Luôn tìm cách thoát

Một phần của tài liệu Feynman chuyện thật như đùa: Phần 1 (Trang 53 - 64)

Khi còn là sinh viên ở MIT, tôi chỉ quan tâm đến khoa học; không giỏi bất kỳ cái gì khác. Nhưng ở MIT có quy định là bạn phải tham gia một số khóa học nhân văn để có thêm “Văn hóa”. Ngoài các khóa tiếng Anh bắt buộc, còn hai môn tự chọn. Tôi nhìn lướt qua danh sách các môn học và ngay lập tức chộp được thiên văn – được xem là một môn học nhân văn! Thế là năm đó tôi đã thoát môn thiên văn. Năm sau, tôi nhìn tiếp xuống phần dưới của bản danh sách, bỏ qua văn học Pháp và những môn đại loại như thế, và tìm ra môn triết học. Đó là môn gần với khoa học nhất mà tôi có thể chọn được.

Trước khi kể với các bạn những chuyện ở lớp triết học, cho phép tôi nói về lớp tiếng Anh. Chúng tôi phải viết về một số chủ đề. Chẳng hạn, Mill[9] đã viết gì đó về tự do và chúng tôi phải phê bình tác phẩm của ông. Nhưng, đáng lẽ phải bàn về tự do chính trị như Mill đã làm, tôi lại viết về tự do trong giao tiếp xã hội – về việc phải vờ vĩnh và dối trá để làm ra vẻ lịch sự, và liệu việc thường xuyên diễn cái trò vờ vĩnh ấy trong các giao tiếp có dẫn đến “Sự phá hủy cốt lõi đạo đức xã hội”. Một câu hỏi thú vị, nhưng đó không phải là câu hỏi mà người ta yêu cầu chúng tôi thảo luận.

Một tiểu luận khác, mà chúng tôi phải phê bình, là “Về một mẩu phấn” của Huxley[10]. Trong tác phẩm này, tác giả mô tả làm sao mà mẩu phấn thông thường ông đang cầm trong tay lại là phế tích của xương động vật, và những lực trong lòng Trái

đất đã đẩy nó lên để trở thành một phần của Vách Đá Trắng[11] như thế nào, để rồi nó được khai thác và bây giờ được sử dụng để chuyển tải các ý tưởng bằng cách viết lên bảng đen.

Nhưng một lần nữa, thay vì phê bình bài tiểu luận được giao này, tôi đã viết một bài nhái có tiêu đề “Về một hạt Bụi”, mô tả làm thế nào mà các hạt bụi tạo ra màu sắc của hoàng hôn và làm ngưng tụ những hạt mưa, và vân vân. Tôi luôn là một tay bịa chuyện, luôn tìm cách tránh né.

Nhưng khi chúng tôi phải viết về chủ đề Faust của Goethe[12] thì tình thế hoàn toàn vô vọng! Tác phẩm này quá dài để có thể làm ra một bản nhái, hoặc bịa ra cái gì đó. Tôi đi đi lại lại trong nhà và lẩm bẩm: “Mình không thể làm việc này. Mình dứt khoát không làm việc này. Mình sẽ không làm việc này!”

Một người anh em ở nhà nam sinh của tôi nói: “Được thôi, Feynman, cậu sẽ không làm việc đó. Nhưng giáo sư sẽ nghĩ là cậu không làm bởi vì cậu không chịu làm bài tập. Cậu nên viết một bài luận về điều gì đó – cũng từng ấy chữ – và nộp cho giáo sư với ghi chú rằng cậu đơn giản là không hiểu nổi Faust, cậu không có được niềm đam mê, và do đó không thể viết một bài luận về tác phẩm này.”

Thế là tôi làm theo lời khuyên đó. Tôi viết một bài luận dài: “Về những hạn Chế Của Lập Luận”. Tôi luận đàm về những phương pháp khoa học dùng để giải quyết các vấn đề, và làm sao mà các phương pháp này lại có những hạn chế: các giá trị đạo đức không thể quyết định bằng những phương pháp khoa học, hêy, hêy, hêy, và vân vân.

Rồi một người anh em khác trong nhà hiến thêm lời khuyên. “Feynman,” cậu ấy nói: “Rất không ổn, nếu cậu nộp một bài luận chẳng liên quan gì đến Faust. Việc cậu nên làm là liên hệ những điều cậu viết với tác phẩm Faust.”

“Thật tức cười!” tôi đáp. Nhưng những anh bạn cùng nhà khác lại nghĩ đó là ý hay.

“Được rồi, được rồi!” tôi chống chế. “Tớ sẽ thử.”

