tiên, luận văn phân tích những kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ của Mỹ đến các quốc gia khác mà cụ thể là trong trường hợp Mỹ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng. Qua đó, tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ Mỹ được truyền dẫn qua ba kênh chính: kênh tỷ giá, kênh tổng cầu và kênh tài chính. Trong đó, kênh tỷ giá sẽ có tác động dịch chuyển chi tiêu, nghĩa là khi Mỹ thực hiện giảm lãi suất sẽ kích thích chi tiêu trong nước do hàng hóa Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, trong khi đó, làm giảm chi tiêu cho những hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác, từ đó làm giảm GDP của những quốc gia này. Kênh tổng cầu và kênh tài chính có tác động kích thích chi tiêu. Cụ thể là thông qua kênh tổng cầu, việc Mỹ giảm lãi suất kích thích chi tiêu cho cả hàng hóa trong và ngoài nước, từ đó tăng xuất khẩu của các nước đối tác, làm tăng GDP. Còn đối kênh tài chính, việc giảm lãi suất của Mỹ làm cho các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn sang những thị trường có lợi tức cao hơn thông qua việc đầu tư vào các quốc gia đó, giúp phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu chi tiêu nhiều hơn, làm tăng GDP. Có thể thấy, chính sách tiền tệ Mỹ có tác động tích cực hoặc tiêu cực phụ thuộc vào sức mạnh của các kênh truyền dẫn.
Tiếp theo, bài luận văn phân tích sự phản ứng của các quốc gia trước tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ Mỹ thông qua việc phân loại theo đặc trưng về chế độ tỷ giá và độ mở thương mại của các nước. Về chế độ tỷ giá, bài luận chia thành hai nhóm nước là nhóm có chế độ tỷ giá cố định và nhóm tỷ giá thả nổi. Kết quả cho thấy, những các quốc gia mới nổi áp dụng chế độ tỷ giá cố định sẽ khó khăn hơn trong việc hạn chế các tác động từ chính sách tiền tệ bên ngoài. Theo lý thuyết bộ ba bất khả thi của Mundell-Fleming cho rằng các quốc gia chỉ thực hiện được hai
trong ba mục tiêu là ổn định tỷ giá, hội nhập tài chính và độc lập chính sách tiền tệ. Do đó, các nước có hội nhập tài chính cao và áp dụng chế độ tỷ giá cố định thì sẽ khó khăn để giữ được chính sách tiền tệ độc lập, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế do mục tiêu chính sách tiền tệ của các quốc gia là khác nhau. Và vì vậy, nhóm nước tỷ giá cố định có biến lãi suất và biến tăng trưởng kinh tế phản ứng mạnh hơn với sự thay đổi của lãi suất Mỹ.
Về độ mở thương mại, bài nghiên cứu phân loại các nước thành hai nhóm là nhóm có độ mở cao và nhóm có độ mở thấp, dựa trên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình trong giai đoạn nghiên cứu. Phân tích cho thấy rằng mặc dù các quốc gia có độ mở thương mại cao sẽ chịu nhiều tác động từ bên ngoài hơn các nước độ mở thấp, tuy nhiên, các quốc gia có độ mở cao có thể nhạy hơn trong việc nhận biết các tác động từ bên ngoài, từ đó có thể hạn chế sự ảnh hưởng và nắm bắt các cơ hội. Vì vậy, nhóm nước có độ mở thương mại cao sẽ có biến tăng trưởng kinh tế phản ứng mạnh với tác động của lãi suất Mỹ. Còn đối với các quốc gia có độ mở thấp, mặc dù ít giao thương với bên ngoài nên ít chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, nhưng nếu cơ cấu ngành có ngành sản xuất, chế tạo chiếm phần lớn trong sản lượng đầu ra thì sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn từ tác động lan tỏa. Điều này là do các quốc gia mới nổi ở Châu Á thường không tự xây dựng nên một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh mà sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, mà sản phẩm trung gian thường chịu rủi ro nhiều hơn, cứng nhắc và khó đa dạng hóa hơn sản phẩm cuối cùng, ngoài ra độ mở thương mại thấp làm gia tăng chi phí thương mại, hàng hóa dịch chuyển khó khăn. Do vậy, khi lãi suất Mỹ giảm, hàng hóa của những quốc gia này sẽ càng khó cạnh tranh với những nước có ngành công nghiệp phát triển và có độ mở thương mại cao hơn.
5.2. Hàm ý chính sách
Tác động lan tỏa từ chính sách tiền tệ của các quốc gia phát triển tới các quốc gia đang phát triển và các thị trường mới nổi là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những đặc điểm kinh tế riêng như mức độ hội nhập, sự phát triển của các thị trường tài chính, sự kiểm soát dòng vốn … khiến cho tác động này
khác nhau ở các quốc gia. Và từng quốc gia cũng có những phản ứng chính sách để đối phó với tác động lan tỏa khác nhau dựa theo mức độ độc lập của ngân hàng trung ương và mục tiêu theo đuổi của các chính sách tiền tệ.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã cho thấy các vấn đề sau đây:
- Thứ nhất, cuộc khủng hoảng làm lộ ra một mặt trái ít được xét đến của toàn cầu hoá, nó tạo điều kiện và làm trầm trọng hơn các mất cân bằng quốc tế. Ví dụ trường hợp thâm hụt thương mại của Mỹ được tài trợ bằng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và các nước vùng Vịnh đã đẩy tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Mỹ xuống gần bằng không. Chính điều này là tác nhân kích thích tổng cầu của Mỹ trong những năm cuối cùng trước khủng hoảng, làm cho thâm hụt thương mại tiếp tục xấu đi. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách của các nước mới nổi và đang phát triển phải cân nhắc lại chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu.
- Thứ hai, cuộc khủng hoảng cho thấy tư tưởng thả nổi hoàn toàn cho thị trường tự do hoạt động và trào lưu giảm bớt, xoá bỏ quản lý nhà nước trong các hoạt động