NHỮNG NĂ MỞ PRINCETON

Một phần của tài liệu Feynman chuyện thật như đùa: Phần 1 (Trang 73 - 87)

“Chắc là anh đang đùa,Feynman!” Feynman!”

Khi còn học ở MIT tôi rất yêu nơi này. Tôi nghĩ MIT là nơi tuyệt vời và tất nhiên muốn tiếp tục học sau đại học ở đó. Nhưng khi tôi đến gặp giáo sư Slater và bày tỏ với ông về ý định này, thì ông ấy nói: “Chúng tôi sẽ không cho em học ở đây.”

Tôi nói: “Gì cơ ạ?”

Slater hỏi: “Vì sao em nghĩ mình nên học sau đại học ở MIT?”

“Bởi vì MIT là trường tốt nhất trong cả nước về khoa học.” “Em nghĩ thế à?”

“Vâng.”

“Đó chính là lý do vì sao em nên đến các trường khác. Em nên khám phá xem phần còn lại của thế giới là như thế nào.”

Thế là, tôi quyết định đến Princeton. Lúc bấy giờ Princeton có một diện mạo tao nhã, phần nào mang dáng dấp một ngôi trường kiểu Anh. Vì vậy, mấy anh bạn trong hội nam sinh, những người đã biết tính cách bộc trực và không ưa hình thức của tôi, bắt đầu đánh tín hiệu kiểu như “Chờ cho đến khi họ nhận ra người mới đến Princeton là ai! Chờ cho đến khi họ nhìn thấy sai sót của mình!” Vì thế, tôi quyết định là phải gắng tỏ ra lịch lãm khi đến Princeton.

Bố đưa tôi đến Princeton bằng xe ô tô của mình và sau khi tôi nhận xong phòng ở thì ông ra về. Chưa đầy một tiếng sau, một

người đàn ông đến gặp tôi và nói: “Tôi là trưởng ký túc xá. Tôi muốn thông báo với em là Trưởng khoa sẽ tổ chức tiệc Trà vào chiều nay và ông ấy muốn tất cả các em đều có mặt. Chắc là em có thể giúp tôi nói lại điều này với bạn cùng phòng, cậu Serette.”

Đó là sự khởi đầu của tôi ở “Trường” sau đại học Princeton, tất cả sinh viên sống ở đó. Nó giống như là bản sao của Oxford hay Cambridge – hoàn tất thêm bằng những giọng nói (người phụ trách ký túc xá là một giáo sư “Van hóc Pháp”). Có hẳn một người khuân vác ở tầng dưới, ai cũng có phòng đẹp, và chúng tôi luôn ăn cùng nhau trong bộ cánh hàn lâm ở một hội trường lớn với những cửa sổ kính màu.

Vậy là tôi sắp đến dự Trà của Trưởng khoa ngay buổi chiều đầu tiên ở Princeton, cho dù thậm chí tôi không biết “Trà” là cái gì, hoặc vì sao! Tôi không có chút khả năng nào về giao tiếp xã hội; tôi cũng không có chút kinh nghiệm nào về những việc loại này.

Tôi bước về phía cửa, ở đó Trưởng khoa Eisenhart đang chào đón các sinh viên mới: “Ồ, em Feynman”, ông nói. “Chúng tôi rất vui được đón tiếp em”. Câu nói này trấn an tôi đôi chút vì ông ấy bằng cách nào đó đã nhận ra tôi.

Tôi bước vào trong thì thấy có mấy quý bà và cả mấy cô gái nữa. Tất cả đều rất trang trọng và khi tôi đang nghĩ xem nên ngồi chỗ nào, liệu có nên ngồi cạnh một cô gái không, và nên ứng xử ra sao, thì nghe thấy một giọng nói phía sau.

“Anh muốn dùng trà với cream hay chanh, Feynman?” Đó là bà Eisenhar, đang rót trà.