Và thế là tôi bổ sung thêm vào phần đã viết một đoạn khoảng nửa trang, lý sự rằng Mephistopheles[13] biểu thị lập luận còn Faust biểu thị tinh thần, và Goethe đang cố gắng chỉ ra hạn chế của lập luận. Tôi làm cho bài viết trở nên rắc rối, quấy đảo tất cả, rồi nộp cho thầy.

Giáo sư yêu cầu chúng tôi từng người một đến trao đổi riêng với ông về bài luận của mình. Tôi đến găp giáo sư, dự cảm về một kết quả rất tồi. Ông ấy nói: “Phần nhập đề hay, nhưng phần nói về Faust hơi ngắn. Còn lại, rất tốt – B+”[14]. Tôi lại thoát một lần nữa!

Bây giờ về lớp triết học. Thầy dạy là một giáo sư già để râu tên là Robinson, người lúc nào cũng lầm bầm. Tôi đến lớp, mà thầy thì cứ lầm bầm hoài, nên tôi chẳng hiểu một cái gì cả. Những người khác có vẻ như hiểu ông hơn, nhưng hình như họ không chú ý nghe. Tôi tình cờ có được một mũi khoan nhỏ, khoảng một phần mười sáu inch, để tiêu khiển trong thời gian trên lớp. Tôi xoay nó giữa các ngón tay và khoan những cái lỗ ở đế giày của mình hết tuần này qua tuần khác.

Cuối cùng, vào một ngày cuối khóa học, giáo sư Robinson lầm bầm “Wugga mugga mugga wugga wugga…” và mọi người đều rất hứng thú. Tất cả bọn họ chuyện trò và thảo luận với nhau, nên tôi nghĩ là giáo sư đã nói điều gì đó thú vị, lạy Chúa! Tôi tự hỏi đó là điều gì?

Tôi hỏi mấy người thì họ bảo: “Chúng ta phải viết một bài luận và nộp trong vòng bốn tuần.”

“Về những điều mà giáo sư đã giảng suốt cả năm qua.”

Tôi bí quá. Điều duy nhất tôi đã nghe trong suốt khóa học và còn nhớ được là khoảnh khắc trào dâng “Mugga wugga dòng ý thức mugga wugga,” rồi rụp! – mọi thứ hỗn loạn trở lại.

“Dòng ý thức” này làm tôi nhớ lại những câu hỏi của bố tôi nhiều năm trước đây. Ông nói: “Giả sử một số người trên hỏa tinh đến Trái đất, và những người hỏa tinh này chẳng bao giờ ngủ, mà liên tục hoạt động. Giả sử là họ không sở hữu cái hiện tượng ngớ ngẩn, gọi là ngủ, mà chúng ta vẫn có. Bởi thế họ sẽ hỏi con: ‘Cảm giác buồn ngủ là thế nào? Điều gì xảy ra khi bạn chìm vào giấc ngủ? Liệu những suy nghĩ của bạn đột ngột dừng lại, hay chúng chậm và chậm dddââââầầ nnnnnn? Thực ra thì tâm trí ngưng lại hẳn như thế nào?’”

Tôi rất hứng thú. Bây giờ tôi phải trả lời câu hỏi này: dòng ý thức ngừng lại như thế nào khi bạn ngủ?

Thế là tôi dành tất cả các buổi chiều của bốn tuần tiếp theo đầu tư cho bài luận của mình. Tôi buông rèm cửa phòng mình, tắt hết đèn, và đi ngủ. Và tôi quan sát xem điều gì xảy ra khi mình rơi vào giấc ngủ.

Rồi buổi tối, tôi lại đi ngủ nữa. Thế nên tôi có hai lần ngủ mỗi ngày để thực hành quan sát – rất tốt!

Thoạt đầu tôi nhận ra nhiều điều vụn vặt, hầu như chẳng liên quan gì đến việc chìm vào giấc ngủ. Chẳng hạn, tôi nhận thấy mình suy nghĩ rất nhiều bằng tự thoại bên trong. Tôi còn có thể tưởng tượng ra sự vật cứ như đang nhìn thấy.

Rồi sau đó, khi đã mệt mỏi, tôi nhận thấy là mình có thể cùng lúc nghĩ về hai sự việc. Tôi khám phá ra điều này khi đang tự thoại bên trong về một điều gì đó,và trong khi đang làm việc ấy, tôi lại tưởng tượng vu vơ về hai sợi dây buộc vào cuối cái

giường của mình, chạy qua mấy cái ròng rọc, rồi quấn quanh cái trục hình trụ đang quay, và từ từ nâng cái giường lên. Tôi không ý thức được là mình đang tưởng tượng ra những sợi dây này cho đến khi bắt đầu lo về việc một sợi dây có thể vướng vào sợi kia và chúng không thể cuộn một cách trơn tru. Nhưng, tôi nói, tiếng nói bên trong: “Ồi, sức căng của sợi dây sẽ đảm trách việc đó,” và chính điều này đã làm gián đoạn ý nghĩ đầu tiên của tôi, cũng như làm cho tôi nhận ra là mình đã đồng thời nghĩ về hai sự việc.

