Sếp nghiên cứu hóa học của công ty Metaplast

Một phần của tài liệu Feynman chuyện thật như đùa: Phần 1 (Trang 64 - 73)

công ty Metaplast

Sau khi kết thúc việc học ở MIT, tôi muốn tìm một công việc để làm trong mùa hè. Tôi đã hai, ba lần nộp đơn đến phòng thí nghiệm Bell[15] và cũng đã đến thăm nơi đó vài lần. Bill Shockley[16] đã biết là tôi đến từ một phòng thí nghiệm ở MIT, nên lần nào cũng đưa tôi đi xem một vòng. Tôi rất thích những chuyến viếng thăm đó, nhưng chưa bao giờ được nhận vào làm việc ở đây.

Tôi cũng có thư giới thiệu của các giáo sư đến hai công ty chuyên ngành. Một là công ty Bausch và Lomb, chuyên kiểm tra các tia sáng đi qua thấu kính; và một là phòng Thí nghiệm Kiểm tra Điện ở New York. Ở thời đó, thậm chí chẳng ai biết nhà vật lý là gì, và cũng chẳng có công việc nào dành cho họ ở các công ty. Các kỹ sư, tốt rồi!; nhưng các nhà vật lý - chẳng ai biết dùng họ như thế nào. Thật thú vị là ngay sau chiến tranh, tình thế đảo ngược 180 độ: ở đâu người ta cũng muốn có các nhà vật lý. Thành thử, với tư cách một nhà vật lý đi kiếm việc ở thời hậu Đại suy thoái[17] tôi đã không được đâu nhận.

Cũng khoảng thời gian đó, tôi gặp một người bạn cũ trên bãi biển ở thị trấn quê hương Far Rockaway, nơi chúng tôi đã cùng lớn lên. Chúng tôi cùng đến trường ở tuổi mười một hay mười hai và đã từng là đôi bạn rất thân. Cả hai đều mê khoa học. Cậu ta có một “Phòng thí nghiệm” và tôi có một “Phòng thí nghiệm”. Chúng tôi thường cùng nhau chơi đùa và thảo luận

các vấn đề.

Chúng tôi hay bày trò biểu diễn ảo thuật – ảo thuật hóa học – cho lũ trẻ trong khu dân cư. Cậu bạn tôi là một cây tổ chức biểu diễn, và tôi cũng đại loại như vậy. Chúng tôi diễn trò trên một cái bàn nhỏ, mỗi đầu bàn có một cái đèn hơi Bunsen luôn luôn cháy. Ở trên hai cái đèn, chúng tôi để các miếng kính đồng hồ (các đĩa thủy tinh phẳng) phía trên có iốt, nó tạo ra hơi màu hồng rất đẹp bay lên từ hai đầu bàn trong suốt thời gian biểu diễn. Thật là tuyệt! Chúng tôi làm rất nhiều trò, chẳng hạn như biến “Rượu vang” thành nước, hoặc các thay đổi màu sắc hóa học khác. Ở màn kết, chúng tôi thường biểu diễn một trò mà chúng tôi đã nghĩ ra. Tôi (bí mật) nhúng hai bàn tay trước tiên vào thùng nước, rồi nhúng tiếp vào benzin. Sau đó, tôi “Vô tình” lướt tay qua một cái đèn Bunsen đang cháy, thế là một bàn tay của tôi bùng lên. Khi tôi vỗ hai bàn tay vào nhau, thì cả hai tay đều bùng cháy. (Tay không bị đau vì nó cháy rất nhanh và nước giữ cho nó không bị nóng lên). Rồi tôi vẫy hai bàn tay, vừa chạy vòng quanh vừa hét: “Cháy! Cháy!” làm cho bọn trẻ vô cùng thích thú. Chúng chạy ào ra khỏi phòng và đó cũng là màn kết của buổi diễn!

Sau này, tôi kể lại chuyện đó cho mấy người anh em ở cùng nhà khi học đại học và họ bảo: “Bịa, cậu không thể làm được trò ấy!”

(Tôi thường gặp vấn đề là phải chứng minh cho những anh bạn trẻ này điều mà họ không tin - giống như lần chúng tôi tranh luận về việc liệu có phải nước tiểu chảy được ra ngoài là do trọng lực không, và tôi đã phải chứng minh rằng không phải như vậy bằng cách chỉ cho họ thấy là bạn có thể đi tiểu ngay cả khi đang lộn đầu xuống đất. Hay là một lần, khi ai đó tuyên bố rằng nếu bạn uống aspirin[18] với coca-cola thì sẽ bị bất tỉnh

