Diện mạo văn học dân gian Tày ở Ba Bể, Bắc Kạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian tày ở ba bể, bắc kạn (Trang 34 - 38)

7. Cấu trúc của luận văn

1.1.4. Diện mạo văn học dân gian Tày ở Ba Bể, Bắc Kạn

1.1.4.1. Diện mạo chung

Nền văn học Việt Nam được cấu thành bởi hai bộ phận lớn đó là văn học dân gian và văn học viết. Văn học dân gian phát sinh từ thời công xã nguyên thủy, phát triển qua các thời kì lịch sử cho tới ngày nay. Văn học dân gian là nền

tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc, nó phản ánh, biểu hiện đời sống nhân dân và thế giới tinh thần, tình cảm của nhân dân lao động. Góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn học dân gian Việt Nam, bên cạnh kho tàng đồ sộ, phong phú của văn học dân gian người Việt còn có sự góp mặt của văn học dân gian các dân tộc thiểu số, trong đó có văn học dân gian của tộc người Tày huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Chính từ cuộc sống quây quần trong đơn vị làng bản cùng lao động sản xuất, cùng sinh hoạt chung vui sau những buổi lao động mà văn học dân gian của đồng bào dân tộc Tày được hình thành và tồn tại, rồi chính nền văn học ấy lại quay lại phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Có thể nói văn học dân gian của dân tộc Tày huyện Ba Bể khá phong phú về loại hình, loại thể.

Tộc người Tày đã sớm sáng tạo những truyện kể dân gian như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười tương ứng với từng giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội. Đó là những câu chuyện giải thích về nguồn gốc của các hiện tượng tự nhiên như: Tại sao lại có núi? Tại sao có đồng bằng? Tại sao có hồ Ba Bể? Đặc điểm của các loài vật từ đâu mà có? Những câu chuyện giải thích sự hình thành các phong tục, tập quán của tộc người; phản ánh về số phận con người…

Bộ phận trữ tình gồm các loại dân ca như dân ca nghi lễ, dân ca sinh hoạt, lao động và ca dao. Về dân ca nghi lễ đến nay vẫn được diễn xướng trong các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, trong nghi lễ tang ma, lễ cấp sắc, lễ cầu cúng hay các bài ca xin dâu, đưa dâu trong đám cưới của dân tộc tày Ba Bể. Tộc người tày Ba Bể còn có những làn điệu dân ca như hát then, hát lượn được cất lên trong cuộc sống sinh hoạt để ca ngợi về quê hương, đất nước và đặc biệt là lượn đối đáp giao duyên. Hát giao duyên là những tiếng hát thể hiện tình cảm lứa đôi có nội dung phong phú, lời ca giàu hình ảnh văn chương. Hát giao duyên thường được thể hiện trong các loại Lượn cọi, Lượn sli, Lượn Nàng ới. Bên cạnh đó, người Tày Ba Bể còn làm giàu tâm hồn mình bằng những câu ca dao dạy con người về cách đối nhân xử thế trong cuộc sống: Anh về thì về, đừng nài em thêm nữa, đừng dặn em nhiều lời,về tối vợ sẽ mắng, về khuya vợ sẽ mong, về nằm gối

lót lụa, về nằm ngủ chiếu hoa, về đắp chăn hoa mới, về ẵm con trông bữa, về mời ăn cơm, ngồi ăn chớ chống đũa xuống mâm, đừng nói với em lời cay đắng.

Cùng được hình thành và tồn tại song song với các thể loại khác, trong văn học truyền thống của dân tộc Tày Ba Bể còn có thể loại văn học dân gian mang tính chất đúc kết những kinh nghiệm, cách ứng xử trong cuộc sống như tục ngữ, câu đố. Thể loại này đến nay vẫn được người tày Ba Bể lưu giữ khá phong phú và được thể hiện bằng những hình ảnh mộc mạc, gần gũi với cuộc sống của họ. Như cách nói dân giã: Ở với lợn giống lợn. Ở với chó giống chó hay Kiến chuyển

tổ mưa to

Phong phú hơn nữa đó là các hình thức sân khấu dân gian được diễn xướng, mang tính chất tâm linh. Hình thức thể hiện không giống như sân khấu chèo, cải lương của người Việt là có nhiều nhân vật mà loại hình sân khấu dân gian dưới hình thức diễn xướng mang tính chất tâm linh của người Tày huyện Ba Bể được biểu diễn trong những buổi lễ cầu an, giải hạn hay lễ mừng đầy tháng của trẻ. Diễn viên biểu diễn chính là các thầy Pụt, thầy Tào còn khán giả chính là những người trong gia đình đang làm lễ, anh em họ hàng và bà con hàng xóm. Đặc sắc nhất của loại hình sân khấu dân gian dưới hình thức diễn xướng mang tính chất tâm linh của dân tộc Tày Ba Bể phải kể đến Lễ cấp sắc trong nghề Pụt, Tào. Giá trị nổi bật trong lễ cấp sắc Pụt, Tào là giá trị về nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng. Thông qua các khoa cúng những bài hát, nói; điệu múa, xóc nhạc của các thầy Tào và thầy Pụt, cộng với các cuộc giao lưu giữa các thầy cúng với nhau và giữa thầy cúng với người tham dự, lẽ cấp sắc diễn ra như một màn trình diễn trên sân khấu tâm linh rất độc đáo và hấp dẫn mang đậm bản sắc dân tộc.

