Mặc dù những kẻ đầu cơ không đứng đầy các bệnh viện ở Mỹ, nhưng người đi khám cũng phải chờ đợi rất lâu. Bạn phải hẹn trước với bác sỹ nhiều tuần, đôi khi nhiều tháng. Khi đến gặp bác sỹ, bạn phải chôn chân ở phòng đợi rất lâu chỉ để được khám rất nhanh trong mười đến mười lăm phút. Lý do là: các công ty bảo hiểm không trả nhiều tiền cho các bác sỹ với dịch vụ khám thông thường. Vì vậy, để có cuộc sống phong lưu hơn, các bác sỹ khám đa khoa phải thu xếp khám cho hơn 3.000 bệnh nhân và họ phải khám được cho từ 25 đến 30 người mỗi ngày [43].
Rất nhiều bệnh nhân và bác sỹ chán nản với hệ thống này. Với nó, bác sỹ có rất ít thời gian, không đủ để hiểu bệnh nhân, trả lời các câu hỏi của họ. Vì vậy, ngày càng có nhiều bác sỹ muốn cung cấp dịch vụ quan tâm đến bệnh nhân nhiều hơn có tên là “y khoa chăm sóc bệnh nhân”. Giống như nhân viên phục vụ khách sạn năm sao, các bác sỹ chăm sóc bệnh nhân luôn sẵn lòng phục vụ bạn cả ngày lẫn đêm. Với mức phí hàng năm từ 1.500 đến 25.000 dollar, bệnh nhân chắc chắn sẽ được bác sỹ khám ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau, không phải chờ đợi, được tư vấn một cách thong thả, và có thể gửi thư điện tử, gọi điện cho bác sỹ 24 giờ một ngày. Còn nếu bạn cần gặp chuyên gia đầu ngành thì vị bác sỹ chăm sóc bạn sẽ giới thiệu [44].
Để cung cấp được dịch vụ như vậy, các bác sỹ phải giảm đáng kể số bệnh nhân của mình. Những bác sỹ quyết định đi theo con đường dịch vụ chăm sóc bệnh nhân sẽ phải gửi thư cho các bệnh nhân hiện tại của mình và đề nghị họ lựa chọn: hoặc đăng ký dịch vụ mới, không phải chờ đợi khi khám bệnh và trả tiền phí hàng năm, hoặc tìm bác sỹ khác [45].
Một trong những công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân đầu tiên, và là một trong những dịch vụ đắt tiền nhất là MD2 (MD bình phương), ra đời năm 1996 ở Seattle. Với mức phí 15.000 dollar một năm cho một người (25.000 dollar cho một gia đình), công ty cam kết khách hàng được “gặp bác sỹ hoàn toàn bất cứ khi nào, không hạn định thời gian và không ai chen ngang” [46]. Mỗi bác sỹ chỉ phục vụ 50 gia đình. Như công ty giải thích trên trang web, “dịch vụ được cung cấp ở mức cao hiển nhiên đòi hỏi chúng tôi
phải giới hạn số lượng khách hàng” [47].
Theo một bài viết trên tạp chí Town & Country, phòng chờ của MD2 “trông giống sảnh khách sạn Ritz-Carlton hơn là một phòng khám”. Nhưng vẫn có rất ít bệnh nhân đến. Phần lớn họ là “các vị tổng giám đốc, các doanh nhân, không muốn mất một giờ làm việc để đến phòng khám. Họ ưa chuộng hơn dịch vụ khám bệnh riêng tư tại nhà hoặc tại nơi làm việc” [48].
Các công ty chăm sóc bệnh nhân khác hướng tới giới trung lưu. MDVIP, một chuỗi công ty chăm sóc bệnh nhân hoạt động vì lợi nhuận tại bang Florida cũng cung cấp dịch vụ hẹn khám trong ngày và khám ngay lập tức (họ sẽ trả lời điện thoại của bạn ngay sau hồi chuông thứ hai) với mức giá từ 1.500 đến 1.800 dollar một năm, và chấp nhận cho bảo hiểm chi trả với quy trình khám bệnh thông thường. Các bác sỹ ở đây chỉ nhận 600 bệnh nhân để họ có nhiều thời gian khám hơn cho từng người [49]. Công ty đảm bảo với các bệnh nhân rằng “trong dịch vụ y tế của chúng tôi không có phần chờ đợi”. Theo báo New York Times, một chi nhánh MDVIP ở Boca Raton có đặt hoa quả và bánh xốp trong phòng đợi. Nhưng vì gần như không có ai phải đợi nên đồ ăn thường không được động đến [50].
Với bác sỹ “chăm sóc bệnh nhân” và khách hàng của họ, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân chính là toàn bộ ý nghĩa của từ “y tế”. Bác sỹ có thể gặp từ tám đến mười hai bệnh nhân một ngày thay vì ba mươi người, và vẫn kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng bác sỹ tham gia MDVIP được giữ lại hai phần ba mức phí khách hàng trả (một phần ba còn lại thuộc về công ty), có nghĩa là dịch vụ y tế cung cấp cho 600 bệnh nhân sẽ đem lại doanh thu 600.000 dollar một năm, đó là tiền phí, chưa tính tiền bồi hoàn của các công ty bảo hiểm. Với những bệnh nhân có khả năng chi trả thì những cuộc gọi bất kể ngày đêm, những cuộc hẹn không vội vàng với bác sỹ chính là thứ hàng hóa xa xỉ đáng đồng tiền [51].
Tất nhiên, nhược điểm của dịch vụ chăm sóc bệnh nhân là nó đẩy tất cả những người khác vào đám đông khách hàng của các bác sỹ khác [52]. Do đó, nó cũng gặp phải sự phản đối giống như mọi cơ chế tạo lối đi ưu tiên, rằng nó không công bằng với những người đang mỏi mòn chờ đợi trên lối đi thông thường.
biệt hay hệ thống đầu cơ vé khám ở Bắc Kinh. Những người không đủ khả năng chi trả cho bác sỹ chăm sóc bệnh nhân nhìn chung vẫn có thể tìm được dịch vụ y tế tốt ở bác sỹ khác, trong khi ở Bắc Kinh, ai không đủ tiền mua vé khám đầu cơ thì chỉ còn cách chờ đợi cả ngày lẫn đêm.
Nhưng hai hệ thống đều có một điểm chung: chúng cho phép người giàu có thể chen lên hàng đầu để hưởng dịch vụ y tế. Kiểu chen hàng ở Bắc Kinh sống sượng hơn so với ở Boca Raton. Giữa sảnh đăng ký đông đúc ồn ào và phòng chờ vắng lặng với món bánh xốp không ai động đến quả là sự khác biệt một trời một vực. Nhưng lý do chỉ là khi bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt đến phòng khám thì quá trình đưa bệnh nhân vào danh sách xếp hàng đã diễn ra từ trước – mà không ai nhìn thấy – thông qua việc họ đóng phí.