trong mẫu nghiên cứu này nhưng không hiệu quả trong mẫu nghiên cứu khác (Huỳnh Thị Hương Thảo 2017).
Asif và Akhter (2019) trong nghiên cứu khảo lược về đa dạng hóa trong ngân hàng đã kết luận hầu hết các nghiên cứu về đa dạng hóa thì hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được phân tích dựa vào ROA, ROE hoặc các chỉ số CAMEL. Khóa luận sẽ tiếp cận đo lường hiệu quả kinh doanh ngân hàng theo phương pháp dùng chỉ số tài chính và ROA, ROE được sử dụng để đo lường hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam.
2.1.3 Lý thuyết về đa dạng hóa thu nhập và hiệu quả kinh doanh ngânhàng hàng
Đa dạng hóa thu nhập ngân hàng tác động đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng có thể được giải thích bởi lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại và lý thuyết kinh tế theo quy mô (economies of scale). Theo Athanasoglou và cộng sự (2006), hai lý thuyết mà các nghiên cứu về hiệu quả kinh doanh ngân hàng dựa là lý thuyết quyền lực thị trường (Market Power - MP) và cấu trúc hiệu quả (Efficiency Structure - ES). Ngoài ra, Lý thuyết danh mục đầu tư bổ sung cái nhìn sâu sắc hơn vào nghiên cứu về lợi nhuận của ngân hàng (Atemnkeng và Nzongang 2006). Vì vậy, nghiên cứu trình bày việc vận dụng nội dung của các lý thuyết trên để giải thích việc các ngân hàng thực
hiện đa dạng hóa thu nhập cũng như giải thích tác động của đa dạng hóa thu nhập và các yếu tố khác đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
2.1.3.1 Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại
Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT) là lý thuyết cho phép các nhà đầu tư không thích rủi ro có thể xây dựng danh mục đầu tư một cách tối ưu hóa hay tối đa hóa lợi nhuận kì vọng trên một mức độ rủi ro thị trường nhất định, với rủi ro là một phần cần đánh đổi để có lợi nhuận cao hơn. Lý thuyết được Harry Markowtitz - người được giải thưởng Nobel cho việc phát triển lý thuyết MPT giới thiệu trong bài báo “Lựa chọn danh mục đầu tư", được xuất bản năm 1952 bởi tạp chí Journal of Finance.
Danh mục đầu tư tối ưu có thể được xây dựng một “đường biên hiệu quả” để mang lại lợi nhuận kì vọng tối đa có thể cho một mức độ rủi ro nhất định. Một danh mục hiệu quả là một danh mục mà với mức tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cho sẵn thì có rủi ro là thấp nhất. Rủi ro cao hơn sẽ đi kèm với tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn.
Lý thuyết đa dạng hóa danh mục đầu tư được phát triển bởi Markowitz và Jame (Levy & Sarnat (1970)) cho rằng khi thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư rủi ro cá thể sẽ được giảm. Đa dạng hóa danh mục có thể mang lại lợi nhuận nhưng mức độ đa dạng hóa có thể làm giảm rủi ro hay không thì còn phụ thuộc vào sự tương quan giữa các khoản đầu tư trong danh mục. Ứng dụng lý thuyết đa dạng hóa danh mục đầu tư cho thấy đa dạng hóa thu nhập sẽ mang lại hiệu quả gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng khi các nguồn thu nhập là độc lập và không có tương quan thuận khi rủi ro xảy ra và ngược lại.
Ngoài ra, đóng vai trò quan trọng và liên quan nhất trong nghiên cứu hiệu quả của ngân hàng chính là lý thuyết danh mục đầu tư (Atemnkeng và Nzongang 2006). Theo mô hình cân bằng danh mục đầu tư của đa dạng hóa tài sản, việc nắm giữ tối ưu từng tài sản trong danh mục đầu tư của một người là do các quyết định chính sách được xác định bởi một số yếu tố, chẳng hạn như tỷ lệ lợi tức của tất cả các tài sản nắm giữ trong danh mục đầu tư, rủi ro liên quan đến quyền sở hữu của từng tài sản
tài chính và quy mô của danh mục đầu tư. Điều này ngụ ý đa dạng hóa danh mục đầu tư và thành phần danh mục đầu tư mong muốn của các ngân hàng thương mại là kết quả của các quyết định của ban quản lý ngân hàng. Hơn nữa, khả năng thu được lợi nhuận tối đa phụ thuộc vào tài sản và nợ phải trả được xác định bởi ban quản lý và chi phí đơn vị mà ngân hàng phải chịu để có từng loại tài sản (Atemnkeng và Nzongang 2006).
