2.2.3.1. Làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn sạch của gia đình ông Lê Văn Thính ở thôn Quang Húc xã Đông Quang huyện Ba Bì
Khởi nghiệp từ năm 2008, gia đình ông nhận 1,7 ha đất quỹ 2 của xã để xây dựng một dãy chuồng nuôi lợn nái và lợn thương phẩm. Ban đầu chỉ có 1 dãy chuồng nuôi với 20 con lợn nái. Qua gần 6 năm, đến nay gia đình ông đã có 4 dãy chuồng nuôi với quy mô gần 1.000 con. Quy mô trang trại được xây dựng, quản lý một cách khoa học. Khu chuồng lợn được chia thành nhiều dãy riêng biệt gồm: Một dãy chuồng chăn nuôi lợn nái mang thai, dãy nuôi lợn nái đẻ và hai dãy chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm.
Trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình khác gặp nhiều khó khăn do giá lợn thịt không ổn định, giá cám thường xuyên tăng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi. Đặc biệt là do chưa có
kinh nghiệm, lại vừa phải nghĩ cách vay vốn, mua con giống, xây dựng chuồng trại vừa phải nghĩ cách chăn nuôi sao cho hiệu quả. Để lợn nuôi không bị mắc bệnh, ông luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt vệ sinh môi trường, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, do vậy đàn lợn của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt. Đặc biệt năm 2013, gia đình ông được Trạm khuyến nông huyện Ba Vì hỗ trợ hệ thống làm mát trị giá 75 triệu đồng cho chuồng nuôi lợn nái. Bên cạnh đó, gia đình đã đầu tư hệ thống chuồng gồm mỗi con một lồng để dễ theo dõi. Đàn lợn nái luôn được ông chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe để đạt chất lượng lợn giống tốt nhất và lợn thương phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin để phòng bệnh. Trung bình mỗi tuần một lần ông phun khử trùng toàn bộ khu chuồng trại. Đồng thời định kỳ mỗi tháng hai lần ông phun thuốc khử mùi bảo đảm cho chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được giữ vệ sinh, sạch mầm bệnh. Để có nguồn thức ăn đảm bảo, ông ký hợp đồng chặt chẽ với hãng thức ăn gia súc có uy tín. Nhờ vậy mà trang trại chăn nuôi của gia đình ông Thính luôn phòng tránh được dịch bệnh, lợn giống và lợn thương phẩm của gia đình luôn bán được giá bởi thương lái và hộ chăn nuôi tin tưởng vào chất lượng. Với sự kiên trì, dám nghĩ dám làm, gia đình ông Thính đã rất thành công với mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Với đàn lợn nái hiện có, mỗi năm cho gia đình ông khoảng 2.300-2.400 con lợn giống. Trên đàn lợn này, ông đã nuôi khoảng 1.000 con và xuất bán khoảng 900-100 tấn lợn thịt, thu lãi từ 450- 500 triệu đồng, số lợn còn lại từ 1.300- 1.400 con lợn con, sau thời gian khoảng 24-25 ngày ông xuất bán, lúc giá cao từ 1,8-2 triệu đồng/con. Với giá hiện nay khoảng 1,1 triệu đồng trên con thì trừ chi phí mỗi con cũng cho lãi từ 300-400 nghìn đồng, đưa thu nhập từ nuôi lợn giống lãi ước tính hơn 300 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu bình quân của trang trại đạt
tới gần 800 triệu đồng/năm… Nhờ nuôi lợn, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá khoảng 2 ,5 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông Thính còn là người có nhiều đóng góp trong việc gây dựng phong trào chăn nuôi lợn hiệu quả ở địa phương. Ông đã giúp đỡ cho nhiều gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn bằng lợn giống và kinh nghiệm chăn nuôi. Từ năm 2009 đến nay, gia đình ông luôn đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp thành phố.[11]
2.2.3.2. Kinh nghiệm chăn nuôi lợn siêu nạc theo quy trình khép kín của gia đình ông Nguyễn Văn Đồng, ở thôn Thanh Hùng, xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình ông Nguyễn Văn Đồng được xây dựng tương đối khoa học với diện tích rộng 450 m2, được chia làm bốn khu vực gồm: Khu cho lợn nái sinh sản, khu cho lợn đẻ nuôi con, khu nuôi lợn con mới tách sữa và khu vực nuôi lợn thương phẩm. Với các khu chuồng đó, bảo đảm cho việc chăn nuôi theo quy trình khép kín (từ khi lợn nái sinh sản đến khi lợn thương phẩm được xuất chuồng) được bố trí ở các nơi phù hợp với lứa tuổi của đàn lợn… Kể từ năm 2005 đến nay, gia đình ông Đồng thường xuyên duy trì 28 con lợn nái siêu nạc sinh sản lấy lợn con giống để nuôi thương phẩm. Như vậy với các lứa lợn con được sinh ra gối nhau, chuồng nuôi lợn thương phẩm nhà ông lúc nào cũng có khoảng 250 đầu lợn. Trung bình mỗi năm ông Đồng xuất bán được 50 tấn lợn hơi, thu lãi từ 200 – 250 triệu đồng/năm.
