Giải pháp hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu Pháp luật về giải quyết khiếu nại đất đai và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Lào Cai. (Trang 78 - 81)

3.2.1.1. Hoàn thiện pháp luật về khiếu nại

Luật khiếu nại năm 2011 đã bổ sung nhiều quy định mới, tiến bộ khắc phục được những hạn chế, bất cập của những quy định trước đó, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và hội nhập quốc tế như mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định rõ trình tự thủ tục; xác định rõ vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện pháp luật về khiếu nại vẫn còn tồn tại những bất cập, vướng mắc cần tập trung bổ sung, hoàn thiện.

3.2.1.2. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai, đặc biệt là các quy định về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ nhất, cần bổ sung cơ sở hiến định về trường hợp thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, ban hành Luật về giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm tạo cơ sở pháp lý có giá trị cao và chặt chẽ, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với công tác giải phóng mặt bằng và khẳng định tầm quan trọng của hoạt động này.

Thứ hai, việc định giá đất, giá tài sản và thực hiện đền bù cho người dân nên mời tổ chức độc lập thực hiện, cụ thể như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giải phóng mặt bằng - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các doanh nghiệp thuộc Hội thẩm định giá Việt Nam tham gia. Theo quan điểm người viết nên quy định một cách cụ thể trong văn bản luật là việc mời doanh nghiệp độc lập tham gia định giá và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải lấy ý kiến trực tiếp của người dân trong khu đất bị thu hồi như thông qua hình thức phát phiếu lấy ý kiến; sau đó tổng hợp kết quả, dựa theo đa số quyết định mời doanh nghiệp nào thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định mời doanh nghiệp đó. Trên tinh thần tổ chức độc lập định giá đất thu hồi, pháp luật nên quy định cụ thể ngày định giá nhằm đảm bảo công bằng ở các dự án khác nhau. Thực hiện dân chủ trong vấn đề này sẽ tạo cho người dân cảm thấy việc kiểm kê, áp giá được tiến hành công bằng hơn và tổ chức làm nhiệm vụ cũng nhận được sự hỗ trợ của người dân giúp đẩy nhanh tốc độ giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, giá đất bồi thường cho người dân luôn là một vấn đề “nóng”. Hiện nay, khung giá đất do Nhà nước quy định không có tính ổn định, lâu dài. Một dự án quy hoạch có thể triển khai giải phóng mặt bằng kéo dài 2 hoặc 3 năm vậy mỗi năm đều phải thay đổi quyết định bồi thường hỗ trợ, tái định cư cho tất cả các dự án phải kéo dài là rất tốn kém, bên cạnh đó còn thiếu công bằng cho những hộ phải di dời trước. Thiết nghĩ, giá đất nên quy định mang tính ổn định lâu dài chẳng hạn là 5 năm (khi có “sốt” đất vẫn được điều chỉnh như quy định hiện nay). Giá đất ổn định sẽ tác động tích cực cho việc hoạch định những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, thu hút đầu tư. Về giá đất khi Nhà nước thu hồi thì sẽ cho định giá tại thời điểm có quyết định thu hồi (tổ chức định giá do dân lựa chọn). Sau khi có kết quả định giá khu đất bị thu hồi cơ quan nhà nước sẽ xem xét phương pháp thực hiện có đúng quy định của pháp luật hay không, sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường không. Nếu biện pháp xác định đúng quy định và sát thị trường thực tế thì căn cứ vào giá đó để bồi thường, nếu sai quy định thì Nhà nước sẽ cử tổ chức thẩm định lại đồng thời áp dụng chế tài đối với doanh nghiệp thực hiện sai quy định của pháp luật trong quá trình định giá.

Thứ tư, quy định đối tượng nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề không phải là người sử dụng đất, nên quy định đối tượng nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề là “đất nông nghiệp”. Vì trong thực tế, giá đất nông nghiệp trong thị trường khá cao, trong trường hợp nhà nước thực hiện việc bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề khi thu hồi đất thì giá trị tính bằng tiền cũng tương đồng với giá chuyển nhượng trong thị trường. Do đó, đối tượng là người sống bằng nghề nông nghiệp hay không phải sống bằng nghề nông nghiệp nhưng có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì họ vẫn phải chấp nhận chuyển nhượng với giá khá cao và giá trị đó tương đương với giá trị bồi thường và các chính sách hỗ trợ của nhà nước tại thời điểm nhận chuyển nhượng.

Thứ năm, quy định bổ sung điều kiện đối với việc “kiểm đếm bắt buộc”. Vì thực tế theo quy định của Luật Đất đai 2013, chỉ quy định nội dung “Cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc” được quy định tại Điều 70. Luật chưa quy định các điều kiện cần thiết về đối tượng, chủ thể được ra Quyết định kiểm đếm bắt buộc. Do đó, trong

thực tế khó có thể áp dụng trong trường hợp người sử dụng đất cố tình trì hoãn hoặc cản trở việc thu hồi đất. Mặt khác, nếu không quy định cụ thể cũng dễ gây ra sự tùy tiện trong quá trình áp dụng pháp luật. Trong đề tài này, tác giả kiến nghị cần quy định cụ thể đối tượng chủ thể được kiểm đếm bắt buộc là người được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, hoặc là người đang sử dụng đất có đủ điều kiện được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và nên quy định rõ cần loại bỏ các đối tượng, chủ thể khác như là chủ của vật kiến trúc hoặc các tài sản khác gắn liền với đất.

Thứ sáu, quy định mở rộng thẩm quyền cho Tòa án trong việc giải quyết khiếu kiện về giá đất. Khi có căn cứ cụ thể là giá đất không hợp lý, không sát với thị trường trong điều kiện bình thường thì Tòa án có quyền hủy bỏ quyết định áp giá bồi thường và yêu cầu xác định giá lại. Có như vậy thì mới giải quyết được triệt để vấn đề giá đất.

Một phần của tài liệu Pháp luật về giải quyết khiếu nại đất đai và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Lào Cai. (Trang 78 - 81)