Trong nhiều năm, Thụy Sỹ đã phải cố tìm một địa điểm để chứa chất thải hạt nhân. Mặc dù Thụy Sỹ chủ yếu sử dụng điện hạt nhân, nhưng rất ít địa phương chịu chứa chất thải hạt nhân trên địa bàn của mình. Có một nơi được thiết kế để chứa chất thải hạt nhân, là một ngôi làng nhỏ vùng núi Wolfenschiessen (dân số 2.100 người) thuộc miền Trung Thụy Sỹ. Năm 1993, ngay trước cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này, một số nhà kinh tế học đã tiến hành điều tra dân cư trong làng với câu hỏi: nếu quốc hội Thụy Sỹ quyết định đặt bãi chứa chất thải hạt nhân ở nơi họ sinh sống thì họ có chấp nhận không. Mặc dù nhiều người cho rằng bãi thải hạt nhân là một thứ không được ưa thích, nhưng đa số (51%) người dân lại trả lời rằng họ chấp nhận. Rõ ràng nhận thức về trách nhiệm công dân của họ đã lấn át nỗi lo ngại về rủi ro có thể xảy ra. Sau đó, các nhà kinh tế học bổ sung thêm một giả định có tính mua chuộc: giả sử quốc hội xây dựng bãi thải hạt nhân trong vùng và đề xuất đền bù cho mỗi công dân một số tiền nhất định mỗi năm thì
sao [160].
Kết quả: số người ủng hộ giảm xuống thay vì tăng lên. Bổ sung thêm công cụ khuyến khích bằng tiền đã làm giảm tỷ lệ người ủng hộ đi một nửa, từ 51% còn 25%. Đề xuất tặng tiền đã làm giảm mức độ sẵn lòng chấp nhận bãi thải hạt nhân. Thậm chí tăng số tiền lên cũng không có tác dụng. Khi các nhà kinh tế học đề xuất số tiền đền bù cao hơn, kết quả vẫn không thay đổi. Người dân vẫn giữ nguyên ý kiến khi số tiền đền bù hàng năm lên tới 8.700 dollar một người, cao hơn mức thu nhập trung vị trong một tháng của một gia đình. Các nhà kinh tế học cũng thấy phản ứng tương tự hoặc ít kịch tính hơn trước đề xuất trả tiền ở những cộng đồng khác, nơi người dân phản đối bãi thải hạt nhân [161].
Điều gì đã xảy ra ở ngôi làng Thụy Sỹ kia? Tại sao khi không trả tiền thì lại có nhiều người chấp nhận bãi chứa chất thải hạt nhân hơn?
Lập luận kinh tế học chính thống cho rằng nếu trả tiền thì số người chấp nhận gánh nặng phải tăng lên chứ không phải giảm đi. Nhưng Bruno S. Frey và Felix OberholzerGee, hai nhà kinh tế học tiến hành nghiên cứu nói trên đã
chỉ ra rằng đôi khi hiệu ứng giá lại bị lấn át bởi yếu tố đạo đức, ở đây là cam kết đem lại hàng hóa công cho xã hội. Với nhiều người dân làng, thái độ sẵn lòng chấp nhận bãi thải hạt nhân phản ánh tinh thần vì cộng đồng – họ hiểu rằng cả đất nước phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, và chất thải hạt nhân phải được chứa ở đâu đó. Nếu nơi họ ở được coi là an toàn nhất để chứa chất thải hạt nhân thì họ sẵn lòng nhận lấy gánh nặng. Trái với trách nhiệm công dân, việc đề xuất trả tiền cho người dân khiến họ cảm thấy họ đang bị hối lộ - một nỗ lực mua lá phiếu của họ. Thực tế, 83% số người từ chối tiền bù cho biết lý do là không thể hối lộ được họ [162].
