2.3.2.1. Một số hạn chế
Một là: Việc ứng dụng các công cụ tài chính phái sinh được NHĐT&PTVN triển khai và áp dụng từ năm 2006, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay NHĐT&PTVN vẫn chưa xây dựng được một chiến lược và kế hoạch chương trình hành động dài hạn, cụ thể về phát triển các sản phẩm phái sinh cũng như xác định vị thế của NHĐT&PTVN trong thị trường các sản phẩm phái sinh
Hai là: Công tác thu thập, phân tích các thông tin trên thị trường, nghiên cứu thị trường để đưa ra các dự báo phục vụ cho hoạt động kinh doanh các sản phẩm phái sinh, cũng như việc áp dụng các công cụ để phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ còn rất hạn chế.
Ba là: Các cán bộ của NHĐT&PTVN được cử đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về dịch vụ tài chính phái sinh còn rất ít. Việc nghiên cứu để triển khai các sản phẩm phái sinh mới hấu hết là do các cán bộ của NHĐT&PTVN tự tìm tòi, nghiên cứu và triển khai nên ít nhiều thiếu tính chuyên nghiệp và
mang tính thử nghiệm, phần nào ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Bốn là: Cơ chế quản lý và điều hành chưa thực sự phù hợp với công tác kinh doanh sản phẩm tài chính phái sinh, còn sự chồng chéo và chưa có tính chuyên nghiệp, chưa tạo cơ chế để khai thác hết những tiện ích của các sản phẩm phái sinh. Hiện tại, việc quản lý rủi ro lãi suất , ngoại hối được thực hiện ở mức đo lường rủi ro theo thông lệ như tính toán khe hở kỳ hạn lãi suất, đo lường giá trị chịu rủi ro ngoại hối (mức tổn thất dự kiến lớn nhất xẩy ra đối với giá trị tài sản của ngân hàng do các biến động tỷ giá hối đoái trong điều kiện thị trường thông thường với một mức độ tin cậy cho trước). Việc phòng ngừa rủi ro ngoại hối vẫn được thực hiện một cách đơn giản bằng cách thực hiện duy trì trạng thái ngoại tệ trong phạm vi cho phép của NHNN. Hiện nay NHĐT&PTVN đã nghiên cứu và đang bước đầu triển khai thực hiện thí điểm mức giới hạn giá trị chịu rủi ro ngoại hối.
Năm là: Trong công tác quản lý tài sản nợ, tài sản có và quản trị rủi ro chưa đề cập và áp dụng cụ thể về giới hạn rủi ro tối đa được phép duy trì và cũng chưa đề cập và triển khai việc áp dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro. Hiện nay các công cụ phái sinh hiện chỉ mang ý nghĩa nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính của NHĐT&PTVN để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
2.3.2.2. Nguyên nhân
* Nguyên nhân bên ngoài
Thị trường các công cụ tài chính phái sinh đã hình thành ở Việt Nam tuy nhiên còn rất nhỏ bé và chưa phổ biến, cũng như việc phát triển các dịch vụ sản phẩm tài chính phái sinh trên cơ sở ứng dụng các công cụ phái sinh tại các NHTM nói chung và NHĐT&PTVN nói riêng còn ở mức rất thấp. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau:
Một là: Mức độ phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn còn thấp, điều này được thể hiện ở thị trường cổ phiếu và trái phiếu có quy mô nhỏ, tính thanh khoản thấp; thị trường trái phiếu chưa có đường cong lãi suất chuẩn; Hệ thống các nhà đầu tư chưa phát triển, còn thiếu vắng các nhà đầu tư am hiểu kỹ về lợi ích cũng như kỹ thuật tính toán lợi nhuận từ các nghiệp vụ này; Tính đồng bộ của thị trường tiền tệ và thị trường vốn còn rất thấp; Tính cạnh tranh chưa cao; Hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh; Hệ thống cung cấp thông tin thị trường chưa đầy đủ...
