TRONG GẶP GỠ ĐÃ CÓ MẦM LY BIỆT

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 1 (Trang 87 - 89)

Ðã giẫm hai chân trên trái đất, dù khác màu da, dù tồn tại ở chân trời góc biển nào, trong tình cảm con người cũng đều có những điểm giống nhau. Một trong những nỗi khổ tâm là phải sống xa người mình yêu. Phải gạt lệ tiễn người đi trong cách biệt ngàn trùng. Đọc Quốc văn giáo khoa thư thấm thía với câu: “Ôi! Cái cảnh biệt ly sao buồn vậy?”. Buồn quá đi chứ? Con xa mẹ, vợ xa chồng, anh xa em, người tình xa người tình... Chỉ cần nghĩ đến đó, lòng đã quặn thắt rồi sụt sùi giọt lệ sầu, giọt lệ thảm.

Vâng, có buồn mới nhớ, có thương mới mong.

Nhớ mong ngong ngóng từng ngày, tự trong lòng réo rắt các cung bậc tình cảm. Ngày xưa, lúc người yêu ra chốn sa trường, người chinh phụ bùi ngùi nhìn theo vó ngựa khuất dần sau ngàn dâu, thốt lên: “Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”. Khó có thể cân đong, đo

đếm cụ thể lòng thương nỗi nhớ giữa người đi kẻ ở. Trên đời này, có một ai thoát ra ngoài tình huống đó không? Tôi dám quả quyết rằng không. Do đó, không phải ngẫu nhiên thi sĩ Xuân Diệu khái quát:“Hoa nở để mà tàn/ Trăng

tròn để mà khuyết/ Bèo hợp để chia tan/ Người gần để ly biệt”.

Nói cách khác “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”, đã là một quy luật tự nhiên, cho dù đã thề nguyền ăn đời ở kiếp nhưng biết đâu sẽ có lúc chia tay tạm thời; hoặc vĩnh viễn xa nhau. Vậy, phép ứng xử khôn ngoan mà cũng bản lĩnh nhất, phải là sự chấp nhận chăng? Chắc hẳn nhiều người đồng tình với suy nghĩ này.

Anh bạn tôi là một doanh nhân thành đạt, anh thường xuyên đi công tác xa nhà, có lúc đi cả nửa tháng là chuyện thường tình. Khoảng thời gian ấy, tình cảm vợ chồng nhợt nhạt dần? Anh cười khà khà: “Mặn nồng hơn rất nhiều”. Tại sao vậy? Sự tương tác mỗi ngày của họ nhiều hơn qua điện thoại, online, gửi email... Thật lạ, những ngày gần nhau mọi trao đổi hầu hết chỉ đơn thuần thông tin, nhưng nay lại có cả sắc thái tình cảm mùi mẫn hơn.

“Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Người

ở nhà, người đi xa cũng đều tự ý thức phải nỗ lực nhiều hơn. Khi xa cách, nhớ lại những kỷ niệm êm đềm, lúc ấy không chỉ kỷ niệm mà còn là chất men

dậy sóng trong tình cảm. Người ở nhà, sự thương nhớ mong ngóng cũng nhiều hơn, chờ đợi từng ngày...

Để rồi lúc gặp lại, họ cảm thấy từ trong lòng đã dội lên, đã vọng về những cảm xúc mới mẻ hơn, tươi trẻ hơn. Do đó, khi xa nhau tạm thời hoặc vĩnh viễn cũng chẳng nên buồn rầu, bi quan, bi lụy mà hãy nhìn theo một chiều hướng tích cực.

