Sau một giấc ngủ dài, ngay lúc vừa thức dậy, việc đầu tiên là bật dậy khỏi giường. Rời khỏi phòng ngủ. Không chần chừ. Không nấn ná. Công việc của một ngày đã bắt đầu. Ai nấy cũng đều có cảm giác thời gian trôi qua rất nhanh. Vừa điểm tâm vừa thắt cà vạt; vừa ủi quần áo vừa thắt dây giày; vừa trang điểm vừa dỗ con ăn sáng; vừa phóng xe đến công sở vừa tranh thủ đưa con đến trường... Thời gian quay nhanh như chong chóng. Mà mọi việc đâu đã thu xếp xong.
Buổi sáng nào cũng thế. Bận rộn quá thể. Bận lắm. Vì thế, lúc mở mắt dậy, chẳng ai đủ kiên nhẫn nấn ná nằm lại trên giường chỉ một phút, một giây dù đang muốn. Chẳng ai cho phép mình mơn trớn thêm một chút nào nữa với chăn êm nệm ấm. Phải vùng dậy thôi. Lịch làm việc dài dằng dặc đã hiện ra trong óc với biết bao công việc phải làm trong ngày.
Thế mà, kỳ cục chưa, khi đọc tập sách nổi tiếng Sống đẹp của nhà văn
Lâm Ngữ Đường qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, ta lại thấy có một quan niệm khác. Theo ông, mỗi sáng thức dậy, không việc gì phải vội đến thế:“Lý
Lạp Ông trong thiên “Dương liễu” khuyên ta nên nằm trên giường nghe tiếng chim hót lúc bình minh. Sáng sớm tỉnh dậy nghe chim hót thì cảnh giới nào đẹp bằng nữa”.
Chà, buổi sáng nằm nán trên giường nghe tiếng chim hót kể ra không phải điều gì mới lạ. Nhưng rồi, đã mấy ai tận hưởng được lạc thú đó? Có phải đó cũng là một trong những nghệ thuật sống chậm trong đời sống của văn minh cơ giới đấy không? Hơn nữa, mấy ai đã nhìn ra một điều hiển nhiên như Lâm Ngữ Đường: “Khi nằm ở giường bắp thịt ta được nghỉ ngơi, mạch chạy
chậm hơn, đều hơn, các dây thần kinh thị giác, thính giác bình tĩnh hơn, nên ta thấy thoải mái, gần như có thể tập trung tinh thần một cách tuyệt đối vào các ý tưởng, các cảm giác. Vả lại chính lúc đó những giác quan của ta như khứu giác, thính giác mẫn tuệ nhất, cho nên phải nằm mà nghe âm nhạc thì mới thưởng hết được cái hay”.
Chính nhờ thế, đôi khi chỉ một khoảnh khắc thư giãn nhẹ nhàng trong buổi sáng, người ta phát hiện ra nhiều điều thú vị chung quanh. Nhà văn Lâm
Ngữ Đường hào hứng “khoe”: “Tôi còn nhớ cái vui lớn nhất của tôi suốt mùa
xuân năm nọ là được nghe tiếng chim hót của một loài chim giá cô (perdrix)”. Rồi ông phân tích âm giai của khúc giao duyên đã được nghe
trong một sáng yên lành.
Tự dưng, tôi thoáng nghĩ, đôi khi lạc thú trên đời chẳng phải tìm kiếm xa xôi nơi đâu, nó hiện diện đâu đó rất gần gũi mà tại sao lâu nay không biết đến? Không biết đến, chẳng qua ta không dành lấy một khoảng thời gian tĩnh mịch, trầm tư cho riêng mình. Thời gian vội vã cuốn người ta trôi theo dòng chảy mỗi ngày. Rồi sẽ đến lúc: “Mệt quá đôi chân này. Tìm đến chiếc ghế
nghỉ ngơi” (T.C.S). Có điều đơn giản như sống thì phải thở, đói thì ăn, mệt
thì nghỉ. Nhưng mấy khi ta dám nghỉ ngơi giữa một ngày tất bật, ồn ào, đua chen, náo nhiệt đang giăng lưới vây bủa trong từng khoảnh khắc? Có những lúc đã mỏi mệt đứ đừ với công việc, phải tính toán căng mắt với từng con số, phải tranh cãi chí chóe về kế hoạch này nọ, vậy mà ta có dám nghỉ ngơi, xả hơi một chút hay cứ tiếp tục gắng thêm, cố gắng thêm một chút nữa? Than ôi, cái sự bận rộn ấy cũng có thể do chính ta tự tạo ra đấy thôi.
Không có gì phải vội. Nếu vội làm sao có thể tìm thấy lạc thú ở trên đời?
Để có một tình yêu, tôi trồng một cây xanh
Để có một cây xanh, tôi gieo vào lòng tôi một hạt mầm hy vọng.
Hình ảnh tốt tươi nhất của nhiều người, có lẽ là những lúc ngay tại mảnh đất nho nhỏ trước nhà, họ gieo một hạt giống, ngày ngày tưới nước và mong ngóng, chờ đợi hạt mầm sẽ nhú lên. Chờ đợi ấy đem lại niềm vui nho nhỏ trong sự nhẫn nại, niềm hy vọng và mở ra nhiều điều kỳ diệu của trí tưởng tượng. Rằng ngày mai, từ khoảnh sân nhà mình sẽ mọc lên một cây xanh, bóng mát rợp một khoảng trời. Chỉ nghĩ đến thế, đã thấy rạo rực một niềm vui.
