GIANG HỒ TA CHỈ GIANG HỒ VẶT

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 1 (Trang 30 - 34)

Trong một tập tùy bút của Nguyễn Tuân, ông có lấy câu văn của nhà văn Paul Morand làm đề từ, đại khái: “Ước gì sau khi chết đi, người ta lấy da

mình thuộc làm va li”. Để làm gì vậy? Để chiếc va li ấy tiếp tục được theo

khách viễn du đến những chân trời mới. Với ý tưởng ấy, Nguyễn Tuân đã triển khai thêm một ý mới hẳn: “Cái va li đẹp nhất ở cuộc đời này vẫn là một

cái va li chứa toàn bản thảo của những năm, những tháng đi làm việc thui thủi ở phương xa trở về”. Đó là quan niệm “đi để viết”. Phóng tầm mắt đến

những chân mây cuối trời để đem về những câu văn tươi rói.

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn tiêu biểu cho “lý thuyết” ấy. Lúc vợ mới sinh con trai đầu lòng được hai tháng, Nguyễn Tuân cùng bạn bè rủ nhau trốn đi Thái Lan, vừa chân ướt chân ráo đến Bangkok thì bị bắt và giải về Hà Nội. Được thả về, ông làm chân giữ kho ở Nhà máy đèn Thanh Hóa. “Một hôm chủ sở bắt gặp tôi đang đánh máy - đây không phải là công việc của tôi - nó hỏi tôi đánh máy cái gì, bạn bè chung quanh nói anh ấy đang làm thơ, thằng chủ sở tức mình, xách cả cái máy định ném vào đầu tôi, may mà tôi tránh được, thế là tôi bỏ việc”. Vợ ông kể lại: “Không được bao lâu, nhà tôi lại xách va ly ra đi. Tôi không hề ngăn cản nhà tôi trong những chuyến đi. Rất yêu quý và phục ông ấy, tôi không muốn làm phiền ông mặc dù xa ông, tôi buồn biết bao nhiêu”.

Biết làm sao được, khi mà Nguyễn Tuân là người tôn thờ “chủ nghĩa” xê dịch và thèm đi “giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng làm lạc mất cả quan niệm cũ,

làm tiêu mất bao giá trị tinh thần” (Vang bóng một thời). Chính trong thời đi

giang hồ, ông có gửi về cho vợ... bài thơ! Ấy là lúc ông theo đoàn làm phim của Nguyễn Doãn Vượng sang Hồng Kông đóng phim Cánh đồng ma. Bài

thơ viết vào dịp cuối năm nơi đất khách quê người mới não ruột làm sao!

Bốn bể cũng là nhà Tết này lại ở xa

Hồn quê theo lá rụng Đất khách đóng trò ma Gió bụi quên ngày tháng

Biển hồ gặp xông pha Đừng cho đàn trẻ biết Rối ruột khách thiên nha

Thời đó, với các văn nghệ sĩ Việt Nam có thể “đi để viết”, nhưng cũng lắm khi đi chỉ để mà... đi! Vậy thôi. Nhà thơ Nguyễn Bính vào chơi Huế, gặp tiết mưa dầm sụt sùi ông đã ngao ngán ngẫm nghĩ đến thân phận mà viết được tuyệt bút Giời mưa ở Huế: “...Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội/ Bốn tháng

hình như kém mấy ngày/ Lăn lóc có dư mười mấy tỉnh/ Để rồi nằm mốc ở nơi đây/ Thuốc lào hút mãi người ra khói...”.

Nhưng đã “thèm đi” thì không thể chôn chân mãi ở một xó đời. Năm 1943, ông cùng nhà văn Tô Hoài, Vũ Trọng Can vào Sài Gòn. Trong hồi ký, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký có kể lại những chi tiết khá cảm động những

ngày của “Những lang thang, những thất vọng, vô vọng bất đắc dĩ” rằng: “Ở

trên tàu bước xuống ga xe lửa giữa thành phố, chẳng có người quen đến mức phải ra ga đón và trong túi không ai còn một xu. Chợ Bến Thành với cái bãi bùng binh trước mặt, người ta ăn uống rào rào như tằm ăn rỗi. Làm thế nào bây giờ?”.

Điều khá bất ngờ với thế hệ chúng ta là lúc ấy, ba chàng trai trẻ trong cảnh “Quê nhà xa lắc, xa lơ đó” đã thuê rạp Thành Xương để “diễn thuyết” kiếm sống! Nhưng chẳng bao lâu, họ chia tay nhau, trong khi hai người kia khăn gói về Hà Nội thì Nguyễn Bính tiếp tục trôi nổi gió bụi giang hồ, ông đi xuống tận Hà Tiên thăm thi sĩ Đông Hồ và Mộng Tuyết. Một chuyện tình tuyệt đẹp đã diễn ra trong những ngày ngắn ngủi này. Nữ sĩ Mộng Tuyết có kể lại: “Dưới ngọn đèn dầu lửa lù mù, một cô cháu tôi, cô Tú Ngọc, đọc

truyện Tam Quốc Chí của Phan Kế Bính dịch cho má tôi nghe. Có khi Bính vào trễ, cửa đã cài then thì Bính ngồi ngoài hiên cho tới khuya mới về mà không dám gọi cửa. Bính nói:“Ngồi trong đêm sương khuya, nghe trộm tiếng người ngọc đọc sách cách một lần cửa đóng kín, cũng có một thú vị riêng”.

