Buồng máy cũng như một xưởng sửa chữa, sản suất nên người trực ca hoặc người xuống làm việc dưới buồng máy phải thực hiện nghiêm các nội quy sau:
- Nghiêm cấm tất cả người lạ xuống buồng máy, người được phép xuống buồng máy nhưng không phải nhiệm vụ không được sử dụng, khởi động thiết bị; cấm hút thuốc và mang chất dễ nổ xuống buồng máy, đề phòng cháy nổ, hư hỏng thiết bị. Khi đi ca máy phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động và phải mang đủ đồ bảo hộ lao động;
- Nhận ca và giao ca trước 5 phút và phải ghi nhật ký rõ ràng, có ký nhận đầy đủ. Tuyệt đối chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện;
- Trong khi đi ca không được làm việc riêng, phải thường xuyên theo dõi các thông số kỹ thuật và tình trạng của động cơ để kịp thời xử lý những hư hỏng đột xuất; - Vệ sinh và sắp xếp gọn gàng buồng máy, bơm la canh ghi nhật ký máy đầy đủ trước khi bàn giao ca. Buồng máy phải sạch sẽ không vứt giẻ lau bừa bãi, không được đổ dầu mỡ xuống sàn, nếu có thì phải lau chùi ngay cho khô ráo;
- Khi trực ca nếu xảy ra sự cố phải đứng vào đúng vị trí của mình đã được phân công;
- Khi phát hiện sự làm việc không bình thường hoặc hỏng hóc của máy, thiết bị phải kịp thời có biện pháp thích hợp để xử lý và báo cáo ngay cho máy trưởng hoặc thuyền trưởng biết;
- Không tự ý thay đổi quy trình được niêm yết và thực hiện đúng quy trình đã được niêm yết. Dụng cụ sửa chữa phải được treo lên bảng dụng cụ, khi sử dụng dụng cụ phải đúng chức năng, mục đích;
- Sổ sách, tài liệu, phải để nơi thuận tiện trong buồng máy, để có thể lấy ra sử dụng ghi chép. Vật tư, dụng cụ, trang thiết bị phải có tủ, để ngăn nắp, gọn gàng, khi cần để có thể lấy dễ dàng;
- Khi sửa chữa xong phải lau chùi dọn dẹp nơi làm việc, dụng cụ để vào đúng vị trí qui định, không vứt bừa bãi giẻ lau xuống sông, biển. Dụng cụ cho mượn kể cả trong tàu phải ghi vào sổ mượn dụng cụ.
Mọi thuyền viên bộ phận máy đều phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy này.