“Em muốn cả hai, cảm ơn cô,” tôi đáp trong lúc vẫn đang tìm một chỗ để ngồi, thì đột nhiên nghe thấy “He-he-he-he-he.

Chắc là anh đang đùa, Feynman.”

Đùa? Đùa? Mình vừa nói cái quái gì thế nhỉ? Rồi tôi cũng nhận ra điều mình đã làm. Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi với cái lễ nghi Trà này.

Về sau, khi đã ở Princeton lâu hơn, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của tiếng cười “He-he-he-he-he” ấy. Thực ra, ngay ở buổi trà đầu tiên đó, lúc ra về, tôi đã hiểu rằng nó có nghĩa là “Bạn mắc lỗi giao tiếp xã hội”. Bởi vì, lần tiếp theo tôi nghe thấy cũng tiếng cười khúc khích: “He-he-he-he-he”, của cô Eisenhart là khi một anh chàng nào đó hôn tay cô ấy lúc chào tạm biệt.

Một lần khác, có lẽ khoảng một năm sau, ở một tiệc trà khác, tôi nói chuyện với giáo sư Wildt, nhà thiên văn học đã đề ra lý thuyết về các đám mây trên sao Vệ nữ. Chúng được cho là formaldehyde và ông ấy đã hình dung ra tất cả, formaldehyde ngưng đọng như thế nào, và vân vân. Điều đó cực kỳ thú vị. Chúng tôi đang nói chuyện về vấn đề này thì một phụ nữ bé nhỏ đi đến và nói: “Anh Feynman, cô Eisenhart muốn gặp anh.”

“Vâng, một lát nữa…” và tôi tiếp tục nói chuyện với Wildt. Người phụ nữ bé nhỏ quay lại và nói: “Anh Feynman, cô Eisenhart muốn gặp anh.”

“Vâng, Vâng!” và tôi đến chỗ cô Eisenhart đang rót trà. “Em muốn dùng cà phê hay trà, Feynman?”

“Chị ấy bảo là cô muốn nói chuyện với em.”

“He-he-he-he-he. Em muốn dùng cà phê hay trà, Feynman?” “Trà ạ,” tôi đáp: “Cảm ơn cô.”

Lát sau, con gái của cô Eisenhart đến cùng với bạn học, và chúng tôi được giới thiệu làm quen với nhau. Toàn bộ ý tứ của “He-he-he” này là: Cô Eisenhart không hề muốn nói chuyện gì với tôi cả, cô muốn tôi qua chỗ đó dùng trà đúng lúc con gái của

cô ấy đến cùng với bạn, để họ có ai đó trò chuyện. Đó là cách thức điều hành công việc. Đến thời điểm ấy thì tôi đã biết mình phải làm gì khi nghe tiếng “He-hehe-he-he.” Tôi không hỏi: “Cô ngụ ý gì, ‘he-he-he-he-he’?”; tôi đã biết “He-he-he” nghĩa là “Lỗi”, và tốt nhất là tôi nên tự tìm ra nó.

Mỗi tối, chúng tôi phải mặc bộ cánh hàn lâm khi đi ăn. Tối đầu tiên, việc này làm tôi mất tự nhiên vì tôi vốn không thích trịnh trọng. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra là bộ cánh này rất tiện lợi. Mấy anh chàng vừa chơi quần vợt xong, có thể chạy vội về phòng với lấy bộ cánh hàn lâm, khoác vào người, thế là xong. Bọn họ không phải mất thời gian để thay quần áo hay tắm rửa. Thành thử bên trong bộ cánh ấy là những cánh tay trần, áo cộc tay, hay mọi thứ. Hơn nữa, có một qui ước là bạn không bao giờ giặt cái áo đó nên bạn có thể phân biệt được sinh viên năm thứ nhất với sinh viên năm hai, với sinh viên năm ba, và với một con heo! Vì bạn không bao giờ giặt cái áo hàn lâm, cũng không bao giờ chỉnh sửa nó, nên sinh viên năm thứ nhất có cái áo rất đẹp và khá sạch, nhưng khi bạn lên đến năm thứ ba thì nó không khác gì một tấm bìa các tông khoác lên vai bạn với những mảnh rách lủng lẳng trên đó.