Hai là: Mức độ tham gia thị trường vốn của các doanh nghiệp chưa nhiều, nhu cầu và sự hiểu biết của các nhà quản trị doanh nghiệp trong việc sử dụng các sản phẩm phái sinh chưa cao. Điều này được thể hiện ngay trong hoạt động kinh doanh hối đoái như: Sự ổn định về tỷ giá theo mức trần của NHNN đã làm cho khách hàng không quan tâm nhiều tới rủi ro tỷ giá. Mặc dù trong thời gian gần đây tỷ giá có biến động nhất định song các doanh nghiệp Việt nam (ngay cả với các doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu) chưa có thói quen và quan tâm tới công tác phòng ngừa rủi ro đối với các hoạt động ngoại tệ
của mình.
Ba là: Các tổ chức tài chính , đặc biệt là các NHTM với nguồn nhân lực hạn chế, hệ thống thông tin quản lý chưa phát triển; Các đối tác mua, bán công cụ tài chính phái sinh với các NHTM là các doanh nghiệp chưa nhiều. Do đó, các tổ chức tài chính chưa có nhu cầu và chưa chủ động phát triển và cung ứng các sản phẩm dịch vụ về công cụ tài chính phái sinh.
Bốn là: Về khuôn khổ pháp lý: Khuôn khổ pháp lý về các dịch vụ tài chính phái sinh hiện còn rất thiếu, không đầy đủ, cơ chế nghiệp vụ chưa có. Trong vài năm gần đây, NHNN mới chỉ ban hành một số quy định nhỏ lẻ mang tính thử nghiệm, cho phép từng ngân hàng thực hiện từng nghiệp vụ phái sinh đơn giản nhất định mà chưa có những quy định pháp lý đầy đủ và
tổng thể. Đặc biệt, ngay cả hệ thống chuẩn mức kế toán Việt Nam còn chưa có các chuẩn mực tương đồng với các chuẩn mực kế toán quốc tế về công cụ tài chính, trong đó là các chuẩn mực AIS39 “Các công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị”; AIS 32 “Các công cụ tài chính: Thuyết minh và trình bày thông tin”; IFRS 7 “Các công cụ tài chính: Công bố”. Việc thiếu vắng các tiêu chuẩn kế toán chất lượng cao để ghi nhận, đánh giá giá trị công cụ tài chính nói chung và công cụ tài chính phái sinh nói riêng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xác định kết quả tài chính, đến quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời cơ quan giám sát tài chính- ngân hàng- chứng khoán cũng không thể có được thông tin đầy đủ, trung thực để giám sát thị trường chung, giám sát an toàn hoạt động của từng tổ chức tài chính. Hiện tại, NHNN Việt Nam cũng mới cấp giấy phép hạn chế cho một số TCTD, một số doanh nghiệp được mua/ bán đối với một số công cụ tài chính phái sinh nhất định.
Năm là: Chi phí giao dịch có liên quan để mua/ bán/ giao dịch công cụ tài chính phái sinh còn cao. Chi phí giao dịch bao gồm: Chi phí tìm kiếm thông tin; Chi phí thương lượng với đối tác; Chi phí để điều chỉnh trạng thái nhằm thích nghi với điều kiện mới của thị trường và tài thương lượng; Chi phí phát sinh từ những yếu tố bất định và rủi ro về thông tin, thể chế... (uncertaily cost - chi phí rủi ro không dự đoán được); Chi phí ủy quyền tác nghiệp; Chi phí thực hiện và giám sát. Chi phí giao dịch cao là một trong những nguyên nhân hạn chế việc sử dụng dịch vụ sản phẩm phái sinh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Sáu là: Sự thiếu kiến thức, hiểu biết về công cụ phái sinh ở Việt nam cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng hạn chế sự phát triển thị trường công cụ tài chính phái sinh: Sản phẩm phái sinh trong phòng chống rủi ro là một sản phẩm khá mới và phức tạp đối với thị trường Việt Nam. Đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như các NHTM phải có hệ thống thông tin dự báo tỷ
giá quốc tế nhanh, chính xác, cập nhật liên tục; phải có công cụ đo lường và cảnh báo rủi ro tỷ giá, lãi suất; đội ngũ các nhà quản lý, các giao dịch viên chuyên nghiệp, Thực tế có nhiều NHTM được thực hiện nghiệp vụ quyền chọn ngoại hối từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Đối với các doanh nghiệp thì việc hiểu biết các công cụ phái sinh để phòng chống rủi ro còn nhiều hạn chế.