nhân sự ngay lập tức. Tôi nói với bọn họ rằng theo tôi điều đó là hoàn toàn nhảm nhí, và tỏ ý sẵn sàng uống aspirin với coca cùng một lúc. Rồi họ bàn luận về cách thức uống: bạn phải uống aspirin trước coca, ngay sau coca, hay là trộn với coca. Thế là tôi uống sáu viên aspirin và ba cốc coca-cola, kế tiếp nhau. Đầu tiên tôi uống hai viên aspirin tiếp nối bằng một coca, kế đến họ hòa tan hai viên aspirin vào một coca và tôi nốc cạn, rồi sau cùng tôi uống một coca trước và hai viên aspirin sau. Mỗi lần uống, những tay ngớ ngẩn tin vào hiệu ứng “Ngất lịm” đứng vây quanh chờ để đỡ tôi, khi tôi bị ngất. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Tôi còn nhớ là tối hôm đó tôi ngủ không ngon, nên đã ra khỏi giường, làm rất nhiều tính toán, và tìm ra mấy công thức cho hàm Zeta Riemann.)

“Được rồi, các cậu,” tôi nói. “Hãy đi kiếm một ít benzin.”

Bọn họ đã có sẵn benzin. Tôi nhúng bàn tay vào bồn nước, rồi vào benzin, và châm lửa… Và đau không chịu được! Bạn thấy đấy, vào thời gian này, lông đã mọc trên mu bàn tay tôi, chúng đóng vai trò như những cái bấc (nến) giữ benzin lại khi nó cháy. Ở lần diễn trò trước đây, trên mu bàn tay tôi chưa hề có lông. Sau lần trình diễn thí nghiệm cho mấy người anh em trong nhà nam sinh ấy thì mu bàn tay tôi cũng chẳng còn sợi lông nào nữa.

Vâng, tôi và cậu bạn nối khố gặp lại nhau trên bãi biển, và cậu ấy cho tôi biết là cậu ta có một qui trình mạ kim loại lên nhựa. Tôi nói điều đó là bất khả thi vì nhựa không dẫn điện: bạn không thể đấu mạch điện. Nhưng cậu ấy nói là có thể mạ kim mọi thứ. Tôi vẫn còn nhớ cậu ấy đã nhặt một hạt đào ở trên cát và bảo rằng cậu ta có thể mạ kim nó – cố gắng gây ấn tượng với tôi.

cái công ty nho nhỏ của mình nằm trên tầng thượng của một tòa nhà ở New York. Trong công ty chỉ có khoảng bốn năm người. Bố cậu ấy là người quản lý tiền và, tôi nghĩ, cũng là “Chủ tịch”. Cậu ấy là “Phó chủ tịch”. Một thành viên khác là người bán hàng. Tôi là “Sếp nghiên cứu hóa học”. Người anh của bạn tôi, một người không được thông minh cho lắm, lãnh nhiệm vụ rửa chai lọ. Chúng tôi có sáu cái bể mạ kim loại. Họ sở hữu qui trình mạ kim lên nhựa này với lược đồ như sau: Đầu tiên làm lắng đọng bạc lên vật cần mạ bằng cách kết tủa bạc từ bể bạc nitrate nhờ một tác nhân khử (giống như khi bạn mạ gương); sau đấy nhúng vật đó, với lớp bạc ở trên đóng vai trò như là một vật dẫn điện, vào bể mạ điện, thế là bạc sẽ được mạ lên vật.

Vấn đề là liệu bạc có bám dính vào vật đó không?

Nó không dính. Nó dễ dàng bong ra. Vì thế có một bước trung gian làm cho bạc bám dính chắc hơn vào vật cần mạ. Điều này phụ thuộc vào vật liệu. Với những thứ như nhựa tổng hợp Bakelite, loại nhựa rất quan trọng ở thời đó, thì cậu bạn tôi đã khám phá ra rằng nếu cậu ta phun cát để rửa nó trước, rồi ngâm nó nhiều giờ trong thiếc hydroxide, chất này sẽ chui vào những lỗ nhỏ li ti của Bakelite, và bạc sẽ bám giữ rất chắc trên bề mặt.

Nhưng cách này chỉ hiệu quả với một vài loại nhựa, trong khi các loại nhựa mới thì lại liên tục xuất hiện, chẳng hạn như methyl methacrylate (bây giờ ta gọi là thủy tinh plexi) là thứ mà ban đầu chúng tôi không thể mạ trực tiếp được. Và cellulose acetate, một loại nhựa cực rẻ, cũng là một thứ mà ban đầu chúng tôi bó tay, tuy nhiên cuối cùng chúng tôi cũng khám phá ra rằng nếu để nó trong natri hydroxide một lúc trước khi dùng thiếc clorua, thì việc mạ rất ổn.

công ty. Lợi thế của tôi là anh bạn nối khố không làm một tý gì về hóa cả. Anh ta không làm thí nghiệm; mà chỉ đơn giản biết cách làm mấy thứ nhất định. Tôi tiến hành công việc bằng cách bỏ nhiều miếng nhựa khác nhau vào những cái chai rồi đổ đủ các kiểu hóa chất vào trong đó. Bằng cách thử và theo dõi sát tất cả mọi thứ, tôi đã tìm ra các cách mạ cho nhiều loại nhựa hơn so với bạn tôi đã làm trước đó.

Tôi còn có thể đơn giản hóa qui trình của cậu ấy. Nhờ tìm hiểu trong sách, tôi thay đổi chất khử từ gluco sang formaldehyde, thế là có thể thu lại ngay lập tức 100 phần trăm bạc, thay vì sau đó phải thu hồi bạc còn lại trong dung dịch.

Tôi cũng làm cho thiếc hydroxide hòa tan được trong nước bằng cách thêm một ít axit clohydric – điều mà tôi nhớ được từ môn hóa ở đại học. Thành ra cái việc vốn trước đây thường mất hàng giờ đồng hồ thì nay chỉ cần khoảng năm phút.

Những thí nghiệm của tôi luôn bị người phụ trách bán hàng làm cho gián đoạn. Anh ta thường mang ở đâu về tấm nhựa nào đó của một khách hàng tiềm năng. Tôi đã xếp tất cả chai lọ thành hàng và đánh dấu cẩn thận thì đột nhiên: “Anh hãy dừng thí nghiệm này lại để làm một ‘việc khẩn’ cho bộ phận bán hàng!” Vì thế, rất nhiều thí nghiệm đã phải bắt đầu đi bắt đầu lại.

Một lần tôi đã rơi vào tình huống vô cùng rắc rối. Một nghệ sĩ nào đó đang gắng làm một bức tranh cho trang bìa của một tạp chí về ô tô. Anh ta đã rất cẩn thận làm một cái bánh xe bằng nhựa, và không hiểu vì sao mà người bán hàng của chúng tôi lại nói với anh ta rằng chúng tôi có thể mạ mọi thứ. Thế là nghệ sĩ muốn chúng tôi mạ cái trục bánh xe sao cho nó sáng bóng như làm bằng bạc. Bánh xe được làm từ một loại nhựa mới mà chúng tôi không biết rõ lắm cách mạ nó. Thực ra, người bán

hàng chưa bao giờ biết là chúng tôi có thể mạ được cái gì, thế nên anh ta cứ hứa đại mọi thứ - và đây là lần đầu lời hứa của anh ta không được thực hiện. Vì thế, để sửa nó chúng tôi phải lấy lớp bạc cũ ra, nhưng chúng tôi không thể bóc nó ra một cách dễ dàng. Tôi quyết định dùng axit nitric đặc bôi lên, nó bóc lớp bạc ra một cách ngon lành, nhưng cũng đồng thời tạo ra trên mặt nhựa các vết rỗ và những cái lỗ nhỏ. Lần ấy chúng tôi thực sự đã lâm vào tình cảnh cực kì khó khăn. Thực ra, chúng tôi đã nếm trải nhiều thí nghiệm “Cực kì khó khăn” như vậy.

Những người khác trong công ty cho rằng chúng tôi nên đăng quảng cáo ở tạp chí Modern Plastic (Chất dẻo hiện đại).

Một vài sản phẩm mạ kim của chúng tôi thực sự là rất đẹp. Chúng xứng đáng để đưa lên quảng cáo. Chúng tôi cũng đặt vài thứ trong cái tủ trưng bày ở phía trước để cho các khách hàng tiềm năng ngắm nghía, nhưng không ai được lấy những thứ dùng để quảng cáo hay trưng bày trong tủ để kiểm tra xem lớp mạ bám dính chắc đến mức nào. Có lẽ một số trong đó thực sự là sản phẩm tốt. Nhưng, đó là những sản phẩm được làm ra một cách đặc biệt, chứ không phải là những sản phẩm đại trà.

Ngay sau khi tôi rời khỏi công ty vào cuối mùa hè để đến Princeton, họ nhận được một đơn đặt hàng khá lớn của một người muốn mạ kim loại những cái bút bằng nhựa. Bây giờ thì mọi người sẽ có thể sở hữu những cái bút bạc vừa nhẹ, vừa tiện dụng, lại vừa rẻ. Những cái bút sẽ bán hết veo, và thật thú vị khi nhìn thấy mọi người đi lại loanh quanh khắp nơi với những cái bút ấy – mà bạn biết là chúng từ đâu ra.

Nhưng rất tiếc, công ty không có nhiều kinh nghiệm với loại vật liệu này - hoặc có lẽ là với chất độn dùng cho loại nhựa đó (hầu hết các loại nhựa không phải là tinh khiết; chúng có chứa “Chất độn”, mà ngày ấy chưa được kiểm soát tốt) – và mấy thứ

vớ vẩn ấy có thể làm giộp bề mặt vật liệu. Khi bạn có trong tay một thứ gì đó có vết giộp nhỏ bắt đầu bong ra, bạn sẽ không thể không táy máy cái vết bong ra ấy. Vì thế ai cũng táy máy lớp mạ bong ra của cây bút.

