Rất nhiều nhà kinh tế học giờ đây đã nhận thấy thị trường có thay đổi đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ mà nó chi phối. Gần đây, một trong những người đầu tiên quan tâm đến hiệu ứng xói mòn mà thị trường gây ra đối với các chuẩn mực phi thị trường là Fred Hirsch – nhà kinh tế học người Anh, cố vấn cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Trong cuốn sách xuất bản năm 1976 – cũng là năm cuốn sách rất có ảnh hưởng Cách tiếp cận kinh tế đối với hành vi của con người của Gary Becker được xuất bản, và ba năm trước khi Margaret Thatcher được bầu làm Thủ tướng Anh – Hirsch đã lật lại giả định cho rằng giá trị của hàng hóa không thay đổi, bất kể nó được cung cấp bởi thị trường hay hình thức nào khác.
Hirsch cho rằng kinh tế học chính thống đã không nhận thấy cái mà ông gọi là “hiệu ứng thương mại hóa”. Cụm từ này nghĩa là “ảnh hưởng lên đặc tính của một sản phẩm hay việc cung ứng nó hoàn toàn hoặc đa phần là do yếu tố thương mại gây ra, chứ không phải các nguyên nhân khác như mua bán phi chính thức, nghĩa vụ hai bên, sự vị tha, tình yêu, mong muốn được phục vụ người khác”. “Giả định thông thường – vốn luôn được ngầm định – là quá trình thương mại hóa một sản phẩm không làm ảnh hưởng đến nó”. Hirsch quan sát thấy giả định sai lầm này ngày càng phổ biến khi “kinh tế ngày càng thống trị”, với những nỗ lực của Becker và nhiều người khác nhằm đưa logic kinh tế vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và chính trị
[170].
Hai năm sau, Hirsch qua đời ở tuổi 47, nên ông không có cơ hội phát triển luận điểm phê phán kinh tế học chính thống của mình. Trong các thập niên sau đó, cuốn sách của ông trở thành một “tiểu kinh điển” đối với những người phản đối quá trình thương mại hóa đời sống cũng như lập luận kinh tế ủng hộ nó. Ba ví dụ chúng ta đưa ra ở trên đã minh chứng cho tư tưởng của Hirsch – rằng việc áp dụng công cụ khuyến khích bằng tiền và cơ chế thị trường có thể thay đổi thái độ của con người và lấn át các giá trị phi thị trường. Gần đây, các nhà kinh tế học thực nghiệm khác cũng tìm thêm được bằng chứng của sự tồn tại của hiệu ứng thương mại hóa.
Ví dụ, Dan Ariely, thuộc đội ngũ những nhà kinh tế học hành vi ngày càng đông hiện nay, đã tiến hành một loại thí nghiệm để chứng minh rằng trả tiền cho mọi người để họ làm việc gì đó lại khiến họ không nỗ lực bằng khi đề nghị họ làm và không trả tiền, nhất là với những việc tốt. Ông kể lại một chuyện thực minh họa kết luận của mình. Hiệp hội Hưu trí Mỹ hỏi một nhóm luật sư liệu họ có sẵn lòng cung cấp dịch vụ cho người về hưu khi cần với mức giá “khuyến mại” là 30 dollar một giờ không. Các luật sư từ chối. Sau đó Hiệp hội lại đề nghị các luật sư giúp người về hưu miễn phí. Lần này các luật sư đồng ý. Khi rõ ràng họ được mời tham gia một hoạt động thiện nguyện chứ không phải một giao dịch trên thị trường thì họ cũng thể hiện thái độ thiện nguyện [171].
Ngày càng nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý xã hội đã đưa ra cách giải thích cho hiệu ứng thương mại hóa. Những nghiên cứu này nhấn mạnh sự khác biệt giữa động cơ bên trong (như niềm tin đạo đức hoặc lòng yêu thích công việc) và động cơ bên ngoài (tiền hoặc các phần thưởng hữu hình khác). Khi con người tham gia vào một công việc mà họ cho là đáng làm thì việc trả tiền có thể làm giảm động lực làm việc của họ vì trả tiền sẽ làm xói mòn hoặc “lấn át” lòng yêu thích hoặc niềm tin mà họ dành cho công việc đó
[172].
