Về thành phần phiên hòa giải

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết vụ án dân sự tại tòa án nhân dân (Trang 66 - 68)

Sự có mặt của thành phần tham gia phiên hòa giải là một trong những điều kiện tiến hành phiên họp. Mục đích để vừa đảm bảo có đủ những người tiến hành tố tụng, vừa đảm bảo có mặt những người có quyền lợi trong vụ án. Do đó việc vắng mặt của những người trong thành phần này có ảnh hưởng đến mục đích và hiệu quả của phiên họp. Khi nghiên cứu quy định về trường hợp vắng mặt của đương sự tại phiên hòa giải vụ án dân sự, tác giả nhận thấy BLTTDS năm 2015 chưa quy định trong trường hợp một bên vắng mặt tại phiên hòa giải lần thứ nhất thì Thẩm phán sẽ xử lý ra sao? Và Trường hợp Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà có bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì Thẩm phán có tiến hành phiên hòa giải không nếu đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 209 BLTTDS năm 2015.

Trên thực tế, có trường hợp khi đương sự được Tòa án triệu tập hòa giải lần thứ nhất, đương sự đã vắng mặt. Lúc này, Tòa án đã tổ chức phiên hòa giải giữa các đương sự có mặt. Nội dung vụ án như sau70: Ông Trần Th và bà Nguyễn A có ký hợp đồng đặt cọc về việc bà A bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Th, bà T là vợ ông Th có biết việc này và đồng ý. Các bên thỏa thuận trị giá nhà đất là 790 triệu đồng, đặt cọc 50 triệu đồng, khi ra công chứng ông Th sẽ đưa thêm 720 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc bà T không thực hiện các cam kết nên Ông Th khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Bà T tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc, ký hợp đồng mua bán nhà và chuyển sử dụng đất hoặc phải trả lại tiền cọc và tiền phạt cọc do vi phạm cam kết. Tòa án cấp sơ thẩm xác định, bà Đào Thị T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia vụ kiện (vì bà T là vợ của nguyên đơn). Sau đó, Bà T đã làm giấy ủy quyền cho Ông Th. Sau đó Ông Th làm giấy ủy quyền cho ông Nguyễn M tham gia vụ kiện với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của mình.

Xác định vụ án không thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được, Thẩm phán đã triệu tập các đương sự đến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Ông Th đã nhận được thông báo phiên họp, hòa giải và giấy triệu tập nhưng vắng mặt không tham gia phiên họp. Tại phiên họp, sau khi

70 Bản án sơ thẩm số 733/2016/DS-ST ngày 15/9/2016 của Tòa án nhân dân quận X, thành phố Y về việc: “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất”.

Thẩm phán giải thích quyền, nghĩa vụ, công bố sự vắng mặt của đại diện ủy quyền của người có quyền, nghĩa vụ liên quan, các đương sự có mặt không có yêu cầu hoãn phiên họp nên căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 209 BLTTDS năm 2015, Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và tiến hành hòa giải. Tại phần hòa giải đã ghi nhận ý kiến trình bày của các đương sự, cụ thể: các bên đương sự thống nhất thỏa thuận, có ký hợp đồng đặt cọc về việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng các bên không thống nhất với nhau toàn bộ về cách thức giải quyết vụ án. Sau đó, Tòa án cấp sơ thẩm đưa vụ án ra xét xử.

Quan điểm của Tòa cấp phúc thẩm đối với vấn đề này: Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà T có ông Th làm đại diện nhưng tại phiên hòa giải ông Th vắng mặt dù đã được triệu tập đến tham gia phiên họp lần thứ nhất. Tòa sơ thẩm xác định vụ án thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được và đưa vụ án ra xét xử là không phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 207 của BLTTDS 2015, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà T (đại diện là ông Th) vắng mặt tại phiên hòa giải ngày 12/8/2016 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành phiên họp giữa ông M và bà A là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ của bà T. Do đó, việc Tòa sơ thẩm thực hiện hòa giải khi vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự.

Quan điểm của tác giả: Trong trường hợp, tại phiên hòa giải lần một, nếu có đương sự vắng mặt dù đã được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất và các đương sự còn lại đồng ý tiến hành thỏa thuận, thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên hòa giải ngay cả trong trường hợp việc thỏa thuận của các đương sự có mặt ảnh hưởng hay không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Bởi:

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 3 Điều 212 BLTTDS năm 2015 trường hợp thỏa thuận của các đương sự có mặt nếu có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này sẽ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản. Như vậy, trong trường hợp này, dù thỏa thuận về việc giải quyết vụ án của các đương sự có mặt ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt nhưng

không ảnh hưởng tới quyền lợi và nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Do đó để thỏa thuận này có giá trị thì phải có văn bản đồng ý của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Tức là lúc này nếu đương sự vắng mặt đồng ý bằng văn bản cũng có nghĩa là sự thỏa thuận của các đương sự có mặt tại phiên hòa giải đã được đương sự vắng mặt thông qua.

Thứ hai, giữa khoản 3 Điều 212 BLTTDS năm 2015 và khoản 3 Điều 209 BLTTDS năm 2015 đã có sự không thống nhất với nhau về việc có hay không tiến hành hòa giải khi việc tiến hành có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ dân sự của đương sự vắng mặt. Nên để áp dụng thống nhất pháp luật, ta nên theo hướng quy định tại Khoản 3 Điều 212 BLTTDS 2015, việc áp dụng thống nhất sẽ tạo điều kiện để các bên được giải quyết vụ án nhanh gọn nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của các bên.

Do đó, với lập luận của mình, tác giả xin kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn về khoản 3 Điều 209 BLTTDS năm 2015 như sau:

“Trường hợp trong vụ án có nhiều đương sự, mà bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt ở lần triệu tập hợp lệ thứ nhất, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên họp và việc mở lại phiên họp cho đương sự”.

Một phần của tài liệu Hòa giải trong giải quyết vụ án dân sự tại tòa án nhân dân (Trang 66 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)