Cho đến nay, qua khảo sát của một vài tác giả như: Trần Văn Thuận (2008), Nguyễn Thị Thu Liên (2009), Nguyễn Thị Như Quỳnh (2015), Phạm Thị Minh Hồng (2016) về thực trạng kế toán TSCĐ hữu hình tại các doanh nghiệp Việt Nam cùng với việc theo dõi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp công bố đã cho thấy một số tồn tại cũng như kết quả đạt được trong quá trình thực hiện kế toán TSCĐ hữu hình của các doanh nghiệp Việt Nam như sau:
❖ Một số kết quả đạt được
- Về ghi nhận TSCĐ hữu hình: Với các tiêu chuẩn về ghi nhận TSCĐ theo chế độ kế toán hiện hành là
+ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
+ Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;
+ Nguyên giá phải được xác định một cách đáng tin cậy + Có giá trị từ 30.000.000 (ba mươi triệu đồng) trở lên.
Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam không gặp khó khăn với các tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị tối thiểu.
- Về khấu hao TSCĐ hữu hình: Việc chế độ kế toán đưa ra 3 phương pháp khấu hao để doanh nghiệp lựa chọn đã tạo ra sự linh hoạt cho các doanh nghiệp, giúp họ dễ dàng tìm được phương pháp khấu hao phù hợp nhất.
- Về tuân thủ chuẩn mực: Các doanh nghiệp tuân thủ khá nghiêm túc chuẩn mực kế toán TSCĐ hữu hình, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới liên quan đến TSCĐ hữu hình. Doanh nghiệp cũng đã vận dụng linh hoạt chế độ kế toán về TSCĐ hữu hình.
❖ Những tồn tại trong việc áp dụng và thông tin kế toán về TSCĐ hữu hình
của doanh nghiệp
- Về ghi nhận giá trị: Trong các tiêu chuẩn về xác định TSCĐ thì doanh nghiệp còn hiểu và áp dụng về tiêu chuẩn “nguyên giá được xác định một cách đáng tin cậy” và “lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó” còn khá mơ hồ.
về tiêu chuẩn “nguyên giá được xác định một cách đáng tin cậy”: cơ sở để tạo sự tin cậy khi xác định nguyên giá là một hồ sơ đầy đủ các hóa đơn chứng liên quan đến sự hình thành và đưa tài sản vào sử dụng. Nhìn chung, với TSCĐ hữu hình được mua mới thì không gặp vấn đề gì với bộ chứng từ này. Khó khăn thường chỉ phát sinh đối với các doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn khi sử dụng chính tài sản của mình để góp vốn nhưng thiếu các giấy tờ chứng minh nguồn gốc và làm cơ sở để xác định nguyên giá. Khi góp vốn vào công ty bằng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng với các công trình xây dựng trên đó như nhà xưởng, văn phòng thì khó có giấy tờ nào chứng nhận.
Về tiêu chuẩn “lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó”, chế độ kế toán quy định lợi ích này phải được tạo ra trong quá tình sử dụng TSCĐ hữu hình đó cho việc sản xuất, kinh doanh hoặc cho mục đích quản lý khác chứ không đem lại từ việc cho thuê hay chờ tăng giá để bán như bất động sản đầu tư. Tuy nhiên, do sự khác biệt giữa TSCĐ hữu hình và bất động sản đầu tư chỉ nằm ở mục đích sử dụng nên khi doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng thì một TSCĐ hữu hình có thể dễ trở thành bất động sản đầu tư và ngược lại. Do vậy, ở một số doanh nghiệp đã có tình trạng có nhà cửa cho thuê nhưng không tách thành bất động sản đầu tư hoặc quyết định bán nhà văn phòng do được trả giá cao nhưng vẫn tính là hoạt động nhượng bán TSCĐ hữu hình.
- về ghi nhận giảm giá trị tài sản: hiện nay, kế toán TSCĐ hữu hình theo chuẩn mực kế toán Việt Nam đang thực hiện theo mô hình giá gốc, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp không phản ánh được chính xác giá trị thực tế của TSCĐ. Chuẩn mực kế toán Việt Nam không tính đến sự giảm giá trị của TSCĐ hữu hình bởi không tính đến các biến động khách quan bên ngoài doanh nghiệp (thị trường tài sản, lạm phát...) cũng như các biến động bên trong doanh nghiệp (TSCĐ bị hỏng không sử dụng được, sự thay đổi trong cách thức sử dụng).
- Về định giá lại TSCĐ hữu hình: chuẩn mực kế toán Việt Nam khẳng định việc định giá lại theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của các
48
tác giả trên chỉ ra rằng, hầu hết các doanh nghiệp cảm thấy lúng túng khi thực hiện định giá lại TSCĐ hữu hình. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng chỉ tiến hành khi có yêu cầu của Bộ chủ quản hoặc khi có quy định của Nhà nước. Một số doanh nghiệp có tiến hành định giá lại hàng năm nhưng lại không đưa ra được căn cứ sử dụng cũng như quy trình thực hiện định giá lại TSCĐ hữu hình. Lý do chủ yếu mà các doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho tình trạng này là do Nhà nước chưa có những quy định thống nhất và hướng dẫn cụ thể cho việc định giá lại. Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất thoát lớn về tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa mà các phương tiện truyền thông nhiều lần
đề cập đến.