Ngày đầu năm, nắng ngoài đường mơn mởn như thiếu nữ dậy thì. Lòng dạt dào cảm xúc. Nếu tĩnh tâm, ngồi một mình và nghĩ về năm tháng đã qua, lúc ấy, con người ta thường nghĩ về điều gì? Chẳng biết người khác ra sao, còn tôi, lại nghĩ đến một “nghịch lý” mà bất kỳ ai cũng có lúc ngồi thừ người, tặc lưỡi: “Thời trẻ, cái gì cũng có. Có từ nhan sắc, thời gian, sức khỏe đến khát vọng đội đá vá trời nhưng than ôi, điều quan trọng nhất là tiền thì trong túi không một xu teng nào. Ngược lại khi đã về già, có tất tần tật mọi thứ, tất nhiên có tiền, thậm chí có nhiều tiền, có từ vợ đẹp con ngoan, nhà cao cửa rộng đến địa vị xã hội, chỉ oái oăm nhất là không có nhiều sức khỏe”.
Giữa tiền và sức khỏe, cái nào quan trọng hơn? Thật khó trả lời.
Chỉ biết rằng, khi cơ thể “trục trặc” gì đó, dù chỉ là cảm cúm nhức đầu sổ mũi, con người ta mới thấy sức khỏe là cái quý nhất. Nằm trên đống tiền, nhưng nói không ra hơi, đi đứng không nổi phải chờ người khác dìu từng bước quả là một cực hình. Những đồng tiền khi ấy chỉ có ý nghĩa nếu nó đem lại sức khỏe. Rồi lúc ấy, người ta chợt “ngộ” ra có tiền chưa chắc đã “mua” được sức khỏe.
Thế thì, có được thân thể cường tráng, mạnh khỏe là mong muốn của nhiều người, kể cả ông Bành Tổ trong huyền thoại phương Đông trường thọ đến ngàn tuổi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca từ: “Mỗi ngày tôi chọn một
niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười”. Theo tôi, ấy là người
biết tận hưởng cuộc đời này. Để tâm trí thư thái, phơi phới yêu thương ắt không thể chọn những tiếng cãi vã, đôi co tục tằn, ganh ghét, tị hiềm... Nhìn thấy một bông hoa tươi tắn, trong lòng vẫn gợi lên nhiều cảm xúc thẩm mỹ hơn là nhìn gương mặt yêu thương, dẫu là vợ mình nhưng lúc nào cũng nhăn nhó, cáu gắt.
Ông bà ta thường “ăn cục nói hòn” không văn vẻ, cầu kỳ nhưng chuẩn xác: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Ấy cũng là điều mà Phật dạy. Hãy mở rộng cánh cửa tâm hồn mình bằng sự từ bi hỉ xả, có như thế, con người ta mới có thể cười vui với cuộc đời này. Sống trong đời, ai lại không
có lúc thất bại, gặp những điều không như ý? Nhưng tôi nghĩ rằng, hơn nhau ở chỗ mỗi người đón nhận như thế nào. Có người u sầu, chìm đắm vào ảo não đó; có người mạnh dạn chấp nhận để tìm cách thay đổi.
Hãy nhìn vòm xanh kia, bông hoa nọ thì sẽ thấy cuộc đời mình cũng thế. Lá xanh rồi đến lúc vàng úa, rụng xuống. Rồi thời gian sau mầm xanh lại nhú lên. An nhiên ấy cũng là phẩm chất của người tự tin và chấp nhận quy luật thay đổi trong cuộc sống.
Không riêng gì dân tộc Việt, mọi dân tộc trên thế giới đều tự “quy ước” ngày năm mới không ai được giận dữ, mắng nhiếc, cãi cọ... mà dành cho nhau nụ cười, trao cho nhau niềm vui. Nếu một năm, lúc nào, ngày nào con người ta cũng ứng xử với nhau như thế, có lẽ tuổi thọ sẽ tăng thêm nhiều lần. Sở dĩ câu thơ của Kahlil Gibran được yêu thích bởi nó đã nói đúng khát vọng thẳm sâu trong tâm hồn con người:
Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.
Câu thơ này trích trong tập thơ Nhà tiên tri (The Prophet) xuất bản năm 1923, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch. Ai lại không ý thức, tin tưởng để vui sống mỗi ngày? Nhưng rồi trong bộn bề công việc, có lúc không thể tránh khỏi va chạm, tranh cãi chí chóe đã khiến lòng chùng lại. Trời đang xanh bỗng chuyển gió mây mù. Kỳ cục cho tâm lý mỗi chúng ta, có nhiều mối quan hệ đã là ruột thịt, bạn bè thân tri kỷ, nhưng rồi, lúc không hài lòng lập tức trong lòng dậy sóng u ám. Bao nhiêu tính tốt của họ, ta quên béng hết; phần “chơi được” ở họ tan biến đi, chỉ còn lại hình ảnh “không ra gì”, chỉ thấy sự xấu xa, đáng ghét.