Vậy là ngay khi đến Princeton, tôi đã tham dự tiệc trà vào chiều chủ nhật rồi đi ăn tối với bộ cánh hàn lâm ở “Trường”. Nhưng, sang ngày thứ hai, việc đầu tiên tôi muốn làm là đi xem máy cyclotron.

MIT đã lắp đặt một cyclotron mới khi tôi còn là sinh viên ở đó, và nó đơn giản là tuyệt đẹp. Riêng cyclotron chiếm một phòng, còn các bộ phận điều khiển thì ở phòng khác. Đó là một sản phẩm cơ khí đẹp. Toàn bộ dây dẫn chạy từ phòng điều khiển đến cyclotron được đặt trong một ống cách điện, và có một bàn toàn những nút bấm và đồng hồ đo. Nó chính là cái mà

tôi muốn gọi là cyclotron mạ vàng.

Lúc ấy tôi đã đọc nhiều bài báo về thí nghiệm cyclotron, nhưng không có mấy bài của MIT. Cũng có thể là họ chỉ mới bắt đầu. Trong khi đó, có rất nhiều kết quả từ các nơi như Cornell, Berkeley, và trên hết là Princeton. Thế nên, thứ tôi thực sự muốn xem, thứ tôi mong chờ được xem, chính là CYCLOTRON PRINCETON. Nó hẳn phải là một cái gì đó!

Vậy nên việc đầu tiên trong ngày thứ hai, tôi đi vào tòa nhà vật lý và hỏi: “Máy cyclotron ở đâu – toà nhà nào?”

“Nó ở dưới ấy, dưới tầng hầm – phía cuối hành lang.”

Dưới tầng hầm? Đó là một tòa nhà cũ kỹ. Không thể có phòng nào ở tầng hầm để đặt cyclotron. Tôi xuống phía cuối sảnh, đi qua cửa, và trong mười giây tôi hiểu tại sao Princeton chính là nơi dành cho tôi – nơi tốt nhất để tôi tiếp tục học sau đại học. Dây dẫn mắc loằng ngoằng khắp nơi trong phòng. Công tắc điện thõng xuống từ mấy đường dây dẫn, nước làm mát nhỏ giọt từ mấy cái van, căn phòng ngập đồ đạc, mọi thứ mở bung ra. Khắp nơi là những cái bàn chất đầy dụng cụ; đây là nơi bừa bộn khủng khiếp nhất mà bạn đã từng nhìn thấy. Toàn bộ cyclotron được đặt ở đó trong một phòng, một phòng hỗn loạn hoàn toàn và tuyệt đối..

Căn phòng đó làm tôi nhớ đến phòng thí nghiệm của mình ở nhà. Chẳng có cái gì ở MIT đã từng nhắc tôi nhớ đến phòng thí nghiệm của mình ở nhà cả. Tôi bất chợt hiểu ra tại sao Princeton lại sản sinh ra nhiều kết quả thế. Họ làm việc với thiết bị. Họ lắp đặt thiết bị. Họ biết mọi thứ ở đâu, biết mọi thứ hoạt động như thế nào. Chẳng có kỹ sư nào bị làm phiền, ngoại trừ có thể chính anh ta cũng làm việc ở đó. Cái cyclotron này nhỏ hơn nhiều cái ở MIT, còn “Mạ vàng”? – hoàn toàn ngược lại. Khi cần chỉnh sửa buồng chân không, họ nhỏ glyptal lên,

thành thử có những giọt glyptal rớt xuống sàn. Điều này thật tuyệt bởi vì họ làm việc (trực tiếp) với máy. Họ không cần ngồi ở một phòng khác và bấm nút! (Bất ngờ, đã xảy ra đám cháy trong phòng đó, do quá lộn xộn – quá nhiều dây rợ – đám cháy đã thiêu trụi cyclotron. Nhưng tốt nhất là tôi không nói về điều đó!)

(Khi đến Cornell tôi đã xem cyclotron ở đó. Cái cyclotron này làm sao mà cần đến cả một căn phòng vì bề ngang của nó chỉ khoảng một yard – đường kính của toàn bộ thiết bị. Nó là cái cyclotron nhỏ nhất trên thế giới, thế mà họ thu được những kết quả kì diệu. Họ có tất cả các kiểu kỹ thuật và mẹo mực chuyên biệt. Nếu muốn thay đổi cái gì đó trong các “D” – các nửa vòng tròn hình chữ D nơi các hạt chạy vòng quanh – họ dùng tuốc- nơ-vít tháo các “D” bằng tay, chỉnh sửa chúng, rồi lắp chúng lại. Ở Princeton việc này khó hơn nhiều, còn ở MIT thì người ta phải dùng một thiết bị cẩu chạy ngang trần nhà, hạ những cái móc xuống, và đó là một công việc cực nặng nhọc.)

Tôi học được nhiều điều từ các trường khác nhau. MIT là một nơi rất tốt. Tôi không có ý định đánh giá thấp nó. Đơn giản là tôi yêu nơi này. MIT đã tạo dựng cho mình một tinh thần để mọi thành viên ở đó nghĩ rằng đây là nơi tuyệt vời nhất trên thế giới – theo một nghĩa nào đó, nó là trung tâm phát triển khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ, nếu không nói là của cả thế giới. Điều đó giống như cách nhìn của người New York về thành phố New York: họ quên hết phần còn lại của đất nước. Và chừng nào bạn chưa có được cảm nhận đúng đắn về sự cân đối, thì bạn vẫn có cái cảm giác tuyệt vời của việc được đồng hành với ngôi trường ấy, sống trong ngôi trường ấy, và có được động cơ và ham muốn thăng tiến - bạn đã được lựa chọn một cách đặc biệt và thật may mắn khi được ở đó.

MIT thực sự là tuyệt, nhưng Slater đã đúng khi khuyên tôi học tiếp sau đại học ở một trường khác. Tôi cũng thường khuyên sinh viên của mình như vậy. Hãy tìm hiểu xem phần còn lại của thế giới là như thế nào. Sự đa dạng luôn bổ ích.

Một lần tôi đã làm thí nghiệm trong phòng cyclotron ở Princeton và thu được một số kết quả bất ngờ. Có một vấn đề trong sách thủy động lực học được tất cả sinh viên khoa vật lý thảo luận. Vấn đề là thế này: Bạn có một cái vòi tưới cỏ hình chữ S – một cái ống hình chữ S đặt trên một cái trục quay – và nước phun ra theo hướng vuông góc với trục, làm nó quay theo một chiều nhất định. Ai cũng biết nó quay theo chiều nào - ngược với hướng nước phun ra. Câu hỏi bây giờ là: nếu bạn có một cái hồ, hoặc một bể bơi – một chỗ chứa nhiều nước – và bạn nhấn cái vòi chìm sâu trong nước, rồi hút nước vào thay vì phun ra, thì nó sẽ quay theo chiều nào? Liệu nó có quay theo cùng chiều như khi bạn làm nước phun ra trong không khí, hay theo chiều khác?

Câu trả lời là hoàn toàn rõ ràng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Phiền toái là ở chỗ, có người nghĩ nó hiển nhiên quay theo chiều này, còn người khác lại nghĩ nó hiển nhiên quay theo chiều kia. Thế là mọi người tranh luận. Tôi nhớ trong một buổi seminar, hoặc tiệc trà, ai đó đã đến hỏi giáo sư John Wheeler: “Giáo sư nghĩ là nó sẽ quay theo chiều nào?”

