Một số kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu 0863 hoạt động huy động vốn tại NHTM CP quân đội chi nhánh ninh bình luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 126 - 129)

> Tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng phạm vi hoạt động

Hiện nay, quy định về việc mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch hay đặt thêm máy rút tiền tự động của Ngân hàng nhà nước còn tạo ra nhiều khó khăn cho các Ngân hàng thương mại, nhất là điều kiện về vốn điều lệ. Chính vì vậy, thông thường các Ngân hàng thương mại đều lựa chọn mở thêm chi nhánh tại các tỉnh thành phố lớn thay vì mở các điểm giao dịch tại địa bàn xa xôi. Theo quy định của

Ngân hàng nhà nước hiện nay, điều kiện vốn điều lệ để được thành lập đơn vị kinh doanh mới phải tuân thủ công thức: 200 tỷ x N1 + 100 tỷ x N2 + C1 + C2 < C (C là vốn điều lệ của ngân hàng thương mại (tính bằng tỷ đồng Việt Nam; N1 là số sở giao dịch, chi nhánh đã mở và đề nghị mở tại thành phố Hà Nội và Tp.HCM; N2 là số sở giao dịch, chi nhánh đã mở và đề nghị mở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngoài thành phố Hà Nội và Tp.HCM; C1: khoản vốn góp, mua cổ phần theo quy định hiện hành; C2: số vốn cấp cho đơn vị sự nghiệp). Điều này gây áp lực lớn về vốn điều lệ đối với các NHTM làm ăn tốt (các NHTM có mạng lưới giao dịch lớn) , trong khi đó công thức này sẽ có phần “dễ thở” hơn đối với các NHTM nhỏ, lợi nhuận đem lại chưa thực sự cao do mạng lưới giao dịch còn ít.

Do đó, đối với các ngân hàng thương mại có xu hướng nguồn vốn đảm bảo, lợi nhuận hàng năm tăng tưởng tốt và tỉ lệ nợ xấu duy trì ở ngưỡng an toàn, ngân hàng nhà nước có thể tạo điều kiện nới lỏng hơn về điều kiện hiện hành hoặc đặt ra nhiều ngưỡng yêu cầu để phù hợp hơn với thực trạng của các ngân hàng thương mại hiện nay. Ví dụ: Đối với các Ngân hàng thương mại có mức lợi nhuận thấp thì yêu cầu về vốn điều lệ sẽ cao hơn so với các Ngân hàng thương mại có mức lợi nhuận cao và luôn tăng dần qua các năm.

> Xây dựng chiến lược phát triển mạng lưới và cơ sở hạ tầng cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Ngân hàng nhà nước tiếp tục phát triển việc liên kết các liên minh thẻ thành một khối. Hiện nay, khách hàng của các ngân hàng thương mại đều có thể thực hiện việc rút tiền tại bất kỳ máy rút tiền tự động nào hoặc có thể thanh toán thông qua bất kỳ máy POS nào tuy nhiên lỗi xảy ra khi thực hiện giao dịch tại máy ATM hay máy POS của ngân hàng khác vẫn thường xuyên xảy ra do liên kết giữa các ngân hàng gặp sự cố. Vì vậy, để thuận lợi hơn cho khách hàng và tạo điều kiện tiến tới hệ thống thanh toán hoàn toàn không dùng tiền mặt, Ngân hàng nhà nước nên cải tiến cơ sở hạ tầng nhằm hạn chế lỗi và sự cố xảy ra khi khách hàng giao dịch tại các điểm ngân hàng khác ngân hàng phát hành thẻ.

Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước nên xem xét thay đổi thời gian giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng. Hiện nay, việc thanh toán liên ngân hàng của khách hàng đang bị giới hạn giờ giao dịch với thời gian bắt đầu là 9 giờ sáng và thời gian kết thúc tối đa là 5 giờ chiều. Điều này gây ra nhiều bất lợi khi khách hàng cần thực hiện giao dịch gấp và tạo áp lực cho các Ngân hàng thương mại đối với giao dịch được thực hiện thời điểm cuối ngày dẫn tới những rủi ro không đáng có. Mặc dù trong những năm gần đây, Ngân hàng nhà nước đã phát triển kênh chuyển tiền nhanh giữa các ngân hàng trên hệ thống ngân hàng điện tử tuy nhiên các giao dịch với số lượng tiền lớn vẫn không thể thực hiện qua kênh chuyển tiền này, đồng thời lỗi giao dịch như không thể chuyển tiền hoặc chuyển nhưng tiền không thể đến tài khoản thụ hưởng vẫn thường xuyên xảy ra. Do đó, Ngân hàng nhà nước nên nới thời gian thực hiện giao dịch đối với giao dịch tại quầy và nâng cao chất lượng kênh chuyển tiền nhanh (đối với giao dịch điện tử).

> Xem xét điều chỉnh quy định lãi suất huy động với USD

Từ cuối tháng 12 năm 2015, Ngân hàng nhà nước đã công bố quyết định hạ lãi suất tiền gửi đồng USD xuống 0%/năm đối với các cá nhân, sau khi áp dụng biện pháp tương tự với các doanh nghiệp gần 3 tháng trước đó. Quyết định này đã khiến một lượng lớn USD được người dân giữ dưới hình thức tiền mặt mà không thực hiện gửi vào các Ngân hàng thương mại. Chính vì vậy, các Ngân hàng thương mại đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn bằng đồng USD.

Việc đưa lãi suất huy động USD xuống 0% của Ngân hàng nhà nước là với mục đích giảm áp lực lên tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá USD/VND liên tục có những đợt biến động mạnh khi FED quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2015 đến nay, chính sách lãi suất 0% USD đã phát huy hiệu quả nhưng không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Do đó, Ngân hàng nhà nước cần nâng lãi suất USD để huy động nguồn lực trong dân, thay vì phải đi vay nước ngoài với lãi suất cao để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước ngày càng cao. Chủ trương chống đô la hóa của Ngân hàng nhà nước là hoàn toàn đúng đắn nhưng với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu như

Việt Nam, đôla hóa ở mức độ nhất định là có thể chấp nhận được. Lãi suất USD có tăng nhẹ thì cũng sẽ không thể xảy ra tình trạng người dân chuyển hết từ VND sang USD, vì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn rất cao, hơn 6% một năm.

Mặt khác, hàng năm lượng ngoại tệ chuyển qua con đường kiếu hối lên tới hàng tỷ USD, song phần lớn đều được rút ra khỏi ngân hàng bằng tiền mặt hoặc bằng VND, số ngoại tệ trên tài khoản cá nhân chiếm tỷ trọng nhỏ. Nguyên nhân của vấn đề này một phần cũng xuất phát từ việc lãi suất huy động 0% đối với USD của các NHTM. Từ đó dẫn tới hiện tượng lượng ngoại tệ tiền mặt rút ra khỏi hệ thống ngân hàng làm tăng ngoại tệ trôi nổi trên thị trường gây khó khăn cho công tác quản lý ngoại hối. Vì thế, tăng lãi suất huy động USD vừa có thể huy động được lượng vốn lớn từ khu vực dân cư, vừa có thể giảm lượng ngoại tệ trôi nổi trên thị trường ngoài ngân hàng.

Một phần của tài liệu 0863 hoạt động huy động vốn tại NHTM CP quân đội chi nhánh ninh bình luận văn thạc sỹ (FILE WORD) (Trang 126 - 129)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(141 trang)
w