Mà một khi oán ghét ai đó, chính là lúc tự làm khổ mình vì phải canh cánh gánh lấy sự bực bội, nhìn đâu cũng thấy ngao ngán, mỏi mệt. Nghĩ về điều tốt, hướng thiện thì trong lòng nhẹ nhàng, có thể vui vẻ huýt sáo thong dong, ngước nhìn trời xanh mây trắng. Thi hào Nguyễn Du đã nói được một điều hiển nhiên, ai cũng thừa nhận là đúng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Hết thảy các sự việc dù bi quan, lạc quan nghĩ cho cùng cũng tự
lòng mình mà ra. Vậy làm thế nào để giữ được sự nhẹ nhàng tâm hồn, luôn có cái nhìn thân thiện với anh em, bầu bạn?
Thời hoa niên, ngày ấy, nhà tôi sống gần chùa Tỉnh Hội. Có một điều khó lý giải là vì sao các chú tiểu trạc tuổi bọn tôi, lại điềm tĩnh, chững chạc và “người lớn” chứ không hề “tâm viên ý mã”? Tại sao thế? Nghe tôi hỏi, bà ngoại tôi bảo, do các tiểu sống trong không gian thanh tịnh và ăn chay nên tính tình đằm lại. Có đúng vậy không? Mãi đến lúc đã “ngũ thập” tôi mới
nhận ra bà tôi nói đúng. Ích lợi của việc ăn chay, không gian sống tác động đến sức khỏe, tâm tính như thế nào, các bác sĩ đã giải thích, tôi xin phép không lạm bàn. Tuy nhiên, chỉ như thế có lẽ vẫn chưa đủ. Thêm một điều quan trọng vẫn là sự “định hướng” của chính mình.
Đọc tập sách Cõng nhau trong một cõi người (NXB Trẻ) của Hoàng
Công Danh, tôi chú ý đến chi tiết: Chú tiểu Sanh (còn gọi là “điệu”) chỉ mới chừng lên mười, do nặng nghiệp Tam bảo nên được cha mẹ gửi vào chùa sống với sư thầy. Ngày nọ, dọc con đường lên chùa, bỗng dưng mọc lên la liệt... quán nhậu! Từ đó, điệu Sanh và đạo hữu: “Đi quá một đoạn rồi nhưng
vì mùi hành mỡ khiến điệu chững lại, đi chậm hơn. Cho đến khi nghe tiếng chuông chùa điệu mới rảo bước đi cho dứt được”. Thậm chí có lúc: “Đến ngang quán nhậu, mùi thịt hầm đã xốc ngay vào mũi. Nước bọt cứ ứa ra chèn lấy cổ họng khiến điệu không thể niệm chú được nữa. Bước chân cũng nhấc chậm lại, nặng nề hơn”. Một ngày kia, điệu Sanh buồn buồn mếu miệng thưa
với thầy: “Thầy ơi, con không đi đường đó nữa”. Có phải đó là giải pháp hữu hiệu nhất?
Nếu khu phố mình đang sống không hề “văn hóa” chút nào, này nhà nọ có thói xấu đổ bừa rác ra ngoài đường, thú nuôi phóng uế bừa bãi, nọ nhà kia thường chửi vợ mắng chồng..., mình phải dọn đi nơi khác chăng? Do cãi cọ với đồng nghiệp, không được sếp cất nhắc, mình tìm cách “giải thoát” bằng cách nghỉ để qua một công sở khác chăng?
Trước khi tìm câu trả lời, ta hãy trở lại với câu hỏi của điệu Sanh, sư thầy đã trả lời thế nào? Thế này: “Có một con đường ấy thôi con, chẳng thể
còn lối nào khác. Đi cho khéo là được”. Ta hiểu rằng, “Đường đạo đường đời chung nhau, dẫu có chỉ dẫn hay không thì điều quan trọng là do người đi mà thôi”. Đúng quá, cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề cuối cùng vẫn do nhận
thức của chính mình.
Trên đời, không có một ai hoàn toàn xấu và ngược lại. “Nhân vô thập toàn” kia mà. Ngay cả tử tù vẫn còn có điểm sáng cuối cùng, ít ra đó là giây phút ăn năn, hối hận vì tội ác đã gây ra. Nhìn thấy “điểm sáng” của người khác tưởng dễ nhưng thật ra lại khó, nếu cái tâm không khoáng đạt, khoan dung, hỷ xả. Đứng trước công chúng, vị giáo sư nọ cầm tờ giấy trắng và quẹt lên một dấu chấm đen. Ông ta đưa lên và hỏi người đứng gần nhất: “Anh thấy gì?”. Người này trả lời: “Một dấu chấm đen”. Ông lại tiếp tục hỏi những người khác và cũng đều nghe câu trả lời tương tự. Cuối cùng, ông nói: “Vâng, có một dấu chấm đen nhưng không ai nhìn thấy tờ giấy trắng”.