Tức thì công ty có nhiệm vụ khẩn cấp là phải sửa những cái bút này. Cậu bạn của tôi cả quyết rằng cậu ấy cần một cái kính hiển vi cỡ lớn, và vân vân. Cậu ta không biết là mình sẽ quan sát cái gì, hoặc vì sao, và công ty của cậu ấy tốn rất nhiều tiền cho nghiên cứu vớ vẩn này. Kết quả là họ gặp rắc rối lớn: họ không bao giờ giải quyết được vấn đề đó, và công ty đã phá sản, bởi vì đơn đặt hàng lớn đầu tiên của họ đã thất bại như vậy.

Vài năm sau, tôi làm việc ở Los Alamos[19]. Ở đó có một anh chàng tên là Frederic de Hoffman[20]. Cậu ta là một loại khoa học gia, nhưng hơn nữa, cậu ấy còn rất giỏi công việc quản lí hành chính. Chưa được đào tạo ở trình độ cao, nhưng cậu ấy thích toán học và làm việc rất chăm chỉ. Cậu ấy cố gắng bù đắp những lỗ hổng về đào tạo bằng cách làm việc cực chăm. Sau này cậu ấy trở thành chủ tịch hay phó chủ tịch gì đó của công ty General Atomics[21] và là một nhân vật cỡ bự trong giới doanh nghiệp. Còn khi ấy cậu ta chỉ là một thanh niên đầy năng lực và nhiệt huyết với đôi mắt mở to, làm việc hết mình cho Dự án.

Một hôm, chúng tôi ngồi ăn ở Fuller Lodge, và cậu ấy kể với tôi là đã làm việc ở Anh quốc trước khi đến Los Alamos.

“Cậu làm công việc gì ở đó?” tôi hỏi.

“Tôi làm về quy trình mạ kim loại lên nhựa. Tôi là một trong số những người làm việc ở phòng thí nghiệm.”

“Công việc đó thế nào?”

“Khá tốt, nhưng chúng tôi có những rắc rối của mình.” “Sao?”

“Ngay khi chúng tôi bắt đầu xây dựng qui trình của mình thì có một công ty ở New York…”

“Công ty nào ở New York?”

“Đó là công ty Metaplast. Họ đã tiến xa hơn chúng tôi.” “Cậu có thể nói họ tiến xa như thế nào không?”

“Họ quảng cáo suốt trên tạp chí Modern Plastic với trọn một

trang nói về tất cả những thứ họ có thể mạ. Chúng tôi thừa nhận là họ đã vượt xa mình.”

“Thế cậu có sản phẩm nào của họ không?”

“Không, nhưng với những quảng cáo này thì bạn có thể nói rằng họ đã vượt trước những gì chúng tôi có thể làm được. Qui trình của chúng tôi khá tốt, nhưng thật vô ích khi cạnh trạnh với qui trình tương tự của người Mỹ.”

“Các cậu có bao nhiêu nhà hóa học làm việc trong phòng thí nghiệm?”

“Chúng tôi có sáu nhà hóa học.”

“Thế cậu nghĩ là công ty Metaplast có bao nhiêu nhà hóa học?”

“À! Chắc hẳn họ phải có một phòng hóa học thực sự!”

“Cậu có thể cho tôi biết cậu hình dung thế nào về Sếp nghiên cứu hóa học của công ty Metaplast, ông ta là người như thế nào, và phòng thí nghiệm của ông ta hoạt động ra sao?”

“Tôi đoán là họ phải có hai lăm hoặc năm mươi nhà hóa học, còn Sếp nghiên cứu hóa học của họ hẳn là phải có một phòng làm việc riêng – một phòng đặc biệt, với các dụng cụ thuỷ tinh. Anh biết đấy, giống như trong phim ảnh – các nhân viên liên tục vào phòng mang theo những dự án nghiên cứu đang triển khai, nhận chỉ thị của Sếp, rồi vội vàng đi ra để tăng cường

nghiên cứu, mọi người cứ đi vào đi ra suốt như thế. Với hai lăm hoặc năm mươi nhà hóa học thì chúng tôi làm thế quái nào mà cạnh tranh với họ được?”

“Cậu hẳn sẽ thấy thích thú và tức cười khi biết là chính lúc này cậu đang nói chuyện với Sếp nghiên cứu hóa học của công ty Metaplast đấy, và nhân viên duy nhất của anh ta là một người rửa chai lọ!”

PHẦN 2

Một phần của tài liệu Feynman chuyện thật như đùa: Phần 1 (Trang 64 - 73)