Vận dụng lý thuyết, có thể thấy rằng việc giảm rủi ro và tăng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh là kết quả các ngân hàng thực hiện đa dạng hóa thu nhập. Đa dạng hóa thu nhập góp phần gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng khi các nguồn thu nhập là độc lập và không có tương quan thuận khi rủi ro xảy ra và ngược lại. Vì vậy, nghiên cứu đã xây dựng mô hình nghiên cứu đa dạng hóa tác động đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng với giả thuyết đa dạng hóa thu nhập sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
2.1.3.2 Lý thuyết tính kinh tế theo quy mô
Lý thuyết tính kinh tế theo quy mô được phát triển bởi Panzar và Willig (1977). Lý thuyết này cho rằng khi doanh nghiệp mở rộng chủng loại hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp thì chi phí sản xuất trung bình sẽ giảm. Doanh nghiệp có cơ hội chuyển đổi nguồn lực và chia sẻ nguồn lực dùng chung khi doanh nghiệp thực hiện đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, nhất là đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ có liên quan (Markides và Williamson 1994). Nếu hai hay nhiều lĩnh vực kinh doanh cùng chia sẻ một số nguồn lực dùng chung thì tổng chi phí sản xuất sẽ giảm xuống và từ đó làm cho hiệu quả tăng lên (Panzar và Willig 1977).
Ngân hàng có thể vận dụng lý thuyết này để thực hiện đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng (hay liên quan đến lĩnh vực ngân hàng) bằng cách có thể sử dụng chung các nguồn lực như công nghệ, nhân lực, cơ sở vật chất, thông tin… nhờ đó tiết giảm được chi phí. Kết quả là hiệu quả kinh doanh của ngân hàng có thể tăng lên. Khi đa dạng hóa trong lĩnh vực có liên quan thì ngân hàng cũng tận dụng được kỹ năng quản lý, kiểm soát được rủi ro nên rủi ro có thể giảm xuống. Vì vậy, nghiên cứu này đã xây
dựng mô hình nghiên cứu đa dạng hóa tác động đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng với giả thuyết đa dạng hóa thu nhập sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
2.1.3.3 Lý thuyết quyền lực thị trường
Lý thuyết quyền lực thị trường với giả thuyết quyền lực thị trường cho rằng thị phần của doanh nghiệp tăng lên là biểu hiện của quyền lực thị trường và doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận cao hơn nhờ sức mạnh của quyền lực thị trường. Theo Olweny và Shipho (2011), có hai cách tiếp cận khác nhau trong lý thuyết MP là Cấu trúc – Hành vi - Hiệu quả (Structure – Conduct – Performance - SCP) và Sức mạnh thị trường tương đối (Relative Market power - RMP). SCP cho rằng cấu trúc thị trường quyết định hành vi của công ty và hành vi quyết định kết quả trên thị trường như khả năng sinh lợi, cải tiến kỹ thuật và tăng trưởng (Olweny và Shipho 2011). Theo cách tiếp cận của SCP, mức độ tập trung trong thị trường ngân hàng làm tăng sức mạnh thị trường tiềm năng của các ngân hàng, điều này có thể làm tăng lợi nhuận của ngân hàng. Các ngân hàng ở các thị trường tập trung nhiều khả năng tạo ra lợi nhuận bất thường bởi khả năng hạ lãi suất tiền gửi và tính lãi suất cho vay cao hơn do độc quyền, so với các công ty hoạt động ở các thị trường ít tập trung hơn, không phân biệt về hiệu quả của các công ty đó (Tregenna 2009). Không giống như SCP, hướng tiếp cận RMP đặt ra rằng lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi thị phần. Hướng tiếp cận RMP giả định rằng chỉ những ngân hàng lớn với các sản phẩm khác biệt mới có thể thực hiện quyền lực thị trường và kiếm được lợi nhuận không cạnh tranh (non- competitive profits) (Athanasoglou và cộng sự 2008). Vì vậy, một số ngân hàng lớn với thế mạnh về thương hiệu và chất lượng sản phẩm có thể tăng giá sản phẩm và dịch vụ để thu được nhiều lợi nhuận hơn.
2.1.3.4 Lý thuyết cấu trúc hiệu quả
Lý thuyết cấu trúc hiệu quả (ES), được đề xuất bởi Demsetz (1973) đưa ra ý kiến rằng các doanh nghiệp hiệu quả nhất có được cả lợi nhuận và thị phần cao hơn; các doanh nghiệp tăng lợi nhuận là kết quả gián tiếp của việc cải thiện hiệu quả quản trị chứ không phải sức mạnh của thị trường. Theo Olweny và Shipho (2011), có hai
cách tiếp cận khác nhau trong ES: hướng theo hiệu quả X (X-efficiency) và theo hiệu quả quy mô (Scale – efficiency). Trong cách tiếp cận theo hiệu quả X, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thường đạt được lợi nhuận cao và thị phần lớn hơn, bởi vì các doanh nghiệp này có khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất ở bất kỳ sản lượng đầu ra nào. Nói cách khác, các doanh nghiệp hiệu quả hơn có lợi nhuận cao hơn do chi phí thấp hơn (Olweny và Shipho 2011). Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có xu hướng giành được thị phần lớn hơn, có thể biểu hiện ở mức độ cao hơn về sự tập trung thị trường, nhưng không có bất kỳ mối quan hệ nhân quả nào từ sự tập trung đến lợi nhuận (Athanasoglou và cộng sự 2006). Theo Berger (1995), hiệu quả quản lý không chỉ làm tăng lợi nhuận mà còn có thể dẫn đến tăng thị phần và do đó, tăng sự tập trung; vì thế, việc tìm ra mối quan hệ tích cực giữa tập trung và lợi nhuận có thể là kết quả giả do mối tương quan với các biến khác. Vì vậy, kiểm soát các yếu tố khác, vai trò của sự tập trung ảnh hưởng đến lợi nhuận là không đáng kể (Berger 1995).
Các ngân hàng kiếm được lợi nhuận cao vì các ngân hàng này hoạt động hiệu quả hơn các ngân hàng khác, có thể hiểu do hiệu quả quản lý của các ngân hàng cao nên kiếm lợi nhuân cao. Có thể thấy lý thuyết cấu trúc hiệu quả đối với ngân hàng đước vấn dụng trong việc đánh giá chất lượng lợi nhuận mà ngân hàng đạt được qua hiệu quả quản lý của ngân hàng.
Như vậy, có thể thấy lý thuyết quyền lực thị trường cho rằng, khả năng sinh lợi của ngân hàng là một hàm theo yếu tố thị trường, trong khi lý thuyết cấu trúc hiệu quả và danh mục đầu tư cho rằng hiệu quả của ngân hàng chịu ảnh hưởng các yếu tố nội tại cụ thể của hiệu quả nội bộ và các quyết định quản trị,. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu dựa vào lý thuyết trên để sử dụng các biến có ý nghĩa đưa vào mô hình đo lường hiệu quả kinh doanh của ngân hàng và phần lớn đều thừa nhận rằng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng là một hàm theo cả các yếu tố bên trong và bên ngoài (Olweny và Shipho 2011). Các yếu tố bên trong ngân hàng là những đặc điểm riêng của ngân hàng như mức độ đa dạng hóa thu nhập quy mô ngân hàng, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ cho vay khách hàng,… trong khi các yếu tố bên ngoài
bao gồm các yếu tố của ngành như mức độ tập trung ngành và yếu tố môi trường vĩ mô như tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, … Vận dụng các lý thuyết trên, nghiên cứu đã đưa các yếu tố thuộc đặc điểm bên trong của ngân hàng và cả các yếu tố bên ngoài thuộc vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDPG, tỷ lệ lạm phát khi xây dựng mô hình đa dạng hóa thu nhập tác động đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam.
2.2 Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của đa dạng hóa thu nhập