* Nguyên nhân bên trong
Những hạn chế trong việc ứng dụng các công cụ tài chính phái sinh cũng như hoạt động dịch vụ về các sản phẩm tài chính phái sinh tại
NHĐT&PTVN chưa phát triển, một mặt do những ảnh hưởng từ những nguyên nhân bên ngoài tuy nhiên những nguyên nhân bên trong tại NHĐT&PTVN là những nguyên nhân quan trọng làm kìm hãm, hạn chế sự phát triển của hoạt động này.
Một là: Hoạt động Maketting giới thiệu, quảng bá sản phẩm còn hạn chế: Các sản phẩm dịch vụ tài chính về sản phẩm tài chính phái sinh mặc dù có từ lâu trên thế giới và mang lại nhiều tiện ích đối với doanh nghiệp đặc biệt là làm giảm bớt những rủi ro thị trường, tuy nhiên ở Việt Nam đây vẫn là những sản phẩm rất mới và được ít người và ít doanh nghiệp biết tới. Do vậy, để phát triển các dịch vụ tài chính phái sinh cũng như thị trường tài chính phái sinh phụ thuộc rất nhiều vào công tác maketing quảng bá sản phẩm cũng như những tiện ích của nó với công chúng. Mặc dù, trong những năm gần đây
NHĐT&PTVN đã có quan tâm đến hoạt động quảng bá và giới thiệu sản phẩm tuy nhiên ở mức độ rất hạn chế. Chi phí để quảng bá sản phẩm chiếm tỷ lệ hầu như không đáng kể so với các chi phí khác. Đặc biệt với sản phẩm tài chính phái sinh, cho đến nay NHĐT&PTVN chưa có chiến lược quảng cáo và quảng bá sản phẩm ra công chúng, chưa thực hiện công tác quảng bá sản phẩm qua các kênh thông tin khác nhau như qua hội thảo, các phương tiện
thông tin đại chúng... mặc dù đây là giải pháp hết sức quan trong để phát triển dịch vụ sản phẩm mới trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh.
Hai là: Công tác quản trị điều hành chưa có những đổi mới mạnh mẽ, chưa tạo những bước đột phá quan trọng cho việc ứng dụng các công cụ tài chính phái sinh. Một số chương trình phần mềm phục vụ hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành đặc biệt với các sản phẩm tài chính phái sinh chưa đầy đủ, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu quản lý trong tình hình mới, nhất là công tác quản trị rủi ro đối với các sản phẩm tài chính phái sinh cũng như trong việc ứng dụng công cụ tài chính phái sinh.
Ba là: Chất lượng và trình độ cán bộ chưa cao, chưa sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính phái sinh. Đây là nghiệp vụ mớ i và phát triển trên cơ sở các nghiệp vụ truyền thống nên đòi hỏi cán bộ phải có trình độ và am hiểu kỹ thuật công nghệ hiện đại mới có thể đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó công tác đào tạo nghiệp vụ về tài chính phái sinh cho cán bộ NHĐT&PTVN nói chung và cho cán bộ các chi nhánh NHĐT&PTVN nói riêng chưa thực sự được chú trọng, còn nhiều hạn chế về thời gian và nội dung đào tạo.
