Thứ nhất, Ban lãnh đạo quan tâm cải thiện cơ cấu thu nhập theo hướng giảm tỷ trọng nguồn thu tín dụng nhiều rủi ro sang tăng tỷ trọng thu nhập ngoài tín dụng mà chủ yếu là thu dịch vụ có tính bền vững cao và ít rủi ro.
Lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ góp phần không nhỏ vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong điều kiện các hoạt động tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán gặp nhiều khó khăn trong thời điểm hiện nay.
Các lãnh đạo Agribank nhận thấy vai trò quan trọng của hoạt động dịch vụ đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ, đưa hoạt động dịch vụ từ đóng vai trò thứ yếu sang đóng vai trò trọng yếu. Cơ cấu thu nhập dần hợp lý và thường xuyên được kiểm soát để đảm bảo sự hợp lý đó.
Thứ hai, Đổi mới, nâng cao chất lượng và triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển sản phẩm dịch vụ của Agribank.
Những năm qua, công tác chỉ đạo điều hành về phát triển sản phẩm dịch vụ đã được Agribank coi trọng đúng mức. Ngân hàng đã cập nhật nắm bắt nội dung các luật lệ, quy chế, quy định của Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước để triển khai thực hiện. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, Agribank đã ban hành hàng loạt các quy chế, quy định, hướng dẫn để thực hiện tốt các hoạt động nội bộ cũng như các hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Ngày 18/5/2012, Hội đồng Thành viên có Nghị quyết số 161/NQ- HĐTV về giải pháp phát triển sản phẩm dịch vụ của Agribank nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm dịch vụ của Agrbank trên cơ sở triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp về huy động vốn và mở rộng cho vay; tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả các sản phẩm hiện có, đầu tư mở rộng các sản phẩm dịch vụ mới, bảo đảm chất lượng và có tính thương hiệu cao; xây dựng các gói sản phẩm kết hợp với việc mở rộng cho vay đối với khách hàng.
- Cơ cấu và quy mô các sản phẩm dịch vụ đã từng bước được phát triển
Agribank đang chú trọng phát triển theo nhiều loại hình các sản phẩm dịch vụ và được triển khai trong toàn bộ hệ thống với cơ cấu và quy mô ngày một phát triển, đặc biệt là thanh toán và chuyển tiền trong nước, dịch vụ bảo lãnh, kiều hối... Các sản phẩm dịch vụ hiện có tại Agribank đã cung cấp cho khách hàng đến 31/12/2012 là 198 sản phẩm dịch vụ, trong đó 167 sản phẩm dịch vụ cung cấp tới khách hàng doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân và 31 sản phẩm dịch vụ cung cấp cho các định chế tài chính trên thị trường mở và thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, các dịch vụ kinh doanh tiền tệ trên thị trường hối đoái quốc tế, cho thuê tài chính, chứng khoán, ...các chi nhánh không thực hiện vì có các công ty chuyên doanh độc lập của Agribank thực hiện. Phát triển dịch vụ tại Agribank cũng tiêu biểu và phản ánh chất lượng chung về dịch vụ, từng bước đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
- Thị phần dịch vụ được mở rộng cả qui mô và tỷ trọng, năng lực cạnh
tranh của Agribank không ngừng được duy trì và củng cố.
Trong xu thế hội nhập, sản phẩm dịch vụ của Agribank cũng được phát triển, mở rộng cả doanh số hoạt động lẫn thị phần, cụ thể: năm 2010 nhóm sản phẩm dịch vụ chiếm 7,7% thị phần dịch vụ của các các TCTD tại Việt Nam, nhưng đến năm 2012 tăng lên 8,5%, điều đó thể hiện sự lớn mạnh về sức cạnh tranh của Agribank.
Những ưu thế cạnh tranh chủ yếu của Agribank hiện nay là: Một là, ưu thế về vốn tự có, xét trên mặt bằng tổng thể các NHTM Việt Nam thì Agribank là một trong những NHTM lớn nhất Việt Nam; Hai là, ưu thế về thị trường, Agribank đã chiếm lĩnh được thị phần đáng kể trong các lĩnh vực hoạt động chính của các NHTM Việt Nam, đặc biệt là thị trường nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2000 đến nay Agribank đã quan tâm và mở rộng hoạt động kinh doanh tại các khu đô thị loại I, loại II và thu được kết quả tốt; Ba là, ưu thế về mạng lưới, Agribank có ưu thế nổi trội về mạng lưới mà không một NHTM nào ở Việt Nam có được, là ngân hàng duy nhất tổ chức hoạt động đến tuyến xã, tạo các tiền đề thuận lợi để triển khai các sản phẩm dịch vụ.
Thứ ba, Có sự quan tâm tới phát triển nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên.
Đến nay Agribank là ngân hàng có lực lượng lao động đông đảo nhất, tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động tăng nhanh nhất trong số các NHTM ở Việt Nam. Đến 31/12/2012 tổng số cán bộ nhân viên toàn hệ thống đạt trên 42.000 người, trong đó số cán bộ có trình độ trên đại học 657 người, số cán bộ có trình độ đại học 31.137 người; đồng thời số cán bộ có trình độ ngoại ngữ từ trình độ C trở lên chiếm 33%, số cán bộ có trình độ tin học B trở lên chiếm 95% trong tổng số cán bộ toàn hệ thống.
Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động SPDV được quan tâm, chú trọng. Nhận thức và hiểu biết của cán bộ làm công tác SPDV được nâng cao thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn
về kỹ năng SPDV, tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu SPDV Agribank” trong toàn hệ thống, ban hành cam nang sản phẩm để cán bộ thuận tiện tra cứu, tư vấn và giới thiệu SPDV tới khách hàng.
Thứ tư, Uy tín của Agribank ngày càng được củng cố và nâng cao.
Xây dựng và triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu mới, bên cạnh đó Agribank đã ban hành Cam nang văn hóa doanh nghiệp trong đó quy định văn hóa giao tiếp trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng, văn hóa ứng xử tại Agribank và triển khai rộng rãi, đồng bộ trong toàn hệ thống, góp phần tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Cũng chính bởi chất lượng các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng được đảm bảo, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, các nghiệp vụ thao tác thuần thục, chính xác làm thoả mãn và hài lòng khách hàng, nên uy tín của Agribank không ngừng được củng cố.