Theo lý thuyết kinh tế chính thống, mọi động cơ – bất kể đặc điểm hay nguồn gốc của chúng là gì – đều được phân tích trên nguyên lý sự ưa thích và được giả định chúng bổ sung lẫn nhau. Nhưng cách phân tích này đã bỏ qua tác động xói mòn của đồng tiền. Hiện tượng lấn át có ý nghĩa rất lớn lên lý thuyết kinh tế học. Nó đặt ra câu hỏi liệu có nên sử dụng cơ chế thị trường và lập luận thị trường trong nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có công cụ khuyến khích bằng tiền để tạo động lực trong giáo dục, y tế, nơi làm việc, hiệp hội tình nguyện, trách nhiệm công dân và các tình huống mà động cơ bên trong lẫn niềm tin đạo đức đóng vai trò quan trọng hay không. Bruno Frey (tác giả nghiên cứu về chọn địa điểm đặt bãi thải hạt nhân ở Thụy Sỹ) và nhà kinh tế học Reto Jegen đã tóm tắt như sau: “Người ta có thể cho rằng ‘hiệu ứng lấn át’ là một trong những điểm bất thường quan trọng nhất trong kinh tế học, vì nó đem lại kết quả trái ngược với những ‘định luật’ kinh tế cơ bản nhất nói rằng công cụ khuyến khích bằng tiền làm tăng cung. Nếu hiệu
ứng lấn át xảy ra, việc sử dụng công cụ khuyến khích bằng tiền sẽ làm giảm chứ không phải tăng cung hàng hóa” [173].
BÁN MÁU
Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất minh họa cho việc thị trường lấn át các chuẩn mực phi thị trường là nghiên cứu kinh điển về hiến máu nhân đạo của nhà xã hội học người Anh Richard Titmuss. Trong cuốn sách xuất bản năm 1970 có tên Mối quan hệ cho nhận (The Gift Relationship), Titmuss đã so sánh hệ thống thu gom máu của Anh, nơi toàn bộ máu dùng để truyền là do người tình nguyện hiến tặng, với hệ thống của Mỹ, nơi một phần máu dùng để truyền là do người tình nguyện hiến tặng, phần khác là do có những người bán máu để kiếm tiền. Titmuss đưa ra lập luận ủng hộ hệ thống của Anh và phản đói việc coi máu là hàng hóa để mua bán trên thị trường.
Titmuss đưa ra một loạt dữ liệu chứng minh rằng xét về mặt kinh tế và thực tiễn, hệ thống thu gom máu của Anh tốt hơn hệ thống của Mỹ. Mặc dù thị trường được coi là hiệu quả, nhưng hệ thống của Mỹ thường dẫn đến hậu quả là thiếu máu thường xuyên, lãng phí máu, chi phí cao và rủi ro máu bị nhiễm độc cao [174]. Đồng thời Titmuss cũng đưa ra lập luận đạo đức phản đối việc mua bán máu.
Lập luận đạo đức của Titmuss phản đối việc thương mại hóa máu đã minh họa cho hai lập luận phản đối thị trường mà chúng ta đã thảo luận trước đây – lập luận liên quan đến tính công bằng và về tham nhũng. Ông cho rằng thị trường máu chỉ khai thác người nghèo (lập luận liên quan đến tính công bằng). Ông quan sát thấy các ngân hàng máu hoạt động vì lợi nhuận của Mỹ chủ yếu lấy máu từ những người vô gia cư đang rất cần tiền. Việc thương mại hóa máu dẫn đến đa phần máu ở đây là “do những người nghèo, người có trình độ thấp, người thất nghiệp, người da đen và những người có thu nhập thấp khác cung cấp”. Ông viết: một “tầng lớp mới đang xuất hiện trong nhóm dân cư bị khai thác máu, đó là những người có khả năng bán nhiều máu”. Hiện tượng tái phân phối máu “từ người nghèo sang người giàu đang là một trong những ảnh hưởng lớn mà hệ thống ngân hàng máu của Mỹ gây ra” [175].