Bốn là: Với tư cách là người cung cấp các công cụ tài chính phái sinh, cung cấp các sản phẩm tài chính phái sinh cho khách hàng để phòng ngừa rủi ro, tuy nhiên chính bản thân NHĐT&PTVN chưa mạnh dạn áp dụng các công cụ tài chính phái sinh trong việc thực hiện các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro cho chính ngân hàng.
Năm là: Mặc dù việc áp dụng các công cụ tài chính phái sinh được NHĐT&PTVN thực hiện một số năm nay, tuy nhiên các quy định, quy trình nội bộ về nghiệp vụ tài chính phái sinh NHĐT&PTVN chưa ban hành đầy đủ, nhiều lĩnh vực còn bỏ ngỏ do chưa có quy định, nhiều quy định chưa đúng với
thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nhiều quy định bị lạc hậu không còn phù hợp với thực tiễn song chưa được sửa đổi và bổ sung....
Sáu là: Công tác đầu tư cho cơ sở vật chất, đầu tư ứng dụng công nghệ
hiện đại và đầu tư cho công tác nghiên cứu cải tiến và phát triển sản phẩm nói chung và đối với các sản phẩm tài chính phái sinh nói riêng NHĐT&PTVN chưa quan tâm nhiều. Điều này đã hạn chế khả năng ứng dụng các công cụ tài chính phái sinh và phát triển các sản phẩm tài chính phái sinh.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Xuất phát từ những cơ sở lý luận cơ bản về công cụ tài chính phái sinh và ứng dụng các công cụ này trong hoạt động của các NHTM được phân tích và luận giải ở Chương 1, Trong Chương 2 luận văn đã giải quyết hoàn thành một số nội dung cơ bản sau:
- Phân tích khái quát làm rõ quá trình hình thành, phát triển, cơ cấu tổ chức và những kết quả của các hoạt động kinh doanh chính của NHĐT&PTVN. Đây là những nội dung làm tiền đề cho những phân tích ở các phần tiếp sau.
- Luận văn tập trung phân tích làm sáng tỏ về thực trạng việc ứng dụng các công cụ tài chính phái sinh tại NHĐT&PTVN từ năm 2006 đến nay. Để thấy rõ thực trạng ứng dụng công cụ tài chính phái sinh tại NHĐT&PTVN, luận văn đã phân tích và làm sáng tỏ về Bối cảnh ứng dụng các công cụ tài chính phái sinh tại NHĐT&PTVN dưới các khía cạnh về môi trường kinh doanh và pháp lý, tổ chức quản trị và điều hành, về cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn lực cán bộ của NHĐT&PTVN.
- Qua số liệu và hoạt động thực tiễn, luận văn đã làm rõ về thực trạng ứng dụng công cụ tài chính phái sinh của NHĐT&PTVN thông qua hoạt động ứng dụng Hợp đồng kỳ hạn; Hợp đồng tương lai (hoạt động mua bán có kỳ
hạn và Hợp đồng tương lai hàng hóa); Hợp đồng quyền chọn (quyền chọn tiền tệ, quyền chọn lãi suất và tiền gửi kết hợp quyền chọn tiền tệ); Hợp đồng hoán đổi (sản phẩm hoán đổi lãi suất cơ bản và hoán đổi tiền tệ chéo) tại NHĐT&PTVN
- Từ thực trạng, luận văn đã khái quát và đưa ra các đánh giá thực trạng việc ứng dụng các công cụ tài chính phái sinh tại NHĐT&PTVN thông qua 2 nhóm: 6 thành tựu và 5 hạn chế. Từ hạn chế này, luận văn làm đã làm sáng tỏ 6 nguyên nhân bên ngoài và 6 nguyên nhân bên trong đã gây nên những hạn chế của NHĐT&PTVN trong việc ứng dụng các công cụ tài chính phái sinh. Đây là những cơ sở nền tảng cho những giải pháp và kiến nghị ở chương 3 của luận văn./
CHƯƠNG 3
GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG CÔNG CỤ TÀI CHÍNH PHÁI SINH TẠI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM