III. TỔN THƯƠNG HỆ THẦN KINH
6. Rối loạn điện sinh lý não
Nghiên cứu của hai tác giả Hoa Kỳ C.L. Ehlers và E. Phillips năm 2013 về điện thế alpha với những người có tiền sử gia đình nghiện rượu của người Mỹ gốc Phi đã chỉ ra mối liên quan giữa EEG điện thế thấp với nghiện rượu. Nghiên cứu ở 81 người trưởng thành là người Mỹ gốc Phi tuổi từ 18 - 25 không có tiền sử nghiện rượu, kết quả như sau: có 30% (n = 26) người có điện thế alpha thấp và 22% (n = 18) có điện thế alpha ranh giới thấp của EEG. Sự khác biệt đáng kể tồn tại ở các dải tần số alpha thấp của EEG. Ngoài ra, những người gốc Phi khác, có tiền sử gia đình nghiện rượu có thể thấy các dải tần số alpha điện thế cao.
Trước đó, năm 2011, C.L. Ehlers và cộng sự đã nghiên cứu nhịp alpha của EEG và mức độ đáp ứng với rượu ở những thanh niên Mỹ có tiền sử gia đình nghiện rượu nhận thấy: mức độ phản ứng với rượu có liên quan đến di truyền chủng tộc có tiền sử gia đình nghiện rượu và kiểu hình điện não đồ.
Tác giả Nga G.P. Kolupaev và cộng sự năm 2002 nghiên cứu về hoạt động EEG lúc nghỉ ngơi được đánh giá ở 88 bệnh nhân nội trú nghiện rượu đã cai được 1 - 6 tháng và 14 người làm chứng không có nghiện rượu, bệnh nhân được phân thành 4 nhóm; kết quả cho thấy những khác biệt của các nhóm không tương quan với số lượng và tần suất uống rượu, cũng không tương quan với tiền sử gia đình nghiện rượu. Các dải tần số beta tăng tương tự trong EEG tìm thấy ở những bệnh nhân nghiện rượu.
Một tác giả người Nga khác là N.E. Sviderskaia và cộng sự năm 2013 đã so sánh EEG ở 137 người nghiện rượu và 105 người bình thường thấy EEG ở người nghiện rượu thay đổi toàn bộ. Sự thay đổi như vậy là đặc trưng của tác động làm tăng đồng bộ hóa các cấu trúc vỏ não vùng limbic ở trung não và thân não. Tác dụng của rượu làm mất đối xứng trên EEG. Những thay đổi trên EEG ở trong tất cả các dải tần số, nhưng thấy nhịp theta có tần số cao ở người nghiện rượu và EEG có sóng nhọn gần giống nhịp alpha có dải tần số hẹp. Hiệu ứng khác nhau trên các dải tần số cao của EEG (19,00 - 21,25Hz) và chỉ số của EEG thấy khác biệt rõ rệt ở người nghiện rượu có sự xúc động, nhận thức và rối loạn ý thức mức độ nặng; EEG của người nghiện rượu thấy có nghịch đảo.
Năm 2010, nghiên cứu của P.R. Finn và cộng sự cho thấy: nguy cơ gây hấn ở gia đình có tiền sử nghiện rượu giảm dải tần số nhịp alpha ở thùy trán, nhưng không có sự thay đổi trong dải tần số nhịp beta ở thùy trán. Gia đình có tiền sử nghiện rượu có mối đe dọa gây hấn gia tăng đồng thời với tăng điện thể nhịp beta ở thùy trán.
Tác giả Đức H.P. Landolt và cộng sự năm 2011 nghiên cứu về sự bất thường trong giấc ngủ ở bệnh nhân cai rượu đã thấy: hầu như mọi vấn đề bất thường trong giấc ngủ đều xảy ra ở những bệnh nhân nghiện rượu. Mô hình giấc ngủ của họ thấy trong hoạt động sóng điện não (EEG) bị phá vỡ nghiêm trọng, chuyển động mắt nhanh (REM) có thể giảm hoặc tăng. Thay đổi giấc ngủ tồn tại trong thời gian cai rượu và các nghiên cứu chỉ ra rằng những thay đổi nhất định trong cấu trúc giấc ngủ, cũng như mất cảm giác giấc ngủ có tiên lượng tái nghiện rượu. Các nghiên cứu về mối liên quan giữa giấc ngủ và nghiện rượu, thiết lập các phương pháp mới để cải thiện giấc ngủ ở bệnh nhân phụ thuộc rượu và để phòng ngừa phản ứng ảnh hưởng đến giấc ngủ trong cai rượu cũng đã được thực hiện.
Nghiên cứu dải tần số beta của EEG lúc nghỉ ngơi ở con cái của người có tiền sử gia đình nghiện rượu của tác giả Ấn Độ M. Rangaswam và cộng sự vào năm 2014 cho thấy: tăng điện thế của dải tần số beta là một “đặc trưng” của người nghiện rượu,
có sự khác biệt về giới tính trong nguy cơ tăng điện thế của dải tần số beta. Điện thế của dải tần số beta ở trong ba nhóm: nhóm 1 (12 - 16Hz), nhóm 2 (16 - 20Hz) và nhóm 3 (20 - 28Hz) của EEG khi mắt nhắm ở 171 người có nguy cơ cao (HR) là con cái của người có tiền sử gia đình nghiện rượu và 204 người có nguy cơ thấp (LR) là con cái của người không có tiền sử gia đình nghiện rượu. So sánh riêng biệt và phân tích lặp đi lặp lại, kết quả cho thấy gia tăng điện thế dải tần số beta của EEG có thể được coi như một dấu hiệu có nguy cơ phát triển thành nghiện rượu.
Tác giả Hoa Kỳ H. Gann và cộng sự năm 2014 nghiên cứu về ảnh hưởng của rượu đối với giấc ngủ cũng như EEG trong giấc ngủ của người khỏe mạnh và người nghiện rượu trong các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ; kết quả cho thấy: người khỏe mạnh uống rượu ban đầu giấc ngủ tốt trong một nửa thứ nhất của đêm và tỉnh giấc trong nửa thứ hai của đêm; người nghiện rượu dễ bị mất ngủ hơn, người bị khó ngủ và bị giảm tổng thời gian ngủ thường kèm theo rối loạn khác như hội chứng ngừng thở khi ngủ hay những vận động chân định hình trong khi ngủ, có nguy cơ tái phát cao khi đã cai rượu.
Nghiên cứu của tác giả Hoa Kỳ C. Kamarajan và cộng sự vào năm 2014 cho thấy: vai trò dao động của não như tương quan chức năng của hệ thống
nhận thức. Dao động đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu về sự năng động của não và xử lý thông tin của con người. Ở những người nghiện rượu (n = 58) có sự giảm đáng kể ở dải tần số delta (1,0 - 3,0Hz), theta (3,5 - 7,0Hz) và điện thế khi nghỉ ngơi so với nhóm chứng (n = 29). Mức giảm này chủ yếu ở vùng não trước. Vùng não giữa có điện thế dải tần số theta giảm khi nghỉ ngơi cho thấy một phản ứng ức chế. Đó là các dao động tương quan trong quá trình nhận thức, có thể là một dấu hiệu nội sinh trong nghiện rượu.
Các giáo sư tâm thần học Hoa Kỳ B. Porjesz và H. Begleiter năm 2013 đã ghi điện não và ghi điện não âm thanh (EEG - radio) của tín hiệu điện từ não bộ để thực hiện một biện pháp chức năng hoạt động não đang xảy ra. Nghiên cứu sử dụng điện não đồ có liên quan đến điện thế (ERPs) và dao động âm thanh (EROs) để đo hoạt động não khi có đáp ứng với một kích thích cụ thể của não người nghiện rượu và không nghiện rượu thấy có sự khác nhau. Những khác biệt này là phù hợp với sự mất cân bằng giữa các quá trình hưng phấn và ức chế của não ở người nghiện rượu.
Tác giả Đức G. Winterer và cộng sự năm 2003 phân tích định lượng EEG (qEEG) và những nét nổi bật của rối loạn thùy trán ở não bộ cho thấy tiên lượng tái phát trong nghiện rượu mạn tính khi tiến hành sử dụng phân tích định lượng EEG.
Nghiên cứu đánh giá bằng phổ bản đồ EEG của G.M. Saletu Zyhlarz (Italia) và cộng sự năm 2014 cho thấy sự khác biệt về chức năng của não ở bệnh nhân cai rượu hay tái phát có điện thế thấp, tần số nhanh do tăng thức tỉnh của hệ thần kinh trung ương. Nghiên cứu trên 22 bệnh nhân sau cai rượu với thời gian nghiện rượu là 41,5 ± 8,1 năm; kết quả cho thấy: nhóm cai rượu và nhóm nghiện rượu chức năng não có bất thường và đặc trưng bởi sự giảm alpha chậm, tăng hoạt tính beta và tăng hoạt động điện nói chung. Những dấu hiệu này thấy nhiều hơn ở nhóm cai rượu. Sau 6 tháng điều trị cai rượu thấy tăng hoạt động alpha chậm, giảm alpha nhanh và tăng theta phản ánh sự bình thường của chức năng não.