Bản chất, vai trò và nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ PHÁT TRIỂN bảo HIỂM xã hội tự NGUYỆN tại bảo HIỂM xã hội MINH hóa, TỈNH QUẢNG BÌNH (Trang 33 - 36)

1.1.2.1. Bản chất bảo hiểm xã hội tự nguyện

a. Bản chất kinh tế của BHXH tự nguyện

Bản chất kinh tế của BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng thể hiện ở chỗ những người tham gia cũng đóng góp một khoản tiền trích trong thu nhập (khoản đóng góp này sau khi đã chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu và các nhu cầu cần thiết và không ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất - kinh doanh của cá nhân) để lập một quỹ dự trữ. Mục đích của việc hình thành quỹ này để trợ cấp cho những người tham gia BHXH tự nguyện khi gặp rủi ro dẫn đến giảm hoặc mất thu nhập. Như vậy BHXH cũng là quá trình phân phối lại thu nhập. Xét trên phạm vi toàn xã hội, BHXH là một bộ phận của GDP được xã hội phân phối lại cho những thành viên khi phát sinh nhu cầu về BHXH như ốm đau, sinh đẻ, già yếu, chết... Xét trong nội tại BHXH, sự phân phối của BHXH được thực hiện theo cả chiều dọc và chiều ngang. Phân phối theo chiều ngang là sự phân phối giữa chính bản thân người lao động theo thời gian (giữa thời gian lao động và thời gian nghỉ hưu). Phân phối theo chiều dọc là sự phân phối giữa những người khỏe mạnh với người ốm đau; giữa người trẻ và người già; giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Nhờ sự phân phối lại thu nhập mà đời sống của người lao động và gia đình họ luôn được đảm bảo trước những bất trắc và rủi ro xã hội.

Tóm lại, BHXH tự nguyện được đặc trưng bằng sự vận động của các nguồn tài chính trong quá trình tạo lập và sử dụng quỹ BHXH tự nguyện nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người tham gia và gia đình họ khi gặp rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng thu nhập từ lao động. [8]

b. Bản chất xã hội của BHXH tự nguyện:

Bản chất xã hội của BHXH tự nguyện được thể hiện ngay trong mục tiêu của nó. BHXH hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục tiêu của bất kỳ hệ thống BHXH nào cũng là mục tiêu xã hội. Điều này được thể hiện thông qua việc chi trả chế độ BHXH. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được thay thế hoặc bù đắp một

phần thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất khả lao động. Do có sự chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHXH tự nguyện nên mặc dù chỉ đóng một phần nhỏ trong thu nhập của mình cho Quỹ BHXH tự nguyện, nhưng có thể được bồi hoàn một khoản thu nhập đủ lớn để giúp họ trang trải rủi ro. Ở đây, Quỹ BHXH tự nguyện đó thực hiện nguyên tắc "lấy số đông, bù số ít" và BHXH tự nguyện được hiểu như một chính sách xã hội nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động khi thu nhập của họ bị giảm, bị mất. Trên góc độ vĩ mô, BHXH tự nguyện gúp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gúp phần xóa đói giảm nghèo.

Tóm lại, hoạt động BHXH tự nguyện không vì mục tiêu lợi nhuận, mà hoạt động vì mục đích bảo đảm sự phát triển lâu bền của nền kinh tế, góp phần ổn định và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Điều này giải thích tại sao BHXH được coi là một chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia.

Tuy nhiên bản chất kinh tế và bản chất xã hội của BHXH không tách rời mà đan xen với nhau. Khi nói đến sự đảm bảo kinh tế cho người lao động và gia đình họ là nói đến tính xã hội của BHXH. Ngược lại khi nói đến sự đóng góp ít, nhưng lại được bù đắp đủ trang trải mọi rủi ro, thì cũng đã đề cập đến tính kinh tế của BHXH.

1.1.2.2. Vai trò bảo hiểm xã hội tự nguyện

Trong đời sống kinh tế - xã hội, BHXH xã hội nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng đóng vai trò to lớn được thể hiện trên các mặt sau:

- BHXH tự nguyện góp phần ổn định đời sống của người tham gia BHXH, đảm bảo an toàn xã hội. Những người tham gia BHXH tự nguyện và gia đình họ sẽ được thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi họ bị suy giảm, mất khả năng lao động, mất việc làm hoặc chết. Nhờ có sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp thu nhập kịp thời mà người tham gia BHXH tự nguyện nhanh chóng khắc phục được những tổn thất vật chất, sớm phục hồi sức khỏe, ổn định cuộc sống để tiếp tục quá trình lao động, hoạt động bình thường của bản thân.

- BHXH tự nguyện góp phần thực hiện công bằng xã hội. Phân phối trong BHXH là sự chuyển dịch thu nhập mang tính xã hội, là sự phân phối lại giữa những người có thu nhập cao, thấp khác nhau theo xu hướng có lợi cho những người có

thu nhập thấp; là sự chuyển dịch thu nhập của những người khỏe mạnh, may mắn có việc làm ổn định cho những người ốm, yếu, gặp phải những biến cố rủi ro trong lao động sản xuất và trong cuộc sống. Vì vậy, BHXH tự nguyện góp phần làm giảm bớt khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

- BHXH tự nguyện góp phần phòng tránh và hạn chế tổn thất, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống xã hội của con người.

- BHXH tự nguyện góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.

1.1.2.3. Nguyên tắc hoạt động của bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nguyên tắc của BHXH tự nguyện là những định hướng, những quy định và những phương thức hoạt động của cả hệ thống BHXH nhằm đạt được những mục tiêu đề ra. Theo nghĩa đó, BHXH tự nguyện phải được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc sau:

- Nguyên tắc tự nguyện

- Mọi người đều có quyền tham gia bảo hiểm xã hội và có quyền hưởng bảo hiểm xã hội khi có các nhu cầu về bảo hiểm

- Nguyên tắc Nhà nước phải có trách nhiệm đối với quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động, người lao động cũng có trách nhiệm phải tự bảo hiểm cho mình

- Nguyên tắc lấy số đông bù số ít

- Nguyên tắc kết hợp hài hòa các lợi ích, các khả năng và phương thức đáp ứng nhu cầu bảo hiểm xã hội

- Nguyên tắc mức hưởng tiền lương hưu tỷ lệ thuận với mức đóng góp bảo hiểm xã hội

- Bảo hiểm xã hội phải được phát triển dần từng bước phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn phát triển

Sự phát triển của BHXH nói chung biểu hiện trên nhiều mặt: cơ cấu các bộ phận của hệ thống, số lượng và cơ cấu các chế độ trợ cấp, mức trợ cấp, thời gian nghỉ việc để hưởng trợ cấp, mức đóng phí BHXH… Nếu không cân nhắc thận trọng

và lựa chọn bước đi hợp lý sẽ có thể phát sinh trục trặc không thể kiểm soát được.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ PHÁT TRIỂN bảo HIỂM xã hội tự NGUYỆN tại bảo HIỂM xã hội MINH hóa, TỈNH QUẢNG BÌNH (Trang 33 - 36)