Việc chăn nuôi lợn siêu nạc nhàn hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với việc chăn nuôi lợn truyền thống của nhân dân. Bởi lẽ giống lợn siêu nạc tăng trọng nhanh hơn và giá bán lợn thương phẩm luôn được cao hơn từ 5 – 7 nghìn đồng/kg so với giống lợn cỏ. Hơn thế việc chăn nuôi lợn truyền thống rất vất vả, nuôi một con người dân cũng phải lấy rau, nấu cám. Còn đàn
lợn siêu nạc hơn 200 con này thì việc chăn nuôi cứ nhàn tênh. Tất cả việc cho lợn ăn và uống nước được thực hiện tự động. Mỗi ngày hai vợ chồng tôi chỉ mất 2 giờ vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều để đi kiểm tra thú y, kiểm tra lượng cám trong máng ăn tự động để điều chỉnh và dọn dẹp vệ sinh chuồng trại. Chăn nuôi lợn giống siêu nạc quan trọng nhất là phải tiêm phòng đầy đủ dịch bệnh cho đàn lợn, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra thú y và giữ cho nhiệt độ của chuồng lợn không nóng quá vào mùa hè, không lạnh quá vào mùa đông. Năm 2000, khi mới bước vào chăn nuôi lợn gia đình ông Đồng cũng đã chăn nuôi lợn nái móng cái và lợn lai F1. Nhưng nhận thấy việc chăn nuôi hai giống lợn này hiệu quả kinh tế không cao lắm nên năm 2004, ông đã chuyển hướng sang chăn nuôi lợn siêu nạc. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên ông Đồng chỉ dám đầu tư mua 5 con lợn nái siêu nạc từ Trại giống Bắc Giang về chăn nuôi. Qua một năm chăn nuôi thấy hiệu quả kinh tế cao và việc nuôi giống lợn này không quá khó, ông Đồng đã quyết định đầu tư 120 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và vay vốn ngân hàng mua thêm 24 con lợn nái siêu nạc về nuôi theo quy trình khép kín. Nhờ chịu khó học hỏi kiến thức từ các buổi tập huấn kỹ thuật của trạm khuyến nông huyện, học qua sách báo và tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi nên đàn lợn nhà ông luôn phát triển ổn định. Khi chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi lợn này, gia đình ông Đồng cũng vừa xuất bán hơn 1 tấn lợn thương phẩm, được giá 31 nghìn/kg lợn hơi. Với giá bán đó, gia đình ông đã thu lãi lớn…
Chăn nuôi lợn siêu nạc không phải lo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, bởi thị trường ở các thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… nhu cầu dùng lợn siêu nạc rất lớn. Khi đàn lợn được xuất bán (tốt nhất là lợn đạt bình quân 95 kg – 100 kg/con), tôi chỉ cần gọi điện là tư thương đánh ô tô đến tận nhà để thu mua. Ngoài ra phân thải của đàn lợn một nửa được đưa xuống hầm khí Biogas làm chất đốt, một nửa được gia đình ông thu lại để bán cho các hộ
trồng trọt. Chỉ tính tiền bán phân cộng với tiền bán vỏ bao cám, mỗi năm ông Đồng cũng thu được hơn chục triệu đồng.
Như vậy với mô hình trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc theo quy trình khép kín này, gia đình ông Đồng đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi có tiếng ở xã Trù Hựu nói riêng và huyện Lục Ngạn nói chung. Mới đây gia đình ông đã được Hội Nông dân biểu dương khen thưởng và được ghi danh tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước của huyện Lục Ngạn giai đoạn 2006 – 2010.[12]