Đời sống văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian tày ở ba bể, bắc kạn (Trang 26 - 34)

7. Cấu trúc của luận văn

1.1.3. Đời sống văn hóa

Huyện Ba Bể cũng là vùng đất tập trung nhiều dân tộc thiểu số định cư, ngoài một số tộc người bản địa như Tày, Dao… còn có nhóm tộc người từ nơi khác di cư đến và lập bản sinh sống, định cư tại địa phương này như tộc người Mông. Vì vậy, đời sống văn hóa của các tộc người thiểu số ở huyện Ba Bể cũng ít nhiều có sự giao lưu, tiếp biến. Tuy nhiên, bên cạnh sự giao lưu, tiếp biến về đời sống văn hóa của các tộc người thì cơ bản mỗi tộc người vẫn giữ được nét

văn hóa riêng của dân tộc mình. Điều này được thể hiện không chỉ trong văn học dân gian mà ngay cả trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày như trang phục, ẩm thực hay trong các lễ nghi, lễ hội.

Với xu thế phát triển chung của thời đại, không chỉ trong đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần của con người cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại, thế nhưng dân tộc Tày Ba Bể về cơ bản vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của tộc người mình. Đây cũng chính là cơ sở để chúng ta tìm hiểu những biểu hiện cụ thể về đời sống văn hóa của tộc người Tày Ba Bể, tìm hiểu mối quan hệ của truyện kể dân gian với môi trường văn hóa… của tộc người Tày nơi đây. Do vậy, với mục đích đó chúng tôi sẽ trình bày một số vấn đề cơ bản về đời sống văn hóa của tộc người Tày huyện Ba Bể.

Sống định cư trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đẽ, nên thơ cũng không kém phần khắc nghiệt, dữ dội nhưng dân tộc Tày huyện Ba Bể đã gắn bó, thích nghi với thiên nhiên và sáng tạo, lưu giữ cho tộc người mình nét văn hóa đặc trưng thời cổ đại với nền sản xuất nông nghiệp cho đến nay. Nền văn hóa ấy được biểu hiện phong phú sinh động, muôn màu muôn vẻ như một bức tranh với nhiều đường nét điểm thêm sắc màu tươi tắn. Nền văn hóa ấy rất đa dạng, nó không chỉ đặc sắc ở phương diện văn hóa vật chất mà còn cả ở phương diện văn hóa tinh thần.

1.1.3.1. Đời sống văn hóa vật chất

Về đời sống vật chất: Sống ở môi trường tự nhiên, hòa mình với thiên nhiên hoang sơ những cư dân đầu tiên của tộc người Tày đã biết tự thích nghi với cuộc sống hoang sơ đó. Để có thể tồn tại ở môi trường tự nhiên, những con người này đã có nhiều sáng tạo và những sáng tạo đó đã trở thành văn hóa của tộc người mình.

Về ẩm thực, gắn với truyền thống sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt nên lương thực của người Tày huyện Ba Bể khá phong phú. Người Tày trước đây họ chủ yếu là dùng gạo nếp, gạo nếp không chỉ được nấu

thành xôi dùng trong những bữa ăn chính mà còn được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như cơm lam và các loại bánh nếp như “Pẻng Tải”, “Pẻng Hó”… hay trong những ngày lễ, tết món xôi được các bà, các mẹ khéo léo dùng các loại lá cây nhuộm sắc màu thành món xôi ngũ sắc trông rất đẹp mắt và hấp dẫn. Ngày nay, người Tày huyện Ba Bể không dùng xôi trong bữa cơm chính như trước đây mà đã dùng cơm tẻ như các tộc người khác. Ngoài trồng trọt thì người Tày huyện Ba Bể còn chăn nuôi, săn bắn và đánh bắt cá. Nguồn thực phẩm chính của họ là gà, lợn, vịt, dê, bò, cá tôm và các loại rau củ quả. Những sản phẩm thu được họ biết cách chế biến cho món ăn thêm phần đa dạng và đặc biệt là để tích trữ dùng dần và sau này con cháu họ vẫn lưu giữ để những món ăn đó trở thành đặc sản mang đậm hương vị quê hương mà chỉ có ở vùng Ba Bể như: thịt lợn treo gác bếp; lạp xưởng gác bếp; tép chua; cá chua; hém chua; cá sông, tôm sông nướng…Người Tày Ba Bể dùng 2 bữa cơm chính là trưa và tối, ngoài ra còn có 2 bữa phụ là bữa sáng và nửa chiều (gọi là “Chin lèng”). Trong bữa cơm hằng ngày của người Tày Ba Bể thường có 3 món: canh, mặn và món xào hoặc luộc. Tuy nhiên khi gia đình có khách, để tỏ lòng mến khách thì gia chủ sẽ chuẩn bị nhiều món hơn trong đó không thể thiếu món thịt gà và ly rượu men lá mà người Tày nơi đây tự nhặt lá cây thuốc về ủ men nấu rượu.

Trang phục, chăn màn của tộc người Tày trước đây cũng hoàn toàn tự túc. Sống hòa mình với thiên nhiên, họ tự trang bị cho đời sống của mình bằng những chất liệu từ thiên nhiên. Họ biết trồng cây bông để ép lấy bông làm áo ấm hoặc chăn bông dùng trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Họ trồng bông, trồng lanh để se sợi dệt vải, họ tự cắt và khâu thành quần áo, chăn màn. Màu sắc được tộc người Tày ưa dùng và trở thành màu sắc đặc trưng của trang phục người Tày đó là màu chàm. Trang phục của tộc người Tày huyện Ba Bể không trang trí nhiều họa tiết sặc sỡ như các dân tộc khác mà rất đơn giản chỉ một sắc chàm duy nhất. Bộ trang phục của phụ nữ Tày gồm có áo và quần hoặc váy. Áo cổ truyền thường được may bằng vải nhuộm chàm dài đến tận bắp chân, có tà dài và cài cúc chéo bên nách giống với bộ áo dài truyền thống của dân tộc Việt nhưng trang phục

của người phụ nữ Tày có thêm dải thắt lưng làm điểm nhấn và quấn nhiều vòng quanh eo buộc vắt ra phía sau gọn gàng để tiện cho lúc họ lao động sản xuất.Từ thời xa xưa các cụ bà thường hay mặc váy cùng chiếc áo dài nhưng sau này để tiện cho sinh hoạt, lao động phụ nữ Tày huyện Ba Bể đều dùng quần thay cho những chiếc váy rộng trước đây. Đi kèm với trang phục là các phụ kiện, trang sức như khăn, túi nải, vòng đeo tay, cái kiềng (vòng cổ), hoa tai. Trang sức dân tộc Tày huyện Ba Bể thường được làm bằng bạc, những bộ trang sức này thường được chạm trổ rất tinh tế với nhiều kiểu hoa văn độc đáo. Trang phục của nam giới thì đơn giản hơn nhiều và phụ kiện đi kèm thường là chiếc mũ nồi. Hiện nay, hòa chung với cuộc sống hiện đại, trang phục của tộc người Tày huyện Ba Bể đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, ở một số thôn, xã vùng cao những người lớn tuổi vẫn giữ riêng cho mình bản sắc của tộc người mình. Đặc biệt, khi đến với bản Pác Ngòi ven hồ Ba Bể ta vẫn gặp những chiếc khung cửi dệt vải, vẫn gặp sắc chàm xanh trên những sản phẩm như khăn, túi… mà những người bà, người mẹ dân tộc Tày muốn lưu giữ và truyền lại nghề cũng như những đặc sắc mà cha ông họ đã tạo dựng nên.

Về nhà cửa: do địa hình chủ yếu là đồi núi nên cư dân dân tộc Tày huyện Ba Bể biết dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có, họ sử dụng những vật liệu tự nhiên như gianh, tre, gỗ, nứa, cọ… để làm nhà ở. Kiểu nhà truyền thống của dân tộc Tày huyện Ba Bể là kiến trúc nhà sàn độc đáo. Mặt sàn dùng tre hoặc gỗ tốt ghép liền nhau, liên kết ở lưng chừng các hàng cột. Gầm sàn là kho chứa củi và một số nông cụ, nơi nuôi thả gia súc, gia cầm hoặc bỏ trống. Tầng giữa là không gian sinh hoạt của con người. Không gian này thường chia làm ba gian, gian lớn ở giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, phía dưới trước bàn thờ là bếp. Người Tày nơi đây còn lấy bếp lửa làm ranh giới để quy định chỗ ngồi cho người phụ nữ trong gia đình, người phụ nữ chỉ được ngồi ở “nả tẩư” - phía dưới bếp, nam giới ngồi ở “nả nưa” - phía trên bếp trước bàn thờ gia tiên. Hai gian còn lại sẽ bố trí để làm phòng ngủ và nơi cất giữ các sản phẩm nông nghiệp hay đồ đạc sinh hoạt. Tầng trên cùng là tầng gác dùng để chứa lương thực hay các đồ đạc cần bảo quản lâu.

Với thiên nhiên hoang dã, nhiều thú dữ và các loại bò sát nguy hiểm, đồng bào dân tộc Tày thường dựng nhà sàn để ở vừa là để phòng tránh các loại vật nguy hiểm nói trên vừa tận dụng được chỗ để giải quyết mặt bằng sinh hoạt, vừa giữ được vệ sinh chung. Hiện nay, người Tày huyện Ba Bể đã đa dạng loại hình nhà ở như kiểu nhà xây, nhà gỗ, nhà đất.

1.1.3.2. Đời sống văn hóa tinh thần

Bên cạnh đời sống vật chất là đời sống tinh thần - nét độc đáo về văn hóa của dân tộc Tày huyện Ba Bể. Với điều kiện tự nhiên là vùng núi cao, chủ yếu địa bàn sinh tụ là ven núi, ven rừng, môi trường sống gắn bó với tự nhiên còn nhiều hoang sơ, bí hiểm nên Tộc người Tày huyện Ba Bể tin vào những lực lượng siêu nhiên, thần linh. Đây cũng chính là cơ sở hình thành nên niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; là cơ sở hình thành nên những phong tục tập quán, lễ hội dân gian và nghệ thuật truyền thống.

Về tín ngưỡng, tôn giáo: dân tộc Tày Ba Bể có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần và chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Trong mỗi gia đình của người Tày huyện Ba Bể đều lập bàn thờ để cúng tổ tiên vào những ngày lễ tết và nhà nào có trẻ con thì có thêm bàn thờ Bà Mụ. Ngoài ra, nếu gia đình nào có truyền thống làm thầy như thày Tào, thầy Pụt thì gia đình còn có bàn thờ tổ sư của nghề và trong quan niệm của thầy Pụt thì Khổng Tử chính là người đã cắt đặt, giao việc cho thầy Tào, thầy Pụt cai quản thế gian. Người Tày nơi đây quan niệm, trong lao động sản xuất nông nghiệp luôn có một vị thần cai quản đó chính là thần Nông. Nhờ vào vị thần này mà mùa màng của họ được bội thu hay mất mùa. Vì vậy, hằng năm sau những vụ thu hoạch lúa mới hay vào dịp lễ hội xuân, đồng bào dân tộc Tày thường làm các loại bánh như bánh chưng, bánh giày, bánh gio… hoặc đồ xôi để cúng thần Nông và các vị thần cai quản trần gian, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cuộc sống của bản làng được bình yên, sung túc.

Người Tày huyện Ba Bể quan niệm vũ trụ có 3 thế giới lớn gồm: trời, đất và nước. Theo quan niệm của đồng bào thì con người ở mặt đất có quan hệ gần gũi với con người ở tầng trời hơn là ở thế giới nước. Điều này được thể hiện

trong một số truyện kể dân gian dân tộc Tày như: Hò Pịa; Nàng Sáy hay Sự tích hồ Ba Bể.

Ngoài ra, tộc người Tày huyện Ba Bể còn phân biệt hai thế giới khác biệt đó là thế giới thực của con người và thế giới vô hình của thần thánh, ma quỷ. Nếu cuộc sống ở thế giới thực có kẻ xấu người tốt thì ở thế giới vô hình thần thánh, ma quỷ cũng được chia ra hai loại là ma ác, thần ác và ma lành, thần lành. Các ma lành, thần lành là ông bà tổ tiên, thần nông, thần bếp; ma dữ là ma chết yểu thường gây họa cho con người, thậm chí trong 12 bà Mụ (Mẻ Tuổn) thì người Tày huyện Ba Bể còn quan niệm có bà ác bà lành, đứa trẻ nào được bà Mụ hiền lành, dễ tính đỡ đầu thì đứa trẻ đó sẽ ngoan và ít ốm vặt, còn đứa trẻ nào được bà Mụ khó tính, dữ dằn đỡ đầu thì sẽ rất khó nuôi.

Người Tày huyện Ba Bể còn có niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên và thầy Pụt, Tào được họ gửi gắm niềm tin đó, họ tin rằng các vị thầy này là người am hiểu tinh tường mọi thứ, là cầu nối giữa con người ở thế giới thực với thế giới vô hình thần thánh, ma quỷ. Với niềm tin đó, dân tộc Tày huyện Ba Bể thường đến gặp các vị thầy Pụt, Tào để xem ngày, giờ tốt để chuẩn bị cho những công việc mà họ chuẩn bị làm như: dựng vợ gả chồng, làm nhà, mua sắm đồ vật có giá trị lớn trong nhà, khi xuất hành, gieo hạt giống… và đầu xuân năm mới họ thường mời thầy về nhà làm lễ giải hạn, cầu an đầu năm hay khi gia đình có người chết thì thầy Tào sẽ được mời đến để thực hiện các nghi lễ giúp người chết siêu thoát về cõi vĩnh hằng. Niềm tin tâm linh này đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày huyện Ba Bể và điều này đã được xuất hiện trong một số tích truyện kể dân gian như Nguồn gốc Pụt, Tào và dân chúng; Thác thản au khoăn nu...

Về phong tục tập quán: người Tày huyện Ba Bể cũng có những nét tương đồng và khác biệt với một số dân tộc khác. Trước hết, người Tày huyện Ba Bể có tập quán gắn liền với nền nông nghiệp, nghề nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa ngô, khoai sắn, các loại rau củ…Trước đây, những cư dân Tày lập bản làng định cư bên sườn đồi thấp hoặc trong những thung lũng nhỏ ven sông suối để tiện cho

việc sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Người Tày huyện Ba Bể xưa có tập quán ở nhà sàn, tự cung tự cấp không chỉ lương thực - thực phẩm mà cả trang phục và những vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Họ tự dệt vải, cắt khâu trang phục, giỏi đan lát.

Về cưới xin, người Tày huyện Ba Bể thực hiện nhiều thủ tục và chủ yếu nhà trai phải tiến hành như dạm ngõ; hỏi vía (xin ngày tháng năm sinh của người con gái); lễ dạm hỏi (hai bên hợp vía sẽ làm lễ dạm hỏi); lễ ăn hỏi (hai họ gặp nhau bàn bạc về lễ vật cho nhà gái trong ngày cưới, định ngày cưới); lễ cưới và sau lễ cưới 3 ngày phải có lễ lại mặt. Đặc biệt, trong lễ cưới của người Tày huyện Ba Bể, đoàn nhà trai đi đón dâu phải có ông Quan làng dẫn đầu, có Mjề lặp, chú rể, phù rể và những người khác đi cùng đoàn. Trong đó, Quan làng và Mjề lặp phải giỏi hát văn ca (lặp lùa - đón dâu) mới đón được dâu nếu hát không hay thì sẽ bị phạt uống rượu. Cô dâu khi ra cửa sẽ được đội khăn chàm, đội chiếc nón trên đầu và không được ngoảnh mặt lại phía sau. Bên nhà gái đưa dâu phải có Mjề thống, người được chọn làm Mjề thống cũng phải giỏi đối đáp, khéo léo và gia đình phải hạnh phúc. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi thấy có truyện kể dân gian phản ánh một số phong tục trong đám cưới như tