TTXVN (thediplomat.com) - Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc
(ĐCSTQ) vừa kết thúc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX tại Bắc Kinh, một cuộc họp kín để đề ra chiến lược phát triển, chẳng hạn như các kế hoạch nhằm vượt mặt Mỹ và trở thành siêu cường thế giới.
Đầu tháng 10 vừa qua, ĐCSTQ đã thể hiện rõ quyết tâm về mặt quân sự khi tổ chức một cuộc tuần hành rầm rộ với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, cùng các vũ khí hạt nhân và siêu thanh, trên đường phố Bắc Kinh. Giám đốc điều hành nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Weibo còn chụp lại tên lửa siêu thanh D-17 và đăng tải dòng chữ “chuyển phát nhanh tới Guam?”. Những diễn biến này một lần nữa nhắc lại mối đe dọa mà Trung Quốc đang đặt ra đối với Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc vẫn luôn tìm cách xoay chuyển nền kinh tế toàn cầu theo lợi ích và nhu cầu của mình. Hệ tư tưởng của ĐCSTQ với nền tảng là quyền kiểm soát tuyệt đối của nhà nước và phổ biến chủ nghĩa độc tài thông qua các công nghệ tân tiến đang xói mòn nền dân chủ trên khắp thế giới, đồng thời kích động một cuộc cạnh tranh mang tính thế hệ với Mỹ. Mỹ phải nhanh chóng đương đầu với Trung Quốc, nếu không họ sẽ sớm trở thành nạn nhân trong chiến lược bành trướng ảnh hưởng toàn cầu đầy thâm ý của quốc gia này.
Trọng tâm kế hoạch của ĐCSTQ là việc kiểm soát các công nghệ mới. Từ các thiết bị y tế cho tới dược phẩm, công nghệ điện toán đám mây, hay xe tự lái, ĐCSTQ muốn các doanh nghiệp của mình làm chủ các công nghệ thương mại đang thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế thế kỷ 21. Với sáng kiến Quân-Dân kết hợp, ĐCSTQ đang ứng dụng các công nghệ tân tiến trong quân đội và thành lập một đội quân được trang bị những vũ khí và năng lực hiện đại.
Với tiềm năng công nghệ ngày càng gia tăng mạnh mẽ, ĐCSTQ nuôi tham vọng đưa Trung Quốc trở thành trung tâm nền kinh tế số toàn cầu. Một trong những mục tiêu chính là để dòng chảy dữ liệu toàn cầu được truyền tải qua các hệ thống máy tính và nền tảng số do chính các doanh nghiệp của họ xây dựng, đưa Trung Quốc lên vị thế trung tâm trong các hoạt động thương mại và thông tin trên toàn thế giới. Với việc nắm quyền kiểm soát các hệ thống phần cứng và phần mềm trọng yếu của thế hệ công nghệ tiếp theo như 5G, ĐCSTQ có thể gây sức ép mạnh mẽ buộc các doanh nghiệp quốc tế, các nhà sản xuất và thậm chí là cả các quốc gia theo những toan tính của mình. Hệ lụy từ việc Trung Quốc kiểm soát và vũ khí hóa chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu sẽ là rất lớn.
Hơn thế nữa, việc đánh cắp các công nghệ của Mỹ thậm chí còn đang trở thành “động lực” cho sự tăng trưởng mạnh mẽ về công nghệ cũng như những tham vọng trên
toàn cầu của Trung Quốc. Ước tính mỗi năm quốc gia này đánh cắp các tài sản trí tuệ trị giá 600 tỷ USD của Mỹ. “Kẻ trộm” này là nguyên nhân khiến nhiều người dân Mỹ mất việc làm, nhiều nhà máy phải đóng cửa trong khi an ninh quốc gia thiệt hại nghiêm trọng. Các sáng kiến và cách tân về công nghệ của Mỹ chính là yếu tố giúp nền kinh tế của họ phát triển mạnh mẽ và bền bỉ. Trong khi đó, ĐCSTQ muốn đánh cắp những sáng tạo ấy để thay thế bằng những bản sao của họ.
Người ta đã lơ là mối đe dọa Trung Quốc quá lâu, song Tổng thống Donald Trump đã chuyển hướng mối quan hệ Mỹ-Trung sang cạnh tranh chiến lược, và các nghị sỹ của cả hai đảng đều đang tìm cách buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì những hành vi sai trái của mình. Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đang nỗ lực cải cách các hoạt động kiểm soát đầu tư từ nước ngoài và xuất khẩu. Bằng việc củng cố các dự luật nhằm đảm bảo vị thế hàng đầu trong các tiêu chuẩn xây dựng mạng 5G, bảo hộ doanh nghiệp tại các thị trường nước ngoài, ưu tiên nghiên cứu và phát triển các sáng kiến, tận dụng thương mại làm đòn bẩy trong chính sách đối ngoại, có thể nói Mỹ đang từng bước đối phó với các thách thức mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Sau Hội nghị Trung ương 4 của Bắc Kinh, Mỹ cần tiếp tục gửi tới ĐCSTQ một thông điệp rõ ràng nhấn mạnh rằng nước Mỹ sẽ luôn để mắt tới những toan tính nhằm hủy hoại nền tảng sức mạnh kinh tế của mình./.