Anh bạn tôi là bác sĩ ở một bệnh viện lớn kể lại, có lần sau ca cấp cứu nọ, anh đã khuyên cô gái tự tử vì tình: “Mạng người là quý, trước khi quyết định việc gì em hãy dành thời gian suy nghĩ chín chắn. Mà em hãy tin rằng, mọi việc sẽ thay đổi. Lúc này, người đó là tất cả; nhưng biết đâu về sau cũng chẳng là “cái đinh rỉ” gì. Đừng bi quan”. Dăm năm sau, anh nhận được thiệp của ai đó mời đến nhà riêng dự tiệc mừng năm mới. Không rõ người mời là ai, đã quen biết thế nào? Dù ngần ngừ, phân vân rồi cũng đi dự bởi công việc của anh có nhiều mối quan hệ, biết đâu chính anh đã quên?

Khi đến một biệt thự sang trọng, anh nhận ra chủ nhân là người mà anh đã chữa trị. Đến gần anh, sau khi bày tỏ lòng biết ơn, cô dẫn con đến chào rồi nhẹ nhàng: “Thưa, ngày ấy, bác sĩ nói đúng. Nhờ lời khuyên đó, em đã vượt qua cú sốc trầm trọng nên mới có được ngày hôm nay”.

Ai đó đã nói, cánh cửa này khép lại, sẽ có một cách cửa khác mở ra. Điều này hoàn toàn đúng.

Nỗi khổ nhất của con người, theo tôi, vẫn là những lúc không thoát khỏi ám ảnh của phiền não đã xảy ra trong quá khứ. Đôi khi cũng phải biết quên đi. Và chấp nhận lấy sự thật đang hiển hiện trong giây phút hiện tại, bởi dẫu có chìm đắm vào đó cũng không thể tìm lại được những gì đã xa, những gì đã mất. Đã có người khi bị người yêu “đá giò lái”, thất tình rồ dại tự hủy hoại thân xác; có kẻ điên cuồng, không làm chủ được bản thân đã sát hại người mà mình đã từng yêu dấu...

Việc làm tồi tệ ấy, có ích gì?

Nói thì hay lắm, thú thật, trước kia tôi cũng đã có thời gian không thoát ra cái vòng lẩn quẩn đó. Nhưng rồi, nhờ đọc mẩu chuyện này, tôi đã thay đổi suy nghĩ: Ngày nọ, có một kẻ chán đời đến tột cùng, có thể do vợ bỏ; hoặc tình nhân vừa đi lấy chồng; hoặc vừa mất con... Anh ta đứng trên cầu nhìn xuống dòng nước đang chảy xiết, và quyết định lao xuống bởi không thể chịu đựng nổi nỗi đau giằng xé từng phút giây.

Bỗng dưng, ngay lúc đó, có bà lão ăn xin khốn khổ bước đến bên cạnh, chìa tay xin giúp đỡ. Không một chút chần chừ, anh ta đưa luôn cái ví dày cộm: “Cụ hãy giữ lấy, cháu sắp về thế giới bên kia nên không cần đến số tiền

lớn này nữa”. Bà cụ lắc đầu: “Cám ơn cháu. Dù nghèo đói, không chốn nương thân, phải ăn xin nhưng lão không muốn nhận lấy sự bố thí của một kẻ hèn nhát”.

Nhìn bà cụ bỏ đi, anh chàng chán đời như bừng tỉnh.

Sự bừng tỉnh này, có thể là lúc người ta đã nhìn ra quy luật tự nhiên trong đời sống. Do không thể cưỡng lại được một khi đối mặt, cách tốt nhất hãy chấp nhận. Để từ đó, có suy nghĩ, nhận thức khác phù hợp hơn với những gì đang diễn ra. Nếu đã biết: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” thì sự việc đã xảy ra cũng là lẽ tất yếu. Thái độ tích cực đó, giúp ta thoát khỏi ám ảnh của “bóng ma” quá khứ để mạnh dạn lật sang một trang mới. Và bắt đầu, bước tới.

Kìa, “nắng xuân về trên muôn hoa, nắng xuân về tươi thắm mọi nhà”, sao ai đó lại còn chần chừ?

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 1 (Trang 87 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)