TTXVN (Hong Kong) - Theo Nhật báo Kinh tếHong Kong, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - một sự kiện chính trị được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm- đã kết thúc. từ thông báo của hội nghị và những phát biểu trong cuộc họp báo sau hội nghị (ngày 1/11) cho thấy, mặc dù Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như suy thoái kinh tế trong nước, cuộc chiến thương mại khốc liệt với Mỹ và bất ổn xã hội ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, vai trò lãnh đạo và lý thuyết quản trị điều hành đất nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình vẫn được giới tinh anh trong Đảng ủng hộ. Quyền lực cá nhân và vai trò lãnh đạo của Tập không những chưa bị thách thức, mà còn vững chắc hơn trước.
Hội nghị Trung ương 4 lần này cách Hội nghị Trung ương 3 diễn ra hồi đầu năm 2018 đến 20 tháng. Đây là khoảng thời gian dài nhất giữa hai Hội nghị Trung ương kể từ những năm 1970, khiến dư luận đồn đoán rằng những chia rẽ trong nội bộ đảng về vai trò lãnh đạo của Tập Cận Bình đã dẫn đến việc trì hoãn hội nghị này.
Tuy nhiên, việc triệu tập Hội nghị Trung ương 4 lần này càng cho thấy sự tập trung quyền lực của Tập Cận Bình. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc trì hoãn cuộc họp chủ yếu là vấn đề sắp xếp thời gian chứ không phải do đấu tranh trong nội bộ đảng. Hội nghị Trung ương thường được tổ chức vào mùa Thu, nhưng ĐCSTQ đã sắp xếp triệu tập hai kỳ Hội nghị Trung ương vào đầu năm ngoái, một trong số đó là phê chuẩn sửa đổi hiến pháp để bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, động thái này thể hiện mạnh mẽ sự tập trung quyền lực trong tay Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo tối cao cách đây 7 năm (năm 2012) đến nay.
Thông báo của Hội nghị đã 57 lần sử dụng từ “kiên trì”. “Kiên trì” được đề cập trong thông báo chính là tiếp tục quán triệt thực hiện thuyết quản trị đất nước của Tập Cận Bình. Thông báo trên đã nhìn lại những chính sách mang tính biểu tượng trong 7 năm qua của Tập Cận Bình, ca ngợi ông đã thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc đạt được “những tiến triển quan trọng” trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp, đồng thời kêu gọi ĐCSTQ kiên trì chính sách của ông Tập.
Hội nghị khẳng định luận thuyết quản trị đất nước của Tập Cận Bình, tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của đảng.
Trước thềm Hội nghị, xuất hiện nhiều thông tin đồn đoán cho rằng một số thành viên và các nhà chính sách trong đảng chỉ trích Tập Cận Bình đã quá lợi dụng, tập trung quyền lực, làm trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, công tác quản lý kinh tế trong nước yếu kém, khiến nền kinh tế tiếp tục suy thoái, quan hệ hai bờ rơi vào trạng thái đóng băng, trong khi Hong Kong nổ ra cuộc khủng hoảng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và hiện vẫn đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, thông báo của hội nghị kêu gọi toàn thể đảng và nhân dân các dân tộc trên cả nước “đoàn kết chặt chẽ hơn”, ủng hộ trung ương đảng với hạt nhân Tập Cận Bình. Lập trường về vấn đề Hong Kong cũng cứng rắn hơn, cho thấy Tập Cận Bình sẽ không nhượng bộ trong vấn đề Hong Kong. Đúng như tờ The Wall Street Journal phiên bản phát hành ở châu Á đã dẫn lời Jude Blanchette, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề quốc tế Washington, cho rằng: “Hội nghị đã truyền đạt một thông điệp rất rõ ràng: thế giới ngày càng trở nên phức tạp hơn, vì vậy, chúng ta cần tăng cường kiểm soát của đảng”.
Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Ngô Cường, cựu giảng viên Khoa Chính trị học của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho rằng mục tiêu của Hội nghị năm nay dường như là để khẳng định quyền uy cá nhân và thuyết quản trị đất nước của Tập Cận Bình, thay vì hoạch định ra các chính sách mới.