TÌM VUI TRONG BẬN RỘN

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 1 (Trang 73 - 76)

Khi bóng chiều đổ dài trên đường phố, liếc nhìn đồng hồ, có người lại thở dài, tặc lưỡi: “Lại về nhà”. Câu thơ của ông Tú Xương khái quát tâm trạng tẻ nhạt, thói quen lặp đi lặp lại: “Sáng vác ô đi, tối vác về”. Mỗi ngày, chẳng có gì mới mẻ hơn. Thức giấc, cuống cuồng phóng xe ra khỏi nhà; trưa, ăn vội, qua loa, rồi lại sấp ngửa chạy vào cơ quan. Chẳng mấy chốc, chiều xuống, tan sở lại quay trở về nhà, nếu cao hứng, tạt vào quán bia bù khú với bạn bè. Ngày nào cũng thế, tự dưng thấy chán.

Ba trăm sáu lăm ngày không gì mới.

“Hết ngày dài lại đêm thâu” cũng chỉ là công việc đã quen thuộc; bạn

bè lai rai bia bọt cũng một vài gương mặt cũ rích, cũng những câu chuyện cũ mốc, mỗi chiều đều gặp liệu còn có chuyện mới gì để “tám”? Quay trở về nhà, lại chán nốt. Cũng vợ, cũng con, cũng cái bàn, cái ghế, cái giường; các sinh hoạt nề nếp mỗi ngày vẫn lặp lại giống y chang. Rồi đi ngủ. Rồi sáng mai, thức giấc đi làm.

“Ôi! Nhân loại văn minh trí tuệ một cách kinh khủng. Tôi xin bái phục.

Làm sao có thể hiểu nổi cái văn minh bắt người ta làm việc khổ cực đến bạc đầu để kiếm ăn mà quên mất đi sự nghỉ ngơi, chơi bời”. Nhà văn trứ danh

Lâm Ngữ Đường đã thốt lên não nùng trong tác phẩm Sống đẹp.

Thử hỏi: Khoảng lặng sau công việc mỗi ngày, có thể nghỉ ngơi, chơi bời, vậy tại sao nhiều người không những không hứng thú mà còn thở dài, ngao ngán?

Tôi đồ rằng, do ngoài thời gian lao lực kiếm sống, hầu như họ không còn có thêm một đam mê nào khác. Mà đam mê ấy chính là thú vui tao nhã khiến họ “được” bận rộn như một cách thư giãn. “Nghề chơi cũng lắm công

phu”, nhưng kỳ diệu thay, sự “công phu” ấy khiến họ cảm thấy dù bận rộn

nhưng lại hào hứng, thích thú và cảm thấy thời gian trôi qua nhanh hơn.

Tùy theo sở thích, mỗi một người đều có quyền chọn cho mình một đam mê nào đó. Miễn không phiền lòng đến vợ/chồng, con cái và không đi ngược nếp sống chung của cộng đồng. Đam mê này giúp ta có thể tiếp cận với một thế giới khác, dù không “cao siêu”, tốn kém.

Anh bạn tôi, lúc rảnh rỗi thích lang thang trong các hiệu sách. Anh tâm tình: “Pétrarque - thi sĩ nước Ý nói rằng: “Tôi có bằng hữu đủ hạng người và

thuộc đủ các nước. Bạn không khi nào phiền nhiễu tôi, và một khi tôi hỏi han điều gì, vẫn có câu trả lời túc trực. Có bạn nhắc tôi những dĩ vãng êm đềm năm cũ, có bạn chỉ tôi những huyền diệu trong vũ trụ hiện thời. Có bạn dạy tôi sống cho phải đạo, có bạn dạy tôi chết cho phải cách. Trong những bước đời éo le bối rối, tôi đều có thể trông cậy vào bạn, người bạn quý ấy, chỉ cầu xin có một chỗ yên tĩnh, nhỏ gọn trong vuông phòng thanh nhã của tôi là đủ”.”

Những “người bạn” ấy đã giúp anh tìm thấy nhiều sự thông tuệ mới mẻ; rồi lúc tâm trạng không vui, anh “giết thời gian” bằng cách bao bọc bìa, dán lại gáy bị lỏng... như một cách đẩy sự phiền toái ra khỏi tâm trí.

