- Về chủ thể: Chủ thể tham gia vào quan hệ khiếu nại đất đai là người SDĐ và cơ quan quản lý đất đai. Người SDĐ là người được nhà nước trao quyền SDĐ. Cơ quan quản lý đất đai là người được nhà nước trao quyền thay mặt Nhà nước đứng ra quản lý đất đai. Nói cách khác, chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật về giải quyết khiếu nại gồm: Người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
-Đặc điểm về nguồn luật: Nguồn luật của pháp luật về giải quyết khiếu nại đất đai bao gồm Hiến pháp, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan: Cụ thể: Nhà nước ta đã có nhiều văn bản quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại về đất đai. Tại thời điểm hiện nay, nguồn luật là các văn bản quy phạm pháp luật như sau: Hiến pháp năm 2013 trong đó ghi nhận nguyên tắc “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, là tài sản công do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu”; Bộ luật Dân sự ngày 24/11/2015; Luật Khiếu nại ngày 11/11/2011; Luật Đất đai ngày 29/11/2013; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Luật Thanh tra ngày 15/11/2010. Ngoài ra còn có các văn bản hướng dẫn như sau: Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại 2011; Nghị định số 43/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013; Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính; Thông tư số 02/2016/TT-TTCP ngày 20/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2013/TT-TTCP...
Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trên tạo thành nguồn luật của pháp luật về giải quyết khiếu nại về đất đai và đây cũng là đặc điểm của pháp luật về giải quyết khiếu nại đất đai của Việt Nam.
- Về chế độ sở hữu đối với đất đai: Do đất đai thuộc sở hữu toàn dân, là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, là tài sản công do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, do đó các chủ thể sử dụng đất không có quyền khiếu nại về quyền sở hữu mà chỉ có quyền khiếu nại về quyền sử dụng đối với đất đai. Quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho... từ chủ thể có quyền. Theo quy định tại Điều 166 – Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất có các quyền Người sử dụng đất có các quyền: “Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; Được Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình; Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật về đất đai”. Như vậy, đặc điểm của giải quyết khiếu nại về đất đai là giải quyết khiếu nại về quyền sử dụng đất, tức là khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi xâm phạm, cản trở quyền sử dụng đất.