Tôi còn nhận thấy là khi bạn đi vào giấc ngủ thì các ý nghĩ vẫn tiếp diễn, nhưng liên kết giữa chúng trở nên kém và kém logic dần. Bạn không nhận ra là chúng không liên kết với nhau một cách logic cho đến khi tự hỏi: “Cái gì làm mình nghĩ về điều đó?” và bạn cố gắng lần ngược trở lại, nhưng thường thì không thể nhớ được cái quái gì đã làm cho bạn nghĩ về điều đó.

Vậy là bạn có mọi ảo giác về kết nối logic, nhưng sự thật là các ý nghĩ càng lúc càng trở nên xộc xệch cho đến khi chúng hoàn toàn không dính dáng gì đến nhau, và vượt qua trạng thái đó, bạn chìm vào giấc ngủ.

Sau bốn tuần ngủ liên miên, tôi viết bài luận của mình, và giải thích những quan sát mà tôi đã thực hiện. Ở cuối của bài viết, tôi lưu ý rằng tất cả những quan sát này đã được thực hiện khi tôi theo dõi mình rơi vào giấc ngủ, và tôi không thực sự biết việc rơi vào giấc ngủ là như thế nào khi mà tôi không tự quan sát mình. Tôi kết luận bài viết với một khổ thơ tự sáng tác, nhắc về vấn đề tự hỏi bản thân này:

Tôi tự hỏi tại sao. Tôi tự hỏi tại sao. Tôi tự hỏi tại sao tôi tự hỏi. Tôi tự hỏi tại sao. Tôi tự hỏi tại sao.

Tôi tự hỏi tại sao tôi tự hỏi!

Chúng tôi nộp các bài luận của mình. Trong buổi học tiếp theo, giáo sư đọc một trong các bài đó: “Mum bum wugga mum bum…” Tôi không thể nói được tác giả của bài luận ấy viết cái gì.

Giáo sư đọc một bài khác: “Mugga wugga mum bum wugga wugga…” Tôi cũng không biết anh chàng này viết cái gì. Nhưng ở cuối bài, ông đọc:

Uh wugga wuh. Uh wugga wuh. Uh wugga wugga wugga. I wugga wuh uh wugga wuh.

Uh wugga wugga wugga.

“À ha!” tôi nói. “Đó là bài của tôi!” Thành thật mà nói tôi không nhận ra bài của mình cho đến tận đoạn cuối.

Sau khi đã viết xong bài luận, tôi vẫn rất tò mò, nên đã tiếp tục thực hành việc quan sát bản thân khi đi ngủ. Vào một buổi tối, trong khi đang có một giấc mơ, tôi đã nhận ra là mình đang quan sát bản thân trong giấc mơ đó. Tôi đã đi trọn con đường xuôi vào chính giấc ngủ!

Trong phần đầu của giấc mơ, tôi ở trên nóc một đoàn tàu đang tiến đến một đường hầm. Tôi hoảng sợ, nằm bẹp xuống, và chúng tôi chui vào đường hầm – vù! Tôi nói với mình: “Vậy là bạn có thể có cảm giác sợ hãi, và bạn có thể nghe được sự thay đổi âm thanh khi chui vào đường hầm.”

Tôi cũng nhận ra là mình có thể nhìn thấy màu sắc. Một số người nói rằng trong mơ bạn chỉ thấy đen và trắng, nhưng không, tôi đã có giấc mơ màu.

nhận được con tàu đang lắc lư. Tôi nói với mình: “Vậy là bạn có thể có những cảm giác về thăng bằng trong một giấc mơ.” Tôi bước đi đôi chút khó khăn về phía cuối toa, và tôi nhìn thấy một cái cửa sổ lớn, giống như cửa sổ ở những cửa hiệu. Phía bên kia cửa sổ - không thấy các manơcanh, mà là ba cô gái bằng xương bằng thịt trong những bộ đồ tắm, trông thật là xinh!

Tôi tiếp tục đi sang toa kế bên, trong khi chân bước, tay nắm những cái dây da ở trên đầu, tôi tự nói với mình: “Hêy! Cái việc trở nên ham muốn – tình dục - sẽ thú vị đây.” Vì thế tôi nghĩ mình nên quay lại toa kia. Tôi khám phá ra là mình có thể quay lại tùy thích và đi ngược lại dọc theo con tàu – tôi có thể kiểm soát phương hướng giấc mơ của mình. Tôi quay lại toa có cái cửa sổ đặc biệt và nhìn thấy ba gã đứng tuổi đang chơi viôlông - nhưng rồi họ biến trở lại thành các cô gái! Vậy là, tôi có thể thay đổi cả chiều hướng của giấc mơ, nhưng không thật sự hoàn hảo.