Nhưng rồi, Nguyễn Bính lại tiếp tục viễn du, chia tay với Tú Ngọc:

Nàng ra bờ sông đứng khóc mãi Tàu đi xa mấy dặm sông dài Ngoảnh lại vẫn còn tay Ngọc vẫy Người ở những mong ngày gặp nhau Kẻ đi biết khó kỳ quay lại

Đúng vậy, Nguyễn Bính không còn gặp lại người con gái mà ông từng ký bút danh “Người Yêu Ngọc”.

Trong một phút cao hứng, chàng họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đưa cả bầu đoàn thê tử, rủ thêm hai người bạn nữa lên nhà xe Mê Ly đi khắp Đông Dương để vẽ tranh, triển lãm, kể chuyện, ngâm thơ, diễn kịch... Chuyến đi này được văn nghệ sĩ tiễn đưa khá đông, Nguyễn Bính có tặng mấy câu thơ, họ xuất phát từ Hà Nội năm 1941 nhưng đến năm 1944 thì “quy cố hương” bởi chiến tranh thế giới đang nổ ra...

Có nhà thơ nổi tiếng với “say” và “tiên nâu” những tưởng sẽ rất yếu đuối, thế mà chàng cũng làm một chuyến “giang hồ vặt” hay ra phết. Khoảng năm 1942, Vũ Hoàng Chương, Tô Hoài và Nguyễn Bính “viễn du” lên Bắc Giang để thăm nhà thơ Bàng Bá Lân. Trong chuyến đi này ông “Say” với ông “Lỡ bước sang ngang” đã có được bài thơ liên hoàn:

Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương.

Sở tại bàng quan chầu xuống xóm, Thi nhân bá ngọ chuyến lên đường. Dòng trong dòng đục thêm ngao ngán, Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương. Nằm muỗi qua đêm chờ sáng dậy,

Còi xe phong hỏa xé màn sương.

Thật thú vị cho cái sự “đi”, nếu nhạc sĩ tài hoa Đặng Thế Phong không đi giang hồ sang tận xứ Cao Mên, làm sao có được tuyệt tác Con thuyền không bến? Những ngày đói khổ này, chàng phải bán brillantine giả làm

thuốc cao để có tiền hồi hương.

Với Quảng Nam, cụ thể là Hội An thì cũng là một trong những “địa chỉ” hấp dẫn văn nghệ sĩ tìm đến. Năm 1946, văn, thi sĩ kiêm đạo diễn kịch Thế Lữ cùng nhóm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung... trong đoàn ca vũ nhạc Anh Vũ của Thế Lữ đến Hội An trình diễn. Qua giao lưu với anh em văn nghệ nơi này, “kiện tướng của phong trào Thơ mới” rất yêu thích giai điệu của bài Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ tài hoa La Hối. Ca khúc này, lúc bấy giờ gọi theo tiếng Pháp là Printemps et jeunesse và chưa có lời ca. Tìm hiểu

cuộc đời tài hoa của người nhạc sĩ sớm hy sinh vì đại nghĩa, Thế Lữ rất xúc động nên đã xin phép gia đình nhạc sĩ viết lời cho nhạc phẩm giá trị này. Sau đó, Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, Văn Chung soạn vũ điệu và khi trình diễn đã làm nức lòng người dân phố Hội. Cho đến nay vẫn là ca khúc không thể thiếu trong mỗi độ xuân về.

Mà người đi chơi xa, dù không thong thả tiền bạc thì ít ra cũng không nặng nợ gia đình, vợ con. Quả thật, tôi chưa đọc được một tài liệu nào nói

đến ông vua hoạt kê Số đỏ Vũ Trọng Phụng đã đi giang hồ những nơi đâu.

Chỉ bằng ngòi bút vừa nuôi mẹ, nuôi vợ và con để đến nỗi phải thổ huyết ho lao trên trang bản thảo thì làm sao có thể “dứt áo” ra đi một cách nhẹ nhàng? Vì thế nghĩ cho cùng, trong đời được đi chơi xa nhiều lần, há cũng là một lạc thú.

Ngày nay, những người cầm bút vẫn tiếp tục “đi để viết”. Tất nhiên, về mọi phương diện thì họ hơn hẳn các đàn anh thuở trước. Nhưng về tác phẩm “thu hoạch” sau mỗi chuyến đi thì sao? Đó là một chuyện khác nữa. Thôi thì, cứ ngâm ư ử mấy câu thơ của anh bạn Phạm Hữu Quang:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 1 (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)