Bạn có thể cho rằng áp dụng công cụ khuyến khích bằng tiền đơn giản là sẽ củng cố thêm tinh thần vì cộng đồng vốn đã tồn tại từ trước, qua đó sẽ tăng số người ủng hộ xây dựng bãi chứa chất thải hạt nhân. Nói cho cùng, hai động cơ – động cơ tài chính và động cơ trách nhiệm công dân – thì phải có hiệu lực mạnh hơn một chứ? Không hẳn. Thật sai lầm nếu nghĩ rằng các động cơ có tác dụng hỗ trợ nhau. Ngược lại, với những công dân tuyệt vời của Thụy Sỹ, triển vọng được đền bù riêng đã biến trách nhiệm công dân thành vấn đề tiền bạc. Sự có mặt của chuẩn mực thị trường đã lấn át nhận thức về trách nhiệm công dân. Và các tác giả nghiên cứu kết luận: “Ở đâu tinh thần cộng đồng chiếm ưu thế thì nếu tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho việc xây dựng một công trình có lợi cho cả xã hội nhưng không được cộng đồng địa phương mong muốn bằng công cụ khuyến khích bằng tiền thì sẽ phải trả giá đắt hơn so với kết quả phân tích của lập luận kinh tế chính thống. Nguyên nhân là các công cụ ấy sẽ lấn át trách nhiệm công dân” [163].
Điều này không có nghĩa là chính phủ đơn giản chỉ cần đưa ra quyết định xây dựng bãi chứa chất thải hạt nhân tại địa phương. Quản lý kiểu độc đoán thậm chí còn làm xói mòn tinh thần vì cộng đồng hơn cả công cụ khuyến khích bằng tiền. Để người dân địa phương tự đánh giá rủi ro, cho phép họ tham gia vào việc quyết định địa điểm nào là tốt nhất cho cả xã hội, trao cho cộng đồng địa phương quyền đóng cửa những công trình nguy hiểm nếu cần – đây là những cách thu hút sự ủng hộ của cộng đồng chắc chắn hơn là tìm cách mua họ [164].
Mặc dù việc dùng tiền mặt bị phản đối, nhưng mọi người vẫn chấp nhận đền bù bằng tiền. Các cộng đồng địa phương thường nhận tiền đền bù khi
các công trình công cộng – như sân bay, bãi rác, cơ sở xử lý rác thải – được xây dựng trên vùng đất họ sinh sống. Nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mọi người sẽ dễ chấp nhận được đền bù dưới hình thức hàng hóa công cộng hơn là tiền. Công viên công cộng, thư viện, cải thiện chất lượng trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, thậm chí đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp là những hình thức đền bù được người dân địa phương ưa thích hơn là tiền [165].
Từ quan điểm hiệu quả kinh tế thì đây là một hiện tượng khó hiểu, thậm chí vô lý. Trên lý thuyết, tiền luôn luôn tốt hơn các loại hàng hóa công cộng, lý do tương tự như chúng ta đã tìm hiểu trong phần tặng quà. Tiền nào cũng giống nhau, không phân biệt. Nó giống như thẻ quà tặng có giá trị trên toàn cầu: Nếu người dân được đền bù bằng tiền mặt, họ luôn có thể quyết định sử dụng vận may của mình để đầu tư vào công viên công cộng, thư viện hay sân chơi nếu đó là những thứ đem lại độ hài lòng lớn nhất cho họ. Hoặc họ có thể chọn tiêu tiền cho cá nhân.
Nhưng logic này đã bỏ qua ý nghĩa của tinh thần hy sinh vì lợi ích chung. Với thiệt hại và sự bất tiện chung thì đền bù bằng hàng hóa công cộng phù hợp hơn bằng tiền cho từng người, vì hàng hóa công cộng bù đắp được gánh nặng và sự hy sinh chung mà cộng đồng phải gánh chịu từ quyết định đặt địa điểm cho công trình độc hại. Hành động trả tiền cho người dân để họ chấp nhận xây dựng một đường băng hay bãi chôn rác thải mới tại nơi ở của họ có thể bị coi là hối lộ để họ bằng lòng cho phép cộng đồng bị tổn hại. Nhưng một thư viện, sân chơi hay trường học mới sẽ bù đắp lại sự hy sinh của các công dân một cách tương xứng – có thể nói như vậy – thông qua việc tăng cường sức mạnh cho cộng đồng và tôn vinh tinh thần vì lợi ích chung của họ.