Vậy thì nguyên tắc xếp hàng sẽ thế nào? Tại sao chúng ta lại tìm cách ngăn chặn việc xếp hàng thuê hoặc đầu cơ vé ở Central Park và Đồi Capitol? Phát ngôn viên sự kiện Shakespeare ở Central Park giải thích như sau: “Họ đang chiếm chỗ, chiếm vé của những người muốn có mặt và hào hứng xem kịch Shakespeare trong công viên. Chúng tôi muốn mọi người được thưởng thức sự kiện này miễn phí” [55].
Ý thứ nhất trong lập luận của anh này sai. Người xếp hàng thuê không hề gây ảnh hưởng đến số lượng người được xem kịch mà chỉ tác động đến ai là người được xem. Như phát ngôn viên sự kiện Shakespeare nói, đúng là người xếp hàng thuê đã lấy đi tấm vé của những người đứng xếp hàng sau họ, những người thật sự muốn xem kịch. Nhưng người cuối cùng nhận được những tấm vé đó cũng hào hứng muốn xem kịch như vậy. Cho nên họ mới bỏ ra 125 dollar để thuê người xếp hàng lấy vé.
Có lẽ điều mà anh chàng phát ngôn viên muốn nói là việc đầu cơ vé là không công bằng với những người không thể chi số tiền 125 dollar. Hành vi đầu cơ vé đã đẩy những người bình thường vào tình thế bất lợi, khiến họ khó nhận được vé xem kịch hơn. Lập luận này hợp lý hơn ý trên. Khi người xếp hàng thuê hoặc người đầu cơ kiếm được một tấm vé thì tức là một ai đó xếp hàng sau anh ta bị loại khỏi ghế khán giả - người bị loại không thể có đủ tiền để mua vé với giá đầu cơ.
Những người ủng hộ thị trường tự do có thể phản hồi như sau: Nếu nhà hát kịch thực sự muốn khán phòng chỉ dành cho những người muốn xem kịch và sự hài lòng mà vở kịch đem lại đạt mức tối đa thì nhà hát nên mong muốn tấm vé xem kịch phải đến được với người nào đánh giá nó cao nhất. Và hẳn họ phải là những người trả nhiều tiền nhất để có vé. Vì vậy, cách tốt nhất để khán phòng có những khán giả thấy hài lòng nhất về vở kịch là hãy để thị trường tự do hoạt động – có thể bằng cách bán vé với bất cứ mức giá nào mà người mua chấp nhận, hoặc cho phép người xếp hàng thuê và người đầu cơ bán vé cho người trả giá cao nhất. Bán vé cho người sẵn lòng trả giá cao nhất chính là cách tốt nhất để xác định xem ai là người đánh giá buổi
diễn kịch Shakespeare cao nhất.
Nhưng lập luận này không thuyết phục. Kể cả khi mục tiêu là tối đa hóa phúc lợi xã hội thì thị trường tự do chưa chắc đã làm việc đó một cách đáng tin cậy bằng để người mua xếp hàng. Lý do là mức sẵn lòng chi trả cho một hàng hóa không cho ta thấy ai là người đánh giá hàng hóa ấy cao nhất và giá cả thị trường phản ánh cả khả năng chi trả lẫn mức sẵn lòng chi trả. Những người muốn xem kịch Shakespeare nhất hoặc xem Red Sox [56] thi đấu nhất có thể lại không đủ tiền mua vé. Và trong một số trường hợp, người trả giá cao nhất có khi lại không hề đánh giá cao sản phẩm, dịch vụ mình định mua.
Ví dụ, tôi nhận thấy những người ngồi ghế hạng đắt tiền ở sân bóng lại thường đến muộn và về sớm, làm tôi phải tự hỏi họ thích bóng chày đến mức nào. Việc họ đủ tiền mua chỗ ngồi ngay sau căn cứ (base) đội nhà có lẽ chỉ chứng tỏ sức nặng túi tiền của họ chứ không phải niềm đam mê họ dành cho bóng chày. Rõ ràng họ không hâm mộ bóng chày bằng một số người khác, đặc biệt là thanh niên, những người không có khả năng mua vé ghế lô riêng, nhưng có thể đọc cho bạn tỷ lệ đánh bóng ghi điểm của từng cầu thủ trong đội hình chính thức khi bắt đầu trận đấu.
Điều này là bình thường, thậm chí ai cũng thấy. Nhưng nó khiến người ta nghi ngờ lời khẳng định của các nhà kinh tế học rằng thị trường luôn làm tốt việc phân bổ hàng hóa cho người đánh giá hàng hóa cao nhất, tốt hơn so với khi bắt người mua xếp hàng. Trong một số trường hợp, so với việc sẵn lòng chi trả, việc sẵn lòng xếp hàng – với người mua vé xem kịch hoặc xem bóng chày – lại là dấu hiệu rõ ràng hơn cho thấy ai là người thực sự muốn đến nhà hát hoặc sân đấu.
Những người bảo vệ nhóm đầu cơ vé phàn nàn rằng xếp hàng là hành vi “phân biệt đối xử với ưu đãi dành cho những người có nhiều thời gian rảnh nhất” [57]. Họ nói đúng, nhưng chỉ khi câu nói sau đây cũng đúng: thị trường “phân biệt đối xử” với ưu đãi dành cho những người có nhiều tiền nhất. Trong khi thị trường phân bổ hàng hóa dựa trên khả năng và mức sẵn lòng chi trả thì việc xếp hàng sẽ dẫn đến hàng hóa được phân bổ dựa trên khả năng và mức sẵn lòng chờ đợi. Và không có lý do gì cho rằng mức sẵn lòng chi trả cho hàng hóa lại là tiêu chí tốt hơn mức sẵn lòng chờ đợi khi đo giá trị của hàng hóa đối với một người.
Do đó, quan điểm vị lợi coi trọng thị trường hơn xếp hàng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đôi khi thị trường phân bổ được hàng hóa cho người đánh giá hàng hóa cao nhất, nhưng đôi khi xếp hàng lại làm việc ấy tốt hơn. Trong bất kỳ tình huống nào, muốn đánh giá thị trường hay xếp hàng tốt hơn thì đều phải làm thực nghiệm chứ không thể đoán định trước câu trả lời chỉ bằng lập luận trên lý thuyết.