Lại có người thích “chơi” tem. Từ hình ảnh trên tem, họ có thể mở mang thêm kiến thức về kiến trúc, động vật, di sản văn hóa, danh nhân... năm châu bốn biển. Có người thích nuôi cá, lúc mỏi mệt, ngồi lặng lẽ quan sát đàn cá tung tăng đủ sắc màu mà cảm thấy nhẹ lòng. Có người thích trồng cây, mỗi sáng thức dậy, mỗi chiều đi làm về đều không quên ghé mắt nhìn. Từ hạt giống nhỏ xíu, nay đã nhú lên mầm xanh, tự dưng trong lòng có sự chờ đợi với niềm vui nho nhỏ.

Tôi quen với vợ chồng người bạn nổi tiếng trong giới viết lách. Anh chị cưới nhau đã lâu nhưng không có con, bù lại, cả hai có chung sở thích sưu tập các bài báo theo từng chủ đề. Nhờ “đồng thanh tương ứng”, họ chung sống hạnh phúc. Lúc bè bạn tìm đến nhà, nhờ họ tra cứu giúp một vài tư liệu từ “công trình” đồ sộ đó, họ cảm thấy cuộc sống càng thêm ý nghĩa.

Tương tự, tôi còn quen đôi vợ chồng chính khách nọ, sinh hai gái, không có con trai. Ban đầu anh cũng muốn léng phéng “chân trong chân ngoài” nhằm “cải thiện” cho “có nếp có tẻ”, “có ngô có khoai” như người ta. Nhưng rồi anh nào dám vì biết sẽ phá hỏng hạnh phúc gìn giữ bấy lâu. Có người an ủi: “Anh tuổi Hợi, chi bằng anh sưu tập các con lợn, biết đâu con vật ngộ nghĩnh ấy giúp anh nguôi ngoai phần nào chăng?”. Anh làm theo. Không ngờ, lời khuyên đó khiến anh bận rộn hơn, không còn tốn thời gian lăn tăn như trước nữa. Với “gia tài” vài trăm chú ỉn đủ mọi chất liệu, kích cỡ khiến căn nhà anh như “bảo tàng” mi ni. Vợ con anh thích thú, nên thỉnh thoảng được khen ngợi là anh sung sướng phổng mũi.

Tôi nghĩ, với những thú vui này, do trải qua nhiều thời gian sưu tập, chăm sóc nên ta không sở hữu các vật dụng vô tri mà dành nhiều tình cảm, như đối xử với những người bạn... Có như thế, khi ngắm nhìn ta mới có thể

ngâm nga: “Nhãn tiền nhất tiếu giai tri kỷ/ Tọa thượng toàn vô ngại mục

nhân” (Trước mặt cười cười đều là bạn tri kỷ/ Bên cạnh không có người nào

chướng mắt mình). Chọn lối thư giãn trong tâm thế đó, há chẳng phải dưỡng chất của tâm hồn đó sao?

Mỗi một ngày, ngoài thời gian phải toàn tâm toàn ý kiếm tiền lo gia đình, ai cũng có một khoảnh khắc hoàn toàn của riêng mình. Nhưng nếu không biết cách tận hưởng, ta lại cảm thấy nhàm chán vì đã bị “lập trình” một cách máy móc. Dòng chảy xiết khốc liệt của thế giới công nghiệp hiện đại đã khiến nhiều người không chịu đựng nổi sự tẻ nhạt nên đã có sự lựa chọn bi đát. Đó là điều có thật. “Trên đời này chết là điều không mới/ Và tất nhiên,

sống cũng chẳng mới hơn”, với suy tư bi quan đó, thi sĩ Sergei Yesenin đã tự

kết thúc số phận thế nào, ta đã rõ.

Vậy thì, “làm mới” lại nhịp điệu cuộc sống là điều cần thiết, tất nhiên có nhiều cách, tùy theo sự lựa chọn của mỗi người. Cho phép tôi chia sẻ thêm: Nếu biết tạo ra sự “bận rộn” qua một hai thú vui tao nhã nhằm tiêu khiển, thư giãn cũng là một xu hướng tích cực... cho “sức khỏe tâm hồn”.

Một phần của tài liệu Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn: Phần 1 (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)