Nhưng Titmuss còn phản đối vì một lý do khác nữa: biến máu thành hàng hóa trên thị trường đã làm xói món nhận thức của người dân về nghĩa vụ
hiến máu, làm mất dần tinh thần vị tha và làm suy giảm “mối quan hệ cho nhận” – một đặc điểm quan trọng trong đời sống xã hội (lập luận phản đối liên quan đến tham nhũng). Khi xem xét trường hợp nước Mỹ, ông phàn nàn về “tình trạng hiến máu giảm đi trong những năm gần đây” và cho rằng nguyên nhân là sự phát triển các ngân hàng máu thương mại. “Thương mại hóa và lợi nhuận từ kinh doanh máu đã làm mất đi tinh thần tự nguyện hiến máu”. Theo Titmuss, một khi con người bắt đầu coi máu là hàng hóa thường được đem ra mua bán thì họ dần không còn cảm giác hiến máu là một trách nhiệm đạo đức phải làm. Ở đây, ông muốn nhắc đến hiệu ứng lấn át mà mối quan hệ thị trường gây ra đối với các chuẩn mực phi thị trường cho dù ông không dùng chính xác cụm từ kia. Việc mua bán máu diễn ra phổ biến đã làm mất đi ý nghĩa đạo đức của việc hiến máu [176].
Titmuss lo ngại không chỉ về tinh thần tình nguyện hiến máu mà cả về hậu quả đạo đức nói chung. Ngoài ảnh hưởng tiêu cực lên chất và lượng máu được cung cấp, tinh thần cho tặng giảm sút sẽ góp phần tạo ra đời sống đạo đức và xã hội nghèo nàn. “Dường như tình trạng mất đi lòng vị tha trong khía cạnh này của đời sống con người sẽ đi cùng với sự thay đổi tương tự trong thái độ, động cơ và mối quan hệ trong khía cạnh khác” [177].
Hệ thống dựa vào thị trường không cản trở bất cứ ai muốn hiến máu, nhưng các giá trị thị trường chi phối hệ thống đã gây ra hiệu ứng xói mòn lên sự cho tặng. “Cách thức xã hội tổ chức, cấu trúc các thể chế xã hội, đặc biệt là hệ thống y tế và phúc lợi, có thể khuyến khích hoặc cản trở tình vị tha trong con người. Những hệ thống này có thể tạo ra hợp tác hoặc bất hòa, có thể cho phép ‘tinh thần cho tặng’ – sự hào phóng với người lạ – được lan tỏa bên trong và giữa các cộng đồng xã hội, các thế hệ với nhau”. Titmuss sợ rằng đến một lúc nào đó, xã hội theo định hướng thị trường sẽ lạnh nhạt với lòng vị tha đến mức có thể cho rằng chúng làm mọi người không còn tự do cho tặng nhau nữa. Titmuss kết luận, việc “thương mại hóa máu và mối quan hệ hiến máu tình nguyện khiến con người không còn thể hiện được lòng vị tha” và làm “xói mòn tinh thần cộng đồng” [178].
Cuốn sách của Titmuss gây ra rất nhiều tranh cãi. Trong số những người phản đối có Kenneth Arrow, một trong những nhà kinh tế học Mỹ lớn nhất vào thời đại của ông. Arrow không phải người ủng hộ thị trường tự do như
Milton Friedman. Trong những nghiên cứu đầu tiên, ông đã phân tích khiếm khuyết của thị trường trong lĩnh vực y tế. Nhưng ông đặc biệt phản đối lập luận của Titmuss phê phán kinh tế học và tư duy thị trường [179]. Arrow đã sử dụng đến hai nguyên lý cơ bản của niềm tin vào thị trường, đó là hai giả định về bản chất của con người và đời sống đạo đức mà các nhà kinh tế học thường khẳng định nhưng rất ít khi chứng minh.