Quy định về thẩm quyền rút quyết định truy tố tại phiên tòa

Một phần của tài liệu Rút quyết định truy tố tại phiên tòa theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 37 - 39)

Tại Điều 319 BLTTHS năm 2015 quy định: “Sau khi kết thúc phần xét hỏi Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn”.

Theo đó, chủ thể có thẩm quyền rút quyết định truy tố theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự là KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Tại khoản 2 Điều 21 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng có quy định như sau:

“Điều 21. Rút quyết định truy tố; kết luận về khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố

2. Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu có căn cứ rõ ràng để rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn trong cùng điều luật làm thay đổi quyết định truy tố hoặc đường lối xử lý đã được lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến thì Kiểm sát viên quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện kiểm sát. Trường hợp có đủ căn cứ để kết luận về một tội danh khác nặng hơn thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để xem xét và báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát quyết định”.

Theo đó, chủ thể thực hiện việc rút quyết định truy tố tại phiên tòa là KSV được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Sau quá trình xét hỏi, KSV được quyền đưa ra quyết định rút quyết định truy tố khi

31

có căn cứ rõ ràng cho việc rút quyết định truy tố và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau khi kết thúc phiên tòa, KSV phải báo cáo ngay với lãnh đạo VKS cấp mình về việc rút quyết định truy tố tại phiên tòa. Quy định như trên là nhằm đảm bảo việc quản lý có hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật của cơ quan VKS.

Đối với trường hợp vụ án do VKS cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố, phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thì chủ thể rút quyết định truy tố tại phiên tòa là VKS cấp trên hay VKS cấp dưới? BLTTHS năm 2015 không có quy định về trường hợp này18. Tại điểm b khoản 2 Điều 9 Quy chế phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do VKS cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố, phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm (gọi tắt là Quy chế phối hợp) ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-VKSTC ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quy định: “Tại phiên tòa, nếu có những chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới có thể làm thay đổi quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên thì Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa, báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp mình để thống nhất với lãnh đạo đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên xem xét, quyết định”. Theo quy định trên thì KSV của VKS cấp dưới được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử không được rút quyết định truy tố của VKS cấp trên. Nếu có những chứng cứ, tài liệu, đồ vật mới có khả năng làm thay đổi quyết định truy tố ban đầu của VKS cấp trên thì KSV phải đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, sau đó báo cáo lãnh đạo VKS cấp mình để báo cáo lên VKS cấp trên xem xét, quyết định. Quy định như trên là hoàn toàn phù hợp, để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, VKS cấp dưới phải chịu sự chỉ đạo, điều hành của VKS cấp trên, do đó quyết định truy tố của

18 Nguyễn Thị Chiến, “Rút quyết định truy tố theo quy định của BLTTHS năm 2015 và những vướng mắt trong thực tiễn”, [http://vksndhoabinh.gov.vn/vienkiemsat/1254/28358/52774/255490/Trao-doi-nghiep- vu/Rut-quyet-dinh-truy-to-theo-quy-dinh-cua-BLTTH-2015--va-nhung-vuong-mac-trong-thuc-tien.aspx] (truy cập ngày 14/6/2021).

32

VKS cấp trên ban hành thì VKS cấp dưới không có thẩm quyền rút mà phải báo cáo lên VKS cấp trên xem xét, quyết định.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành thì rút quyết định truy tố được xem là hành vi tố tụng, do đó chủ thể có thẩm quyền rút quyết định truy tố là KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV, rút quyết định truy tố nếu được xem là hành vi tố tụng thì đây được xem là hoạt động tiến hành tố tụng của KSV về vụ án tại phiên tòa. Theo quy định tại điểm q khoản 2 Điều 41 BLTTHS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS thì thẩm quyền ban hành bản cáo trạng của VKS là Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKS, để bản cáo trạng có hiệu lực pháp luật thì phải có chữ ký và đóng dấu của Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKS. Theo nguyên tắc, để rút lại quyết định truy tố trong bản cáo trạng đã ban hành trước đó thì thẩm quyền quyết định phải thuộc về Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKS, như vậy sẽ đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất và hiệu quả của hoạt động thực hành quyền công tố của VKS nói riêng và toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung. Tuy nhiên, nếu quy định việc rút quyết định truy tố tại phiên tòa thuộc về Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS thì sẽ tạo ra những bất cập nhất định, KSV phải đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để báo cáo lên Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS về việc rút quyết định truy tố, theo đó quá trình tố tụng sẽ kéo dài gây mất thời gian và phức tạp, gây tồn đọng án, tăng số lượng công việc không đáng có cho lãnh đạo VKS trong khi năng lực của KSV là đủ để thực hiện những quyết định trên.

Một phần của tài liệu Rút quyết định truy tố tại phiên tòa theo luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 37 - 39)