GÓI MÂY TRONG ÁO

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 1 (Trang 58 - 61)

Có lẽ ấn tượng mạnh mẽ, khó quên nhất trong ký ức tuổi thơ tôi là năm tháng hoa niên, có lần đi cắm trại ở Huế. Ngày đó, trên đường lên chùa Từ Hiếu, bất ngờ nghe vọng lại lanh lảnh tiếng rao bán chè. Từ con đường làng vi vút thông reo, tôi nhìn thấy một phụ nữ mặc áo dài màu lam, đi chân đất, trên vai là đôi quang gánh. Chè ngọt và ngon. Khi bà bước đi, từ phía sau, tà áo phất phới reo vui, thoảng nhẹ theo gió. Hình ảnh như thật như mơ ấy đã đi vào tâm thức của cậu trò mới lớn. Và sau này, tôi còn bắt gặp áo dài trên xuôi ngược đường phố.

Có lẽ xốn xang lòng người nhất vẫn là mùa hè, hoa phượng đỏ ngập sân trường, tiếng ve kêu râm ran, giữa trưa nắng lại thấy dập dìu nữ sinh khoác áo dài trắng. Ông thi sĩ Hoàng Trúc Ly, có lần đứng trước trường Nữ Trung học Hồng Đức ở Đà Nẵng, nhìn thấy hình ảnh đó, thốt lên: “Ô hay, con gái bay

nhiều quá/ Hai cánh tay mềm như cánh chim”. Tà áo trắng ấy, như cánh

chim ư? Tại sao không?

Tùy theo tâm trạng lúc vui hoặc buồn, ngậm ngùi hay hào hứng khi bắt gặp tà áo dài, mỗi người có sự liên tưởng khác nhau. Ông Paris có gì lạ không em Nguyên Sa bằng tâm thức rất mơ mộng đã băn khoăn tự hỏi: “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay?”. Ngay cả người Việt Nam

“chính hiệu con nai vàng” cũng chưa thể lý giải hết ma lực quyến rũ, nền nã của tà áo dài thì người ngoại quốc còn ngắc ngứ đến dường nào? Nói như nhà văn Võ Phiến, có thể họ chỉ trầm trồ thốt lên ngạc nhiên: “Chời ơi! Áo dzài”. Nghe mà thương quá!

Tà áo dài từ bao đời nay đã “hớp hồn” biết bao tao nhân mặc khách. Mỗi người có một sự liên tưởng khác nhau và có cảm giác ai cũng “choáng ngợp” trước vẻ đẹp đơn sơ, trong trắng ấy.

Nói đầy đủ về lịch sử áo dài, phải là một công trình nghiên cứu công phu. Tôi dám quả quyết rằng, áo dài chính là sự cách tân từ kiểu áo dài năm thân truyền thống. Ngày 11.2.1934, trên báo Phong Hóa có bài viết Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô, tung ra kiểu “áo dài Le Mur” của họa sĩ Cát Tường.

À, lạ chưa? Nhìn hình ảnh tư liệu, tôi nhận ra áo dài của thuở mới phôi thai là “cổ bánh bẻ”, “cổ viền” và phần tay áo là kiểu “đuôi tôm”, “quả tim”... Chắc chắn nhà văn Nhất Linh cũng góp phần không nhỏ tạo bởi các tranh minh họa do ông vẽ. Bấy giờ, tờ Phong Hóa rồi sau đó Ngày Nay do nhóm

Tự Lực Văn Đoàn chủ trương in số lượng lớn nên áo dài “tân thời” được quảng bá rộng rãi.

Ngay từ khi ra đời, áo dài mặc nhiên đã trở thành trang phục đặc trưng của con cháu Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Nét đẹp ấy đã trở thành biểu tượng của Việt Nam và mãi mãi trường tồn cùng Đất nước. Sau này, suốt một thời gian dài, do đời sống khó khăn, như một lẽ tự nhiên, tà áo dài biến mất trong sinh hoạt đời thường. Nếu có ai cắc cớ hỏi, vậy áo dài “sống” lại tự lúc nào? Không riêng gì tôi, cả thảy đều có một “đáp án” chung: Từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới. Sự trở lại này đã tạo một tiếng vang lớn trong dư luận thời ấy và đến nay vẫn còn âm vang.