Tôi bắt đầu trở nên phấn khích, cả về tinh thần cũng như nhục cảm, nói những câu đại loại như: “Chà! Hoạt động rồi!” và tôi tỉnh giấc.

Tôi đã có một số quan sát khác trong khi mơ. Ngoài việc luôn tự hỏi: “Có thực là mình đã có giấc mơ màu?” tôi cũng băn khoăn: “Hình ảnh mà bạn nhìn thấy trong mơ là chính xác đến mức độ nào?”

Ở lần tiếp theo, tôi mơ thấy một cô gái đang nằm trong một đám cỏ cao và cô ấy có mái tóc màu đỏ. Tôi cố gắng để xem liệu mình có thể nhìn thấy từng sợi tóc không. Như bạn biết, có một khoảng nhỏ màu sắc ở chính chỗ ánh sáng mặt trời phản chiếu – hiệu ứng nhiễu xạ, tôi có thể nhìn thấy điều đó. Tôi có thể nhìn thấy mỗi sợi tóc với độ nét như bạn muốn: một cảnh mộng hoàn hảo!

Một lần khác tôi có giấc mơ mà trong đó một cái đinh gim bị mắc kẹt trong khung cửa. Tôi nhìn thấy cái mũ đinh, vuốt dọc tay xuống khung cửa và cảm nhận được nó. Vậy là: “Trung khu nhìn” và “Trung khu cảm giác” của bộ não dường như là có kết nối với nhau. Sau đó tôi tự nói với mình: “Liệu chăng, chúng không nhất thiết phải kết nối với nhau?” Tôi nhìn lại vào khung cửa nhưng không thấy cái đinh đâu nữa. Tôi đưa ngón tay xuống thì lại cảm thấy cái mũ đinh!

Một lần khác khi đang mơ thì tôi nghe tiếng “Cốc-cốc; cốc- cốc”. Một điều gì đó đang xảy ra trong giấc mơ làm cho tiếng gõ này rất ăn nhập, nhưng không hoàn hảo – nó dường như là từ bên ngoài. Tôi nghĩ: “Chắc chắn là tiếng gõ ấy đến từ bên ngoài giấc mơ của mình, và mình đã hư cấu ra phần này của giấc mơ để ăn nhập với nó. Mình phải thức dậy và tìm xem đó là cái quái gì.”

Tiếng gõ vẫn tiếp diễn. Tôi tỉnh dậy, và… Hoàn toàn im lặng. Chẳng có gì. Vậy là, không có kết nối với bên ngoài.

Những người khác nói với tôi rằng họ đã từng kết nối những tiếng động bên ngoài vào trong giấc mơ của mình. Nhưng khi tôi đã có trải nghiệm này, cẩn thận “Xem xét từ nền móng”, và chắc mẩm là tiếng động đến từ bên ngoài giấc mơ, thì lại hóa ra không phải như vậy.

Trong suốt thời gian thực hiện những quan sát trong giấc mơ của mình, quá trình tỉnh dậy là thật đáng sợ. Khi bạn bắt đầu tỉnh giấc, có một thời điểm bạn cảm thấy người bị cứng đơ và trói chặt xuống, hoặc là như đang nằm ở dưới rất nhiều lớp mền bông. Thật khó giải thích, nhưng có những khoảnh khắc bạn cảm giác là không thể thoát ra được; bạn không chắc là mình có thể tỉnh dậy. Vì vậy, tôi phải tự nói với mình – sau khi đã tỉnh ngủ – rằng điều đó là ngớ ngẩn. Không có căn bệnh nào

mà tôi biết lại có thể làm cho một người chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên và rồi không thể tỉnh lại được. Bạn luôn có thể tỉnh lại. Sau khi tự nói với mình nhiều lần như vậy, tôi trở nên ngày càng ít sợ hãi hơn, và thực ra, tôi đã phát hiện ra là quá trình tỉnh giấc khá ly kỳ – có gì đó giống như khi đi tàu lượn: Sau một lát thì bạn không còn sợ nữa, và bạn bắt đầu thấy thích thú đôi chút.

Bạn có thể muốn biết quá trình quan sát giấc mơ của tôi đã dừng lại như thế nào. Một buổi tối, vẫn đang mơ như thường lệ, tôi thực hành những quan sát, và tôi nhìn thấy trên bức tường trước mặt có một cái cờ đuôi nheo. Tôi trả lời hai mươi lăm lần: “Đúng, tôi đang mơ giấc mơ có màu sắc,” và rồi nhận

Một phần của tài liệu Feynman chuyện thật như đùa: Phần 1 (Trang 53 - 64)