Wheeler nói: “Hôm qua, Feynman thuyết phục tôi là nó quay ngược lại. Nhưng hôm nay, cậu ấy lại thuyết phục tôi với cùng mức độ tin cậy rằng nó quay cùng chiều. Tôi không biết ngày mai cậu ấy sẽ thuyết phục tôi cái gì!”

Tôi sẽ đưa ra một lập luận làm cho bạn nghĩ nó quay theo một chiều, và một lập luận khác làm cho bạn nghĩ nó quay theo chiều ngược lại, được không?

Một lập luận là thế này: khi bạn hút nước vào trong thì cũng giống như bạn hút nước bằng một cái vòi, cho nên nó sẽ đi tới, hướng về phía dòng nước đang chảy đến.

Nhưng rồi một anh chàng khác cắt ngang và nói: “Giả sử chúng ta giữ nó đứng yên và hỏi rằng chúng ta cần mômen xoắn nào để giữ như thế. Trong trường hợp nước phun ra ngoài, chúng ta đều biết là phải giữ ở phía ngoài của ống cong bởi vì lực ly tâm của nước tác động dọc theo ống. Khi nước vẫn chảy dọc theo ống đó nhưng theo chiều ngược lại, thì nó vẫn tạo ra lực ly tâm hướng ra bên ngoài ống. Do đó, hai trường hợp là như nhau, và cái vòi sẽ quay theo cùng một hướng, bất kể bạn phun nước ra hay hút nước vào.”

Sau khi ngẫm nghĩ, cuối cùng tôi định hình được trong đầu câu trả lời là thế nào, và để minh họa tôi muốn làm một thí nghiệm.

Trong phòng thí nghiệm cyclotron ở Princeton có một cái bình lớn – một cái chai khổng lồ đựng nước. Tôi nghĩ cái bình đó thật thích hợp cho thí nghiệm của mình. Tôi lấy một đoạn ống đồng và uốn thành hình chữ S. Tôi đục một lỗ ở giữa ống, nhét vào đó một mẩu ống cao su, rồi luồn nó lên trên qua một lỗ ở cái nút đặt phía trên cái chai. Trên nút này còn có một lỗ nữa, qua đó tôi luồn ống cao su thứ hai nối với bình nén khí ở trong phòng thí nghiệm. Bằng cách thổi không khí vào trong chai, tôi có thể đẩy nước vào trong ống đồng giống hệt như ta hút nước vào. Trong thí nghiệm này thì ống đồng hình chữ S không quay tròn được, nhưng nó sẽ xoắn lại (do ống dây cao su mềm dẻo), và tôi sẽ đo tốc độ dòng nước bằng cách đo xem nước phun ra bao xa từ đỉnh nút chai.

Tôi lắp đặt mọi thứ đâu vào đấy, mở bình nén khí, và một tiếng “Bụp!”. Áp suất không khí thổi bay cái nút ra khỏi chai.

Tôi buộc giằng cái nút xuống rất chặt, nên nó không thể bật ra được nữa. Bây giờ thì thí nghiệm diễn ra rất tốt. Nước phun ra và ống dây cao su xoắn lại, nên tôi tăng áp suất lên một chút, vì với vận tốc cao hơn thì các đo đạc sẽ chính xác hơn. Tôi đo góc xoắn rất cẩn thận, đo khoảng cách, và lại tăng áp suất, nhưng đột nhiên toàn bộ thiết bị thổi tung thủy tinh và nước bay về mọi phía khắp cả phòng thí nghiệm. Anh chàng đến xem tôi làm thí nghiệm bị ướt hết và phải về nhà thay quần áo (thật là một phép màu, anh chàng đó đã không bị thủy tinh đâm vào).

Một phần của tài liệu Feynman chuyện thật như đùa: Phần 1 (Trang 73 - 87)