Sự hấp dẫn kỳ lạ của trang phục đã tôn vinh vẻ đẹp nữ tính của phụ nữ Việt khó có thể có câu trả lời chính xác, “trầm trọng” cỡ như: “Tại sao? Vì lý do gì?”. Mà đôi khi, cũng chẳng nên tìm hiểu bằng lý trí rạch ròi như cộng trừ nhân chia, cứ để cảm nhận ấy đến tự nhiên, như đã gió thì bay, và rõ ràng trong áo dài tự nó đã có... gió. Bằng chứng, khi nhìn một người phụ nữ bước đi, nhìn những đường nét gợi cảm của hình thể, ta chỉ thấy thấp thoáng mờ mờ ảo ảo bởi tà áo đã chuyển động che khuất. Chuyển động theo gió. Chuyển động theo mỗi bước đi nhịp nhàng.

Có lẽ cô bé Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp nếu mặc quần jeans, áo thun, đi giày thể thao thì khó có thể hớp hồn các chàng trai qua nhiều thế hệ. Tại sao như thế? Với cách ăn mặc tân thời, dù có thuận tiện cho việc đi chùa đông đúc, phải đi qua“đường vách đá cheo veo” thì cũng làm sao có thể sống trong tâm trạng nhí nhảnh, thổn thức, đáng yêu đến lạ thường: “Làn gió

thổi hây hây/ Em nghe tà áo bay/ Em tìm hơi chàng thở/ Chàng ôi, chàng có hay?”.

Mẹ tôi đã già rồi nhưng bà vẫn nhớ như in ngày về quê chồng. Thuở cưới nhau trong kháng chiến, chỉ là quần đen, áo cộc tay như mọi thiếu nữ ngày đó. Rồi đất nước chia cắt, mãi đến lúc ngoài bảy mươi xuân, mẹ mới có dịp về quê chồng. Về lúc chồng đã mất, về với cảm giác cô dâu về nhà chồng nên không thể không mặc chiếc áo dài. Nhìn hình ảnh: “Mẹ bần thần đứng lại/ Vân vê vạt áo dài/ Nhìn xuống đôi guốc mộc/ Mòn vẹt gót chân chai”, tôi

như nhìn thấy ở đấy chân dung của người thiếu nữ thuở vẫn còn xuân sắc. Kỳ lạ chưa, tự bản thân chiếc áo dài có thể “trẻ hóa” lại diện mạo, dù người đó đã

bước sang tuổi “xưa nay hiếm”.

Tôi không phải là nhà điều tra xã hội học nhưng tôi biết rằng, có những nữ sinh thời tiểu học nghịch ngợm như “con yêu bánh nậm” nhưng lên trung học lại dịu dàng hẳn. Hỏi tại cớ làm sao? Nhiều cô thỏ thẻ “niêm hoa vi tiếu” mà rằng: “Mặc áo dài thì không thể đi đứng nghênh ngang như trước”. Thì ra thế, hai vạt áo uyển chuyển nhẹ nhàng đã khiến tự người ta phải ý thức hơn trong hành xử. Đó không phải “quyền lực” của áo dài là gì?

Cần nói thêm rằng, mặc áo dài là một sinh hoạt bình thường trong đời sống. Ai cũng có thể mặc, dù vóc dáng “như cánh vạc bay” hoặc “quá khổ” cũng thấy phù hợp bởi áo dài “hóa giải” một cách hợp lý. Không phải ngẫu nhiên trong ký ức của nhiều người vẫn còn nhớ như in hình ảnh phụ nữ mặc áo dài ra phố. Có thể đó là cô bán cá, bán rau, bà bán tạp hóa ngoài chợ, chị bán chè gánh hàng bán rong... chứ nào phải áo dài là riêng của những hội hè, hội nghị. Điều này có nghĩa, trang phục ấy phù hợp cho mọi hoàn cảnh, cho mỗi “giai tầng” giàu nghèo khác nhau. Hình ảnh thân thiện đó đã từng có, rồi một thời lại mất đi. Chẳng hề gì, “ăn theo thuở, ở theo thời”. Giờ đây, tà áo dài đã bắt đầu xuất hiện trở lại như một lẽ tự nhiên trong việc làm đẹp.

Cái đẹp là gì nhỉ? Khó có thể có câu định nghĩa hợp ý với cả thảy mọi người, nhưng chỉ trong lĩnh vực thời trang, tôi nghĩ rằng, một khi ăn mặc thế nào mà cảm thấy mình ý tứ hơn, dịu dàng hơn và cũng dễ tạo ra thiện cảm, đó chính là đẹp. Với phụ nữ, sự trở lại của chiếc áo dài truyền thống, dù bây giờ đã ít nhiều có cách điệu đi nữa, là một lựa chọn của nhiều người. Sự lựa chọn ấy cho thấy rằng khi xuất hiện trước đám đông, tự nó đã nói lên các đức tính cần thiết của nữ giới.

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 1 (Trang 58 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)