Tại một sân ga tỉnh lẻ, ngày kia có người đàn ông giàu sang, đi xe hơi bạc tỷ nhưng gương mặt rầu rĩ như thời bao cấp bị “mất sổ gạo”. Chủ nhân bước xuống xe, tay cầm bó hoa tươi thắm, chậm rãi đi đến quầy bán vé. Sau câu chào hỏi, ông ta nhỏ nhẹ với cô nhân viên: “Thưa cô, tôi muốn tặng cô bó hoa đẹp này thay cho lời muốn nói”. Cô nhân viên từ chối: “Xin lỗi, ông có đùa không đấy? Tôi đã có chồng”.
Người đàn ông vẫn nhã nhặn: “Cô hiểu nhầm rồi. Sở dĩ thế vì tôi muốn cám ơn cô”. “Cám ơn tôi? Tại sao?”. Người đàn ông đáp: “Vâng, thuở còn khốn khó, mỗi lần đến mua vé, bao giờ tôi cũng đều được cô tặng nụ cười thân ái. Nhờ nụ cười ấy khiến tôi phấn chấn, tự tin hơn. Có lúc mệt mỏi, muốn buông xuôi nhưng nhớ lại nụ cười tươi tắn của cô, tôi lại nghĩ đến sự may mắn đang ở phía trước nên tiếp tục đi tiếp, nhờ vậy tôi mới được như ngày hôm nay. Tôi thắc mắc, không hiểu vì sao lúc nào cô cũng khả ái, vui tươi? Có bí quyết gì không?”.
Ngẫm nghĩ một lát, cô nhân viên mỉm cười: “Chẳng có bí quyết gì đâu ạ. Tôi chỉ nghĩ, “gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Nói như thế, mơ hồ quá phải không, thưa ông? Có những điều chúng ta không nhìn thấy, không thể cầm trên tay cân, đong, đo, đếm cụ thể nhưng thật ra nó vẫn đang tồn tại miễn là có niềm tin”.
Niềm tin ấy là gì?
Xin được khái quát bằng cụm từ “niềm tin tâm linh”.
Niềm tin đó, chính tự lòng mình tâm niệm “có” nên tự giác tuân thủ. Ông bà ta dạy những điều không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy sờ sờ ngay trước mắt: “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Ác giả ác báo”...Biết bao giờ điều đó mới xảy ra? Mà có
thật sự xảy ra hay chỉ là một cách nói văn vẻ?
Với câu hỏi đó, tôi ngẫm nghĩ lại và nhận ra, không chỉ phần số một đời người mà hành trình cả dân tộc còn có cả sự phù trợ của các đấng khuất mày khuất mặt. Nếu tin có sự trợ giúp ấy thì đừng khiếp sợ nghịch cảnh, đừng thấy “sóng cả mà ngã tay chèo”. Đọc sử, tôi thích chi tiết: Sau chiến thắng
giặc Nguyên Mông, ngày 18.4.1288 vua Trần Nhân Tông trở về Chiêu Lăng làm lễ báo tin thắng trận tại lăng vua cha Trần Thái Tông. Lúc làm lễ, nhìn thấy chân ngựa đứng chầu quanh lăng đều lấm bùn, nhà vua cho là thần linh hóa thân vào ngựa đá ngầm giúp. Do đó, vua Trần xúc động ứng khẩu hai câu thơ hào sảng mà cũng rất tâm linh:
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng
Không phải là nhà nghiên cứu sử, nhưng tôi dám quả quyết rằng, trong hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, nếu thâu gọn lịch sử nước nhà trong một chữ, chỉ có thể là chữ “đánh”. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, cụ Đồ Chiểu viết một câu thần sầu quỷ khốc. Đọc nổi da gà: “Sống đánh giặc,
thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia”. Rõ ràng âm dương không cách biệt. Có đời sau, có kiếp trước. Có
người âm phù hộ, phán xét, trừng phạt hoặc ngầm giúp người dương. Sự vong như sự tồn nên khi làm việc mờ ám, dù không ai biết nhưng đừng quên còn có trời đất chứng kiến.
Đọc Cổ học tinh hoa, nhiều người còn nhớ mẩu chuyện này: Dương
Chấn được bổ đi làm Thái thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước nhờ ông mà được đề bạt, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya lại đem vàng đến lễ. Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư!”.Vương Mật cố nài thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết”. Dương Chấn trả lời: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra”.
Nói cách khác, lòng tin “trời biết, đất biết” chính là “rào cản” về mặt tâm linh, dù vô hình nhưng con người ta phải biết sợ hãi để tự sửa mình, tự răn mình. Có phải “rào cản” ấy, ngày càng nhạt đi chăng? Nếu không, ta sẽ lý giải thế nào về quá nhiều chuyện trái khoáy. Vì sao nhiều người không sợ lương tâm cắn rứt? Không ít kẻ nhắm mắt chăm bẵm thu về cái lợi, cái danh bằng mọi cách, kể cả “hy sinh đời bố củng cố đời con”? Do không sợ pháp luật hiện hành nên họ dám làm càn, làm ẩu nhưng nếu sống với tâm linh “có
vay có trả” ắt họ sẽ phải chùn tay.
Niềm tin tâm linh là tin vào chính mình, chứ không phải nhắm mắt làm càn rồi sau đó, vì sợ hãi, vì ăn năn nên cầu trời khấn Phật, quỳ lạy thần linh, thổ địa... Không những thế còn “lấy lòng” các đấng khuất mày khuất mặt bằng cách đốt giấy vàng mã.
Tục lệ kỳ quái này do đâu mà có?
Theo Thượng tọa Thích Trực Giáo, nó xuất phát từ Trung Quốc: “Khi nhà vua băng hà, triều đình đã bỏ thật nhiều vàng bạc vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau, các quan bắt chước theo và từ đó lan nhanh đến dân chúng. Đây cũng chính là nguyên nhân đánh động lòng tham của bọn bất lương, như mộ vua Hán Văn Đế bị khai quật. Đến năm Khai Nguyên thứ 26 (năm 738) đời Đường Huyền Tông ra sắc dụ cho phép dùng tiền vàng giả để thay thế. Không bao lâu sau, dân chúng chán bỏ vì thấy việc đốt vàng mã không hiệu nghiệm nên không đốt nữa. Không muốn thấy nghề gia truyền của ông cha mình bị mai một, do đó, Vương Luân là con cháu của Vương Dư bèn lập mưu với người bạn thân, lên kế hoạch giả bộ chết, sau đó khâm liệm bỏ vào quan tài chờ ngày đem chôn. Đến ngày đưa đám, Vương Luân đem giấy tiền vàng mã và những đồ dùng bằng giấy như nhà cửa, quần áo, hình nhân thế mạng, đích thân cúng tế, sau khi đốt xong thì tự nhiên quan tài rung động, ai nấy đều mục kích rõ ràng, cùng nhau mở nắp quan tài ra, rõ ràng người chết sống lại và kể rằng, chư thần dưới âm phủ nhận vàng mã và hình nhân thế mạng nên mới thả hồn ông về dương thế. Tin đó lan truyền đi rất nhanh và cũng từ đó, giấy tiền vàng mã lại thịnh như xưa”.
Khi văn hóa, phong tục tập quán Trung Quốc du nhập vào Việt Nam, tất nhiên có cả hình thức “tiễn người âm” như trên. Từ thông tin này, ta thấy đây không phải là “sáng kiến” của người Việt. Lập luận này còn được bổ sung bởi ý kiến của Giáo sư Thượng Minh Thanh. Bằng những chứng cứ văn bản học, ông cho biết, tuy chưa xác định tập tục này vào nước ta từ lúc nào nhưng qua áng văn Thập giới cô hồn quốc ngữ văn thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), trong đó không hề lưu lại dấu vết của tục đốt vàng mã, chỉ có “thí thực” đầy tính nhân đạo là bố thí thức ăn cho người sống thiếu đói. Nhưng đến thế kỷ XVIII, trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ cho biết bấy giờ đã có “đốt vàng mã là để giúp người chết tiêu dùng”; Văn tế thập loại chúng sinh của
Nguyễn Du có nhắc đến:
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo Của có chi, bát cháo, nén nhang Gọi là manh áo, thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên Truyện Kiều cũng có câu:
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay...
nhưng thật ra không phải, Giáo sư Thượng Minh Thanh cho biết trong Thiền
uyển tập anh - một tác phẩm cổ về Phật giáo Việt Nam, được biên soạn từ đời
Lý “không có dấu vết của tập tục này”. Nhiều người tán thành ý kiến của Thượng tọa Thích Trực Giáo: “Thay vì bỏ tiền ra mua giấy vàng mã, tại sao chúng ta không lấy tiền đó dùng vào những việc khác có lợi ích hơn như bố thí, cứu giúp những người cơ nhỡ, người già neo đơn... đem những việc mang tính từ thiện này, hồi hướng về cho người mất thì lợi lạc biết bao, đây gọi là chánh lý “Âm Dương lưỡng lợi” đúng với quan điểm từ bi và trí tuệ của đạo Phật”.
Niềm tin tâm linh là tin vào chính mình.
Dù không hề thấy cảnh Thiên đàng, cõi Niết bàn cụ thể ra làm sao nhưng nhiều người vẫn tin nếu sống tốt thì sẽ được lên nơi ấy. Do tin nên còn đó những người biết sống cho cộng đồng, san sẻ bất hạnh của người khác. Nhìn hình ảnh lộc nhú đầu cành, ai cũng nghĩ đến sự may mắn, an lành đang nẩy nở từng ngày. Nhìn trong nắng xanh vẫn còn thấy người đi lễ, làm từ thiện... tự dưng trong lòng rộn ràng niềm vui mới. Khi niềm tin tâm linh còn tồn tại, tự mỗi con người sống sẽ biết cách ứng xử thế nào cho “phải đạo”. Không là sự ràng buộc của văn bản pháp lý nhưng chính nó lại có một sức mạnh vô biên. Sức mạnh ấy chính là ý thức vun đắp mầm thiện đơm hoa kết trái theo từng ngày. Và vun đắp ngay trong hành động tự giác của chính mình, chứ nào phải đâu xa.