Trình tự, thủ tục tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Một phần của tài liệu Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính (Trang 36 - 37)

Phiên Tòa xét xử phúc thẩm VAHC sẽ bắt đầu từ khi vụ án được thụ lý, chuẩn bị xét xử, xét xử phúc thẩm và kết thúc bằng việc ra bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, giai đoạn này có thể không diễn ra liên tục khi xuất hiện các căn cứ Luật định Tòa án sẽ có thể tạm dừng phiên Tòa cho đến khi các căn cứ dẫn đến việc tạm dừng được khắc phục. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm là một giai đoạn của quá trình tố tụng, được thực hiện trước khi mở phiên Tòa xét xử phúc thẩm và là giai đoạn tiếp theo sau khi Tòa án thụ lý vụ án. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có thể ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm khi xuất hiện các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 141 Luật TTHC. Đây là giai đoạn bắt đầu cho tiến trình tố tụng theo thủ tục phúc thẩm nên việc ban hành quyết định tạm đình chỉ cũng đơn giản hơn, không trải qua trình tự, thủ tục phức tạp như tại phiên Tòa. Sau khi ban hành, quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được gửi ngay cho đương sự, VKS cùng cấp. Nội dung của căn cứ được quy định tại mục 1.2.1 như đã phân tích trong phần quy định của pháp luật về tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC. Hiện nay không có điều luật nào quy định về hình thức của quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm được ban hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, căn cứ vào mẫu số 38-HC (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) thì có thể thấy quyết định này được ban hành dưới hình thức văn bản.

Giai đoạn xét xử phúc thẩm tại phiên Tòa là giai đoạn mà vụ án được Tòa án đưa ra xét xử công khai. Mục đích của xét xử tại phiên Tòa nhằm kiểm tra tính xác thực về mặt chứng cứ của bản án, quyết định sơ thẩm và kiểm tra tính pháp lý trong áp dụng pháp luật của bản án, quyết định sơ thẩm để từ đó đưa ra quyết định đúng đắn với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, căn cứ để đưa ra quyết định tạm đình chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 228 dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 141 Luật TTHC. Nội dung của căn cứ giống với giai

đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Thẩm quyền ban hành quyết định tạm đình chỉ thuộc về Hội đồng xét xử chứ không còn là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Hội đồng xét xử phúc thẩm lúc này gồm 3 Thẩm phán. Điều này khác biệt so với Hội đồng xét xử ở cấp sơ thẩm bao gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm hoặc gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm trong trường hợp đặc biệt. Hiện nay trong quy định của Luật TTHC chỉ dẫn chiếu đến Điều 141 và Điều 142 về căn cứ, hậu quả của quyết định tạm đình chỉ mà không bao gồm trình tự, thủ tục ra quyết định này như thế nào. Tuy nhiên, căn cứ vào nguyên tắc “Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số” thì mọi quyết định của Tòa án phải được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. Phiên Tòa này ngoài sự có mặt của đương sự, các chủ thể khác có liên quan còn bắt buộc có sự tham gia của Kiểm sát viên khi VKS có kháng nghị. Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, những căn cứ pháp luật...để đưa ra quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm. Theo Điều 228 Luật TTHC thì quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được gửi ngay cho đương sự, VKS cùng cấp. Hiện nay, hình thức của quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm tại phiên Tòa không được quy định, tuy nhiên căn cứ vào vào mẫu số 39-HC (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) thì có thể thấy quyết định này cũng được ban hành dưới hình thức văn bản.

Một phần của tài liệu Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính (Trang 36 - 37)