a) Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chủ trì xây dựng 01 Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật KTTV, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và mực nước tương ứng các cấp báo động lũ. Đây là các Quyết định quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ phòng chống thiên tai. Tổng cục cũng hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai các quy định của Luật khí tượng thủy văn và các văn bản liên quan trong phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục. Hiện nay, Tổng cục đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định cấp độ rủi ro thiên tai.
b) Về tăng cường mạng lưới quan trắc KTTV
Mạng lưới quan trắc KTTV đã từng bước được hiện đại hóa, tăng cường các hệ thống đo đạc từ xa bằng radar, bảo đảm theo dõi liên tục các biến động của thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước, đáp ứng đầy đủ dữ liệu cho dự báo KTTV và các nhu cầu khác. Tổng cục KTTV thực hiện phát triển và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV thông qua các dự án bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước, đặc biệt là thông qua các nguồn vốn ODA, vốn vay WB. Tổng cục KTTV cũng đã phối hợp có ý kiến góp ý với các Bộ, ngành, địa phương về việc phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng, đã có 58/63 tỉnh, thành phố có các trạm KTTV chuyên dùng và các công trình bắt buộc phải quan trắc đã có báo cáo về Tổng cục, trong đó hiện đã có 47/63 tỉnh thành có Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV chuyên
dùng với tổng số 759 trạm góp phần vào việc quan trắc và cung cấp thông tin KTTV phục vụ dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai.
c) Về tăng cường ứng dụng KHCN và hợp tác quốc tế
Tổng cục KTTV tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, sử dụng hiệu quả các cơ hội hội nhập quốc tế nhằm tăng cường năng lực dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai và cung cấp dịch vụ khí hậu; khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực KTTV, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trong khu vực thông qua các hoạt động trong khuôn khổ song phương và đa phương. Hợp tác trao đổi khoa học với các đối tác quốc tế hiệu quả đã nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực KTTV và giám sát biến đổi khí hậu, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO đã được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực 2 Châu Á. Tổng cục KTTV đang vận hành Trung tâm hỗ trợ dự báo thời tiết nguy hiểm và Trung tâm hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á
d) Về công tác dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế – xã hội của các Bộ, ngành, địa phương.
Hầu hết các thiên tai trong năm 2019 đã được cảnh báo sớm và kịp thời, công tác truyền tin và tuyên truyền về thiên tai và tác động của thiên tai được cải thiện ở các Trung ương và địa phương, các thông tin được đa dạng hóa, cụ thể cho các đối tượng cho khả năng chịu ảnh hưởng và tác động của các thiên tai, từng bước hướng dự báo dựa trên tác động và cảnh báo dựa trên rủi ro thiên tai.
Các bản tin dự báo khí tượng thủy văn chi tiết cho các ngành, lĩnh vực, địa phương gồm thông tin dự báo hạn cực ngắn, hạn ngắn, hạn vừa (từ vài giờ đến 10 ngày, hạn dài (từ 1 tháng đến 6 tháng, 1 năm) đã được gửi đến các cơ quan, địa phương; độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng được nâng cao hơn.
Trong năm 2019, công tác dự báo, cảnh báo về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội đối với các loại thiên tai bão, mưa lớn, lũ lụt là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng. Đặc biệt từ giưa năm 2019 đã tổ chức cảnh báo sớm được hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên và sau đó các bản tin liên tục được cập nhật cho đến hiện nay. Việc cảnh báo sơm, dài hạn trước nhiều tháng đã góp phần giảm thiểu những tác động và thiệt hại về kinh tế.