Agribank còn thiếu hệ thống các văn bản chính thức quy định, hướng dẫn việc xử lý nợ xấu bằng các biện pháp cụ thể. Hai biện pháp được áp dụng nhiều hiện nay trên toàn hệ thống hiện nay là mua bán nợ và miễn, giảm lãi, chưa có quy định cụ thể về cách thức, trường hợp áp dụng, dẫn đến việc chi nhánh gặp nhiều khó khăn và lúng túng khi áp dụng.
Mặc dù việc xử lý nợ xấu đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nhưng Agribank ít tổ chức các buổi học, các buổi hội thảo nhằm trao đổi, rút kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý nợ trên toàn hệ thống.
Cán bộ xử lý nợ chưa được đào tạo chuyên sâu, thường là nhân viên của phòng khách hàng chuyển sang, nên có phần nào hạn chế về kiến thức pháp luật, cho nên chưa áp dụng được các biện pháp thu hồi nợ linh hoạt cho từng khách hàng, chưa kịp thời xử lý các tình huống khó trong quá trình tố tụng và thi hành án. Đây là một trong những yếu tố quan trọng của công tác xử lý nợ.
Sử dụng cán bộ gây ra nợ xấu để làm công tác xử lý nợ là không khách quan, gây nên tình trạng thiếu kiên quyết, cấu kết với khách hàng kéo dài thời gian xử lý nợ, hoặc thông đồng với khách hàng để xử lý theo hướng có lợi cho khách hàng mà bất lợi cho ngân hàng.
Việc xử lý nợ còn mang tính bao cấp nhà nước như khoanh nợ, xóa nợ, thủ tục rườm rà, phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, nên tốc độ xử lý chậm, chưa đạt hiệu quả cao.
Việc định giá TSBĐ để xác định giá khởi điểm, đưa tài sản ra bán đấu giá còn quá cao, chưa sát với giá thị trường. Thông thường sau nhiều lần đăng báo nếu không có
khách hàng đăng ký mua thì Ngân hàng sẽ giảm giá đến khi bán được tài sản chứ không có trường hợp giữ lại tài sản, điều này dẫn đến việc sau khi bán được TSBĐ thấp hơn so với nợ gốc của khoản vay, việc bán TSBĐ không đủ bảo đảm cho ngân hàng thu hồi hết nợ gốc, chưa kể đến nợ lãi, lãi phạt phát sinh; hoặc chờ thị trường bất động sản tăng giá để bán, hoặc chọn thời điểm bán thích hợp để bán được giá; do đó, việc phát mãi TSBĐ để thu hồi nợ mang tính chất “xử lý” nhiều hơn kinh doanh.
Công tác xử lý nợ của Agribank thường chỉ chú ý vào việc xử lý TSBĐ, chưa mở rộng các hình thức xử lý thu nợ khác như góp vốn, đầu tư sửa chữa, liên doanh liên kết hay mua bán các khoản nợ cho Công ty mua bán nợ do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản trị rủi ro tín dụng, cơ chế để ngăn chặn nợ xấu gia tăng trong hoạt động kinh doanh ngân hàng chưa hoàn thiện…