Rủi ro trong hoạt động huy động vốn của công ty chứng khoán

Một phần của tài liệu Pháp luật về huy động vốn trong lĩnh vực chứng khoán: Thực tiễn thực hiện và một số đề xuất cho các công ty chứng khoán Việt Nam (Trang 65 - 68)

Không có một hoạt động nào mà không có rủi ro. Kể cả khi gửi tiền một ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Hoạt động huy động vốn cũng vậy, và đặc biệt là việc huy động vốn phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố khác nhau nên độ rủi ro cũng nhiều hơn. Qua nghiên cứu thực tế tại một số CTCK trên thị trường hiện nay thì các loại rủi ro phổ biến như sau:

- Rủi ro lãi suất: Lãi suất là thước đo chi phí vốn được áp dụng rộng rãi trên tất cả các thị trường tài chính. Lãi suất luôn luôn thay đổi theo tình hình cung cầu nguồn trên thị trường tạo ra rủi ro về lãi suất cho các CTCK. Đối với những khoản huy động vốn mang tính dài hạn như phát hành trái phiếu, hoặc vay vốn dài hạn

(đặc biệt đối với các khoản vay nước ngoài thường trên 6 tháng) thì trong trường hợp lãi suất toàn thị trường tài chính giảm dẫn đến việc lãi suất cho vay margin hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh khác bị giảm thì CTCK phải chịu một mức chi phí cao. Ngược lại, nếu thực hiện các hoạt động huy động vốn ngắn hạn thì CTCK chịu rủi ro về việc khan nguồn.

- Rủi ro thanh khoản: Đây là loại rủi ro luôn luôn tồn tại đối với tất cả các doanh nghiệp. Mất khả năng thanh toán hay còn gọi là mất thanh khoản là điều đáng sợ nhất trong hoạt động của các CTCK. Điều này xảy ra khi những nghĩa vụ nợ của công ty tại một thời điểm vượt quá khả năng chi trả của công ty. Nếu gặp phải tình trạng mất thanh khoản, công ty sẽ chịu tổn thất nặng nề từ việc phải dừng hoạt động, chịu sự thanh tra của cơ quan quản lí, mất uy tín trên thị trường với đối tác và khách hàng. Chính vì vậy, các CTCK luôn luôn duy trì một mức đệm thanh khoản nhất định nhằm đối phó với những khoản chi ngoài dự kiến.

- Rủi ro khan nguồn (không thể huy động): Hoạt động chứng khoán là hoạt động nhạy cảm và luôn chịu sự giám sát đặc biệt của các Uỷ ban chứng khoán (UBCK) và Ngân hàng nhà nước (NHNN). Chính vì thế, room tín dụng mà các TCTD dành cho CTCK bao giờ cũng bị giới hạn, theo quy định của NHNN thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô27

Như vậy dù CTCK đủ điều kiện vay vốn và vẫn đang còn hạn mức vay vốn tại các ngân hàng nhưng ngân hàng hết room tín dụng thì cũng không thể thực hiện giải ngân từ các tổ chức tín dụng. Gần đây, với sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán thì các CTCK luôn dành giật nhau về room tín dụng tại các TCTD nhằm đảm bảo về nguồn huy động. Có tình trạng CTCK dư thừa nguồn trong ngắn hạn nhưng không dám thực hiện trả nợ trước hạn vì lo ngại rằng trả nợ xong sẽ mất room tín dụng và không thực hiện giải ngân lại được nữa khi cần vốn. Điều này cũng là nguyên nhân cho việc sử dụng vốn không hiệu quả và làm tăng chi phí vốn.

- Rủi ro dư nguồn: Có một nguồn vốn dày và dồi dào là điều mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc nguồn lúc nào cũng phải trong tình trạng dư thừa. Nếu nguồn vốn là miễn phí thì dư thừa cũng không ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên trên thực tế, chẳng có nguồn vốn nào là miễn phí cả. Với chi phí huy động hiện nay bình quân rơi vào khoảng 7- 8%/năm thì bất kì sự dư thừa nguồn nào đều là lãng phí, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của công ty.

- Rủi ro chính sách: Như đã đề cập ở trên, việc huy động vốn của công ty chứng khoán luôn chịu sự kiểm soát của các cơ quan quản lí, vì vậy, bất kì sự thay đổi nào về chính sách, quy định cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động huy động vốn của CTCK. Đặc biệt, đối với những chính sách nhằm hạn chế sự tăng trưởng của CTCK thì dẫn đến việc vốn đã huy động về sẽ bị dư thừa, đặc biệt là những nguồn vốn dài hạn. Cơ quan quản lý có nhiều cách khác nhau để điều tiết sự tăng trưởng của ngành nghề chứng khoán. Trực tiếp thì sẽ thay đổi chính sách hoạt động của CTCK, dán tiếp thì sẽ thay đổi chính sách hoặc ra thông tư, quy định lên các đối tác liên quan ví dụ thay đổi chính sách cho vay đối với CTCK áp dụng lên cái TCTD.

- Rủi ro rút vốn: Trong các kênh huy động của CTCK thì kênh phát hành trái phiếu và kênh huy động từ cá nhân hoặc các tổ chức kinh tế khác sẽ dễ gặp phải tình trạng này. Đó là khi trái chủ (những người mua và nắm giữ trái phiếu) có nhu cầu sử dụng tiền nên bán lại trái phiếu trước hạn. Trong trường hợp này thường theo thoả thuận thì họ trái chủ sẽ nhận được mức lãi suất khá thấp nhưng điều này thường sẽ không bù lại được chi phí mà các CTCK phải trả để tìm nguồn thay thế bù đắp nhất là khi các trái chủ thường là các cá nhân, ít khi có kế hoạch và thông báo trước cho CTCK một thời gian đủ dài để CTCK chuẩn bị. Điều tương tự cũng xảy ra khi các cá nhân thanh lý hợp đồng cho vay trước hạn.

- Rủi ro thị trường: Các CTCK luôn có bộ phận nghiên cứu và phân tích nhằm dự báo về sự sự thay đổi của thị trường, xu hướng sắp tới, từ đó có thể đưa ra những khuyến nghị cho bộ phận huy động vốn. Bộ phận huy động vốn sẽ dựa vào đó để xây dựng kế hoạch huy động nguồn cho thời gian sắp tới. Tuy nhiên, có những trường hợp sự thay đổi của thị trường là không thể lường hết được. Đại dịch

Covid là một ví dụ thực tế, trước khi xảy ra đại dịch, chưa một doanh nghiệp nào nghĩ việc dịch bệnh sẽ diễn ra nhanh chóng, bất ngờ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Mọi sự dự báo, mọi kế hoạch trước đó đều không có ý nghĩa khi đại dịch diễn ra. Toàn bộ thị trường chứng khoán thời điểm dịch bệnh mới diễn ra sụt giảm nhanh, nguồn vốn của tất cả các CTCK đều dư thừa do biến động thị trường, các nhà đầu tư (NĐT) rút về nắm giữ tiền mặt thay vì đầu tư chứng khoán. Như vậy, có thể nói, rủi ro thị trường luôn luôn tồn tại, có thể xảy ra bất kì lúc nào mà rất ít ai có thể dự đoán trước được.

Một phần của tài liệu Pháp luật về huy động vốn trong lĩnh vực chứng khoán: Thực tiễn thực hiện và một số đề xuất cho các công ty chứng khoán Việt Nam (Trang 65 - 68)