Trong hệ thống pháp luật Anh – cái nôi ra đời của án lệ và cũng là quốc gia có truyền thống án lệ lâu đời nhất trên thế giới, không tồn tại bất cứ một văn bản luật nào quy định về tính bắt buộc của án lệ, cũng như đòi hỏi thẩm phán và các tòa án phải áp dụng, viện dẫn án lệ như thế nào. Việc coi án lệ là nguồn luật bắt buộc và những nguyên tắc kỹ thuật viện dẫn nó hoàn toàn xuất phát từ những phương pháp mang tính truyền thống, tập quán trong văn hóa pháp lý của các hệ thống Thông luật.
Tại Anh, theo nghĩa rộng án lệ là nguyên tắc bắt buộc, đòi hỏi thẩm phán trong các cơ quan tòa án khi xét xử một vụ việc cụ thể cần phải căn cứ ngay vào các bản án trước đó, đặc biệt là các phán quyết của tòa án cấp trên; là những nguyên tắc không theo luật định được đưa ra từ các quyết định tòa án; hoặc là hệ thống các nguyên tắc bất thành văn đã được công nhận và hình thành qua các ý kiến, hay quyết định được tuyên bố bởi Tòa án và có giá trị như nguồn luật.
Ở Anh những phán quyết của Thượng nghị viện, tòa án phúc thẩm và tòa án cấp cao đều có giá trị ràng buộc đối với các tòa án thấp hơn. Tuy nhiên không phải toàn bộ các phán quyết của các tòa án này đều có giá trị ràng buộc mà chỉ có bản án được xuất bản mới trở thành án lệ và có giá trị ràng buộc. Phán quyết của tòa phúc thẩm và tòa án cấp cao không có giá trị ràng buộc Thượng nghị viện nhưng thông thường Thượng nghị viện rất tôn trọng phán quyết của các tòa án này. Từ sau năm 1966 Thượng nghị viện
20
Anh không bắt buộc phải tuân thủ các phán quyết của chính mình. Phán quyết của Tòa án hình sự trung ương, Tòa địa hạt và Tòa án hình sự và gia đình không phải là án lệ và không có giá trị ràng buộc. Trong mỗi bản án cũng chỉ có phần các nguyên tắc đề ra phán quyết là có giá trị ràng buộc; còn phần bình luận của thẩm phán chỉ có giá trị để tham khảo.
Cần lưu ý rằng, về mặt kỹ thuật, nói một cách chặt chẽ, khi xét xử, các thẩm phán không phải tuân theo quyết định được đưa ra trong vụ án trước, mà chỉ phải tuân theo quy tắc pháp lý trong phần luận cứ chính được đưa ra trong bản án trước13. Án lệ về hình thức là những bản án đã trở thành luật, tạo thành một thứ luật có tên gọi là luật án lệ hay luật do thẩm phán làm ra bên cạnh luật do nghị viện ban hành. Do đó, án lệ không phải là tuyệt đối tuân theo đối với tòa án và thẩm phán trong các vụ án tương tự sau này, khi họ cho rằng, án lệ đã không còn phù hợp với bối cảnh mới hoặc không bảo vệ được công lý.
Án lệ được coi trọng ở Anh vì người Anh cho rằng đây là phương thức đạt được công lí tốt nhất. Đó là khi các bên đương sự trong các vụ án tương tự phải nhận được những phán quyết tương tự, nếu không pháp luật trở nên bất công và tùy tiện; pháp luật được đặt ra và áp dụng một cách công bằng, nhất quán và xác đáng hay thỏa đáng. Khi một nền pháp luật tạo ra và bảo đảm được ba giá trị đó thì xã hội sẽ có công lý. Không thể xử những vụ án giống nhau bằng những bản án khác nhau. Nguyên tắc này là nền tảng cho “sự thống trị của luật”, là bức tường thành chống đỡ sự xét xử tùy tiện hoặc độc đoán của cá nhân, chống lại “sự thống trị của cá nhân”14.
Tính tích cực của án lệ nước Anh:
13 Richard Ward & Amanda Wragg, English Legal System, 9th Ed, Oxford University Press, 2005, p.81
21
- Thứ nhất, pháp luật được cụ thể hóa thông qua thực tiễn xét xử. Điểm đặc thù trong hệ thống pháp luật Anh là bộ phận quan trọng của luật thực định Anh là do cơ quan tư pháp tạo ra dựa trên cơ sở áp dụng và phát triển án lệ hay tiền lệ pháp. Những lĩnh vực như luật hợp đồng, bồi thường trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng cũng như hành vi phạm tội nghiêm trọng như giết người và hành hung tập thể đều là sản phẩm của cơ quan tư pháp chứ không phải của cơ quan lập pháp. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hệ thống pháp luật Anh với các hệ thống pháp luật pháp điển hóa ở châu Âu lục địa và những hệ thống pháp luật khác chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật ở châu Âu lục địa. Với ưu điểm điểm này, phần lớn quy phạm trong luật thực định Anh mang tính thực tiễn cao hơn, dễ áp dụng, dễ đi vào cuộc sống, ít tính trừu tượng, khó hiểu như quy phạm trong luật thực định của pháp luật các nước châu Âu, nơi mà tư duy pháp luật được hình thành từ các giảng đường đại học chứ không phải bằng con đường quyền lực nhà nước.
- Thứ hai, nguyên tắc áp dụng án lệ chặt chẽ, rõ ràng. Nước Anh là quốc gia đặt nền tảng cho sự ra đời của án lệ nên quy định về nguyên tắc áp dụng án lệ ở đây rất cụ thể, chặt chẽ và rõ ràng. Điều này mang tới những lợi thế trong thực tiễn thi hành và áp dụng pháp luật như sau: Giúp cho hệ thống tuyển tập án lệ đã xuất bản dễ dàng phát huy tính hiệu quả trên thực tế; Tạo thuận lợi cho hệ thống Tòa án cấp dưới dễ dàng áp dụng các bản án là án lệ; Giá trị về mặt thời gian của án lệ.
Tính hạn chế của án lệ ở Anh:
- Tính nghiêm ngặt: có thể thấy rõ tính nghiêm ngặt của án lệ của Anh là khuôn mẫu, máy móc, trong các bản án hầu như không có chỗ cho quan điểm của thẩm phán về chính sách chung, đặc biệt những vụ việc mà tòa án coi là quan trọng. So với Mỹ, vai trò thẩm phán ở Anh trong sáng tạo ra các án lệ bị gò bó hơn ở Mỹ, mặc dù án lệ bắt buộc áp dụng ở Anh tuy cũng có những ưu điểm nhưng trong một góc nhìn khác cũng
22
chính nguyên tắc này đã trở thành lực cản đối với sự sáng tạo của các thẩm phán khi xét xử bởi họ phải tuân thủ án lệ một cách nghiêm ngặt.
- Thứ hai, tính phức tạp của án lệ khi áp dụng. Án lệ xét xử là nguồn cơ bản của pháp luật nước Anh. Hiện tại nước Anh có khoảng 800.000 án lệ xét xử, đồng thời mỗi năm bổ sung thêm hơn 20.000 án lệ xét xử mới. Tất cả án lệ xét xử đó tạo thành tuyển tập theo pháp luật bên trong quốc gia là theo pháp luật châu Âu. Với khối lượng án lệ lớn và sự phức tạp trong việc tra cứu án lệ là vấn đề khó khăn đối với thẩm phán và luật sư trong việc tìm ra các án lệ phù hợp bản chất của các vụ việc đang xử lý.