Trong cái đời sống của một công chức mẫn cán, đôi lúc tôi đã quên hẳn đi một góc vườn nhỏ nhoi đã từng hằn vết trong trí nhớ. Sung sướng nhất của ngày tuổi nhỏ, với tôi là những buổi trưa trốn ngủ, lấm lét nhìn trước ngó sau rồi chạy vụt ra ngoài vườn. Vườn nhà ông ngoại tôi có cây ổi, cây đào, hồ cá, những chậu hoa hồng và những vạt cỏ non. Một góc vườn nhỏ nhoi, tôi đã ngồi làm thơ trong tháng ngày hoa niên. Tuổi thơ tôi là cả một vòm thiên nhiên ùa vào mắt trong mỗi ngày. Thức dậy sớm, đi học bao giờ tôi cũng nghe tiếng chim ríu ran trên vòm xanh. Cây cối đã trở nên thân thiện, đã là những “người bạn”. Mỗi chiều đi học về, tưới cây, và ngắm nhìn từng búp nõn biếc xanh, từng nụ hồng khoe sắc.
Rồi một ngày kia, ông ngoại tôi mất. Biết ông yêu quý cây, lũ nhóc chúng tôi lấy vải trắng quấn quanh mỗi thân cây. Cây để tang cho người. Có một điều kỳ lạ, sau đó, dần dần các cây hồng, cúc, thược dược, huệ... đều héo úa. Lá rụng dần. Hoa rũ cánh. Người đi, hoa cũng đi theo. Giữa người và hoa có chung một nỗi niềm gì chăng? Từ đó, tôi nghĩ vu vơ rằng, cây cối quanh ta cũng có linh hồn, có những buồn vui như con người đấy thôi. Có điều ta đủ tinh tế để nhận ra từng “tiếng nói” xào xạc, thầm thì mỗi ngày? Góc vườn quạnh hiu ấy, luôn gợi trong tôi một dĩ vãng êm đềm. Vào lúc tuổi đã sắp già mới thấy yêu, thấy thấm thía câu thơ của Hồ Dzếnh:
Đừng mong ước cả thiên đường Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa
Bây giờ, sống giữa Sài Gòn tấp nập. Sợ nhất là lô cốt chắn ngang đường. Có đôi lúc, tôi nhẫn nhục nhích từng vòng bánh xe lăn. Rã rời, mệt mỏi đến vô cảm. Thần xác như vô hồn. Không một buồn vui gì, chỉ chăm chú nhích từng bước giữa tiếng động cơ gầm rú, bụi khói mịt mù.
Mỗi một ngày tôi lại ra đi Lô cốt lô cốt lô cốt
Kèn xe cấp cứu rú nghiêng trời Tôi bất lực đứng yên như tượng đá Cỏ dại cũng mồ côi...
Về đến nhà, tôi đâm ra hoảng. Chẳng lẽ, mình cứ lao ra đường mỗi ngày rồi lại trở về nhà với một tâm thế như người máy? Thế còn thơ? Còn cảm xúc? Còn đâu những lúc ngồi tĩnh lặng nhìn mây trắng phiêu lãng trên vòm xanh, tự tình với câu thơ vừa vụt đến trong trí nhớ?
Rồi một ngày kia, bất ngờ, tôi tìm được cho mình một quán cà phê ở trên trời, nơi ấy mọc rất nhiều cỏ. Gọi “trên trời” đơn giản vì muốn lên chốn ấy, tôi phải bước những nhịp cầu thang để được phóng một tầm mắt. Quán cà phê này là mặt sau của một khách sạn nổi tiếng. Lên những bậc cầu thang, trước mặt tôi, từ phía xa xa kia là bức tường bằng gương xanh đậm của một cao ốc. Phía sau lưng tôi cũng là một bức tường, nhưng xám xịt, loang lổ xi măng trơ gan cùng tuế nguyệt của một chung cư đã xuống cấp. Hai hình ảnh trái ngược ấy khiến tôi thấy mình vừa gần và vừa xa Sài Gòn.
Ngồi với tôi, nàng nói: “Anh à, em rất yêu Sài Gòn”. Tôi cũng vậy. Trên bàn là những lọ hoa nhỏ. Bông hoa nhỏ xíu nhiều sắc màu rực rỡ. Gió từ phía sông Sài Gòn thổi lên nhè nhẹ. Và âm nhạc. “Mệt quá đôi chân này. Tìm đến
chiếc ghế nghỉ ngơi”. Nghỉ ngơi đi chứ. Vâng, chỉ có những lúc ấy, tôi mới
cạnh mình. Không biết, tại sao lúc ấy, lúc này và lúc nào nhìn cây chuối ấy, trong tôi lại nhớ đến những câu thơ của thi hào Nguyễn Trãi. Người xưa tinh tế biết bao chừng, khi hạ bút:
Tình thư một bức phong còn kín, Gió nơi đâu, gượng mở xem.
Thư tình viết trên tàu lá chuối, từng câu còn xanh, còn thơm, còn hương, có nồng nàn yêu nhớ. Người run rẩy. Người rụt rè không dám mở. Người chờ gió xuân nhẹ nhàng đến đặng “mở xem”... Tôi lặng lẽ, bồi hồi nhìn tàu lá
chuối nõn và bỗng nhiên tâm hồn mình chùng xuống, như vừa được cởi rũ những bụi bặm nhỏ nhen mà lâu nay mình cứ đánh đu theo ngày tháng. Tàu lá chuối xanh vô tội giữa một không gian riêng ở Sài Gòn đã khiến tôi nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm như khi nghe: “Anh ạ, em rất yêu Sài Gòn”. Sực nhớ nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Không những thế,
ngay cả khi ta chọn cho mình một chỗ ngồi, dần dà nơi ấy cũng sẽ đồng điệu với tâm hồn mình.
Thật phúc cho những ai, lúc mệt mỏi, còn biết, còn có tìm đến một nơi chốn để nghỉ ngơi, dẫu chỉ là trong chốc lát.