Như vậy, có thể nói văn học dân gian của dân tộc Tày huyện Ba Bể khá phong phú và đa dạng, mang trong đó là những giá trị về tinh thần to lớn của tộc người nơi đây. Cũng giống như kho tàng văn học riêng của nhiều dân tộc khác, văn học dân gian của người tày Ba Bể chính là nền móng vững chắc để nhen nhóm cho sự phát triển của nền văn học dân tộc sau này.

Góp phần làm nên sự phong phú của văn học dân gian nói riêng và của nền văn học dân tộc nói chung chính là truyện kể dân gian tương ứng với từng giai đoạn của lịch sử tộc người. Truyện kể dân gian ra đời từ buổi sơ khai của lịch sử nhân loại khi mà con người còn đang gửi gắm khát vọng giải thích những hiện tượng tự nhiên, muốn tìm hiểu về nguồn gốc của của muôn loài, muốn phản ánh những mâu thuẫn trong gia đình, xã hội và gửi gắm niềm tin, ước mơ về một xã hội tốt đẹp.

Truyện kể dân gian nói riêng là những sáng tác tập thể, được lưu truyền chủ yếu bằng phương thức truyền miệng nên trải qua thời gian, không gian ít nhiều cũng có sự biến đổi. Đặc biệt là khoảng cách rất lớn giữa những người sưu tầm, biên soạn, nghiên cứu với những người sáng tạo nên cũng có những khó khăn trong việc sắp xếp, thống kê những mẫu truyện kể. Vì vậy, từ kết quả khảo sát và căn cứ vào tiêu chí đặc trưng thể loại của văn học dân gian, chúng tôi sẽ sắp xếp, thống kê các mẫu truyện kể theo từng thể loại của loại hình tự sự dân gian; tập hợp, khảo sát những bản kể có cùng cốt truyện, nội dung phản ánh để phân tích và chỉ ra một số đặc trưng của truyện kể dân gian Tày ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Chúng tôi cũng quan niệm, với văn học dân gian đặc biệt là những truyện kể dân gian mọi sự phân loại chỉ mang tính chất tương đối. Bởi trong các thể loại ấy những nội dung, đề tài vẫn được phản ánh xen kẽ, giao thoa với nhau.

Tiến hành thống kê, khảo sát truyện kể dân gian Tày huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn chúng tôi chủ yếu dựa trên hai nguồn tư liệu. Nguồn tài liệu chính là tập hợp các truyện kể trong Truyện cổ Bắc Kạn, tập 3 do nhóm tác giả Vũ Anh Tuấn (chủ biên), Sở Văn hóa - Thông tin - Truyền thông tỉnh Bắc Kạn xuất bản năm 2002. Với tên gọi Truyện cổ Bắc Kạn nhưng ở tập 3 nhóm biên soạn đã dành toàn bộ tập truyện cho vùng văn hóa dân gian Ba Bể - đó là tập hợp những truyện kể dân gian của đồng bào dân tộc Tày và dân tộc Dao. Bên cạnh đó, một nguồn khảo sát cũng rất quan trọng đó là kết quả điền dã, sưu tầm của người viết gồm 14 truyện chưa được thống kê khảo sát trong tập Truyện cổ Bắc Kạn. Trong đó bao gồm cả thần thoại, truyền thuyết và cổ tích.

Dựa vào hai nguồn tài liệu trên, chúng tôi nhận thấy truyện kể dân gian Tày huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn khá phong phú, đa dạng với đầy đủ các thể loại như: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Không chỉ đầy đủ về thể loại mà còn phong phú, đa dạng về số lượng bản kể và nội dung phản ánh. Truyện kể dân gian Tày huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn phản ánh được những quan niệm, những hiểu biết sơ khai về thiên nhiên, những lí giải “ngây ngô” nhưng cũng rất hợp lí của người xưa về các hiện tượng, đặc điểm của thiên nhiên vạn vật, về sự xuất hiện của các địa danh ở địa phương, thấy được nét văn hóa đặc sắc của cư dân gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, những tín ngưỡng lễ nghi, phong tục tập quán của người xưa trong các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích. Bên cạnh đó, truyện cười, truyện ngụ ngôn của dân tộc Tày huyện Ba Bể với bản kể không nhiều nhưng với lối kể tự nhiên, dân dã cũng đã phản ánh được trình độ nhận thức và tư duy phản ánh các vấn đề đời sống của đồng bào nơi đây.

Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu ba thể loại truyện kể dân gian tiêu biểu đó là: thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích bởi đây cũng là ba thể loại có số lượng bản kể nhiều hơn cả.

Thống kê số lượng truyện kể dân gian Tày ở Ba Bể, Bắc Kạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian tày ở ba bể, bắc kạn (Trang 34 - 38)