Quá trình lấn át này diễn ra như thế nào? Các giá trị thị trường làm xói mòn, hủy hoại hoặc thay thế các giá trị phi thị trường ra sao? Logic kinh tế học truyền thống cho rằng thị trường hóa một hàng hóa – tức là đem nó ra mua bán – không làm thay đổi tính chất của nó. Giao dịch mua bán trên thị trường làm tăng hiệu quả kinh tế mà không ảnh hưởng gì đến bản thân hàng hóa. Đó là lý do tại sao các nhà kinh tế học thường đồng tình với việc áp dụng công cụ tài chính để khuyến khích hành vi có lợi; đầu cơ vé của những sự kiện được đánh giá cao như hòa nhạc, thi đấu thể thao, hay thậm chí lễ mixa; sử dụng hạn mức có thể mua bán để phân phối quyền phát thải, số người tị nạn hay việc sinh con; tặng tiền thay vì tặng quà; dùng thị trường để xóa đi khoảng cách chênh lệch giữa cung và cầu của mọi loại hàng hóa, kể cả thận người. Giao dịch trên thị trường sẽ giúp cả người mua và người bán có lợi hơn mà không làm ai bị ảnh hưởng – nếu ta giả định rằng các mối quan hệ thị trường và thái độ mà nó cổ vũ không làm suy giảm giá trị của hàng hóa được đem ra trao đổi.
Nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ giả định nói trên. Chúng ta đã xem một loạt ví dụ minh họa điều đó. Khi thị trường vươn tới những khía cạnh của cuộc sống vốn bị chi phối bởi những chuẩn mực phi thị trường thì nhận định cho rằng thị trường không làm ảnh hưởng xấu đến hàng hóa được trao đổi đang trở nên không hợp lý. Có ngày càng nhiều nghiên cứu khẳng định một điều mà nhiều người cũng nhận thấy: công cụ tài chính và các cơ chế thị trường khác có thể có tác dụng ngược khi chúng lấn át các giá trị phi thị trường. Đôi khi, trả tiền để khuyến khích một hành vi lại khiến hành vi ấy ít xuất hiện hơn.