NGÀY QUYÊN GÓP VÀ ĐÓN CON MUỘN

Một phần của tài liệu Tiền không mua được gì: Phần 1 (Trang 127 - 130)

Công cụ khuyến khích bằng tiền còn lấn át tinh thần vì cộng đồng trong những tình huống ít liên quan đến số phận hơn so với ví dụ về bãi thải hạt nhân. Mỗi năm, vào “ngày quyên góp”, các học sinh trung học ở Israel lại đến từng nhà để quyên góp tiền cho những mục đích tốt như nghiên cứu chống bệnh ung thư, hỗ trợ trẻ em khuyết tật, v.v... Hai nhà kinh tế học đã tiến hành thí nghiệm để xem công cụ khuyến khích bằng tiền có ảnh hưởng lên động cơ đi quyên góp của các em học sinh như thế nào.

Hai ông chia các em học sinh thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất được nghe một bài diễn văn động viên ngắn gọn về tầm quan trọng của mục tiêu quyên góp, sau đó các em lên đường đi quyên tiền. Hai nhóm còn lại cũng được nghe bài diễn văn tương tự, ngoài ra các em sẽ được thưởng tiền dựa trên số tiền quyên góp được. Nhóm thứ hai được 1%, còn nhóm thứ ba được 10%. Tiền thưởng không lấy từ số tiền quyên góp mà từ nguồn khác [166].

Bạn đoán nhóm nào sẽ quyên được nhiều tiền nhất? Nếu bạn trả lời là nhóm thứ nhất thì bạn đúng. Số tiền mà nhóm học sinh không được thưởng tiền quyên được nhiều gấp rưỡi nhóm được thưởng 1%. Nhóm được thưởng 10% quyên được nhiều tiền hơn nhóm được thưởng 1%, nhưng không nhiều bằng nhóm không được thưởng tiền. (So với nhóm thứ ba này, nhóm thứ nhất quyên được số tiền nhiều hơn 9%) [167].

Ý nghĩa đạo đức của câu chuyện này là gì? Các tác giả của nghiên cứu đã kết luận như sau: nếu bạn muốn dùng tiền để khuyến khích, tạo động cơ cho người khác, bạn nên “trả tiền cho đủ, hoặc đừng trả gì hết” [168]. Đúng là nếu trả đủ tiền thì bạn sẽ có cái bạn muốn, nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Đây cũng là một bài học cho thấy tiền đã lấn át giá trị như thế nào. Ở một mức độ nào đó, thí nghiệm của hai nhà kinh tế học đã khẳng định thêm giả định quen thuộc cho rằng tiền có thể tạo động lực. Nói cho cùng, nhóm học sinh được thưởng 10% đã quyên được nhiều tiền hơn nhóm học sinh được thưởng chỉ 1%. Nhưng câu hỏi thú vị đặt ra là tại sao cả hai nhóm được thưởng tiền đều quyên được ít tiền hơn nhóm không được thưởng. Chủ yếu là vì khi ta trả tiền để các em học sinh làm việc tốt, ta đã thay đổi tính

chất của việc ấy. Đến tận nhà mọi người để quyên góp tiền từ thiện không còn là thực hiện trách nhiệm công dân mà trở thành cách kiếm tiền thì đúng hơn. Động cơ kinh tế đã biến một hoạt động vì cộng đồng thành một công việc để có thu nhập. Các học sinh người Israel đã gặp phải tình trạng giống như người dân làng ở Thụy Sỹ: các chuẩn mực thị trường đã thay thế, hay ít nhất cũng làm xói mòn cam kết về đạo đức và trách nhiệm công dân của họ.

Một thí nghiệm khác cũng của hai nhà kinh tế học cho thấy bài học tương tự. Lần này họ thí nghiệm với một nhà trẻ ở Israel. Như chúng ta đã biết, chính sách phạt tiền với các vị phụ huynh đến đón con muộn đã không những không làm giảm mà còn làm tăng số phụ huynh đón con muộn. Số lượt đón con muộn thực tế đã tăng gần gấp đôi. Các vị phụ huynh coi tiền phạt như một khoản phí mà họ sẵn lòng chi trả. Mà không chỉ có vậy. Sau khoảng mười hai tuần, khi nhà trẻ bỏ khoản tiền phạt đi thì tỷ lệ phụ huynh đón con muộn vẫn không giảm. Một khi nghĩa vụ đón con đúng giờ đã bị xói mòn bởi công cụ bằng tiền thì thật khó tìm lại được ý thức trách nhiệm ban đầu [169].

Ba ví dụ về xây dựng bãi chứa chất thải hạt nhân, gây quỹ từ thiện và đón con muộn đã cho thấy sự có mặt của đồng tiền trong tình huống phi thị trường có thể làm thay đổi thái độ của con người như thế nào và lấn át cam kết về đạo đức và trách nhiệm công dân ra sao. Đôi khi, hiệu ứng xói mòn đạo đức do mối quan hệ thị trường gây ra còn lấn át cả hiệu ứng giá của nó: Đưa ra công cụ khuyến khích bằng tiền để khiến người nhận chấp nhận bãi thải hạt nhân, đi quyên tiền ở các hộ gia đình hay đến đón con đúng giờ không khiến họ sẵn lòng làm những việc đó hơn mà ngược lại.

Tại sao chúng ta lại lo ngại về xu hướng thị trường lấn át các tiêu chí phi thị trường? Vì hai lý do: một liên quan đến tiền, một liên quan đến đạo đức. Từ quan điểm kinh tế, các chuẩn mực xã hội như đạo đức công dân hay tinh thần vì cộng đồng đều là những thỏa thuận vĩ đại. Chúng khuyến khích những hành vi có lợi cho xã hội mà nếu dùng tiền mua thì sẽ rất tốn kém. Nếu phải dựa vào các công cụ khuyến khích bằng tiền để được cộng đồng người dân chấp nhận xây dựng bãi thải hạt nhân ở nơi họ ở, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn nhiều so với khi dựa vào nhận thức về nghĩa vụ công dân của họ. Nếu bạn thuê học sinh để quyên tiền từ thiện thì bạn phải trả cho các em

mức thưởng ít nhất là 10% số tiền quyên được thì mới có kết quả ngang với khi các em làm bằng tinh thần tình nguyện vì cộng đồng.

Nhưng nếu coi các chuẩn mực đạo đức và công dân đơn giản chỉ là công cụ khuyến khích người dân theo cách không tốn kém thì chúng ta đã bỏ qua giá trị thực chất của các chuẩn mực. (Nó giống như chúng ta coi thái độ khinh rẻ quà tặng bằng tiền là một thực tế ngăn cản chúng ta đạt được hiệu quả kinh tế, nhưng không thể đánh giá nó trên góc độ đạo đức). Chỉ dùng công cụ khuyến khích bằng tiền để thuyết phục người dân chấp nhận bãi thải hạt nhân không chỉ tốn kém mà còn có tính chất tham nhũng. Nó bỏ qua bước thuyết phục và thái độ sẵn lòng chấp nhận của người dân sau khi cân nhắc về những rủi ro mà bãi thải hạt nhân mang lại so với sự cần thiết phải có nó đối với cả cộng đồng. Tương tự, trả tiền cho học sinh để các em đi quyên tiền vào ngày quyên góp không chỉ làm tăng chi phí quyên góp; nó còn làm mất đi tinh thần vì cộng đồng, bóp méo ý nghĩa giáo dục về đạo đức và trách nhiệm công dân.

Một phần của tài liệu Tiền không mua được gì: Phần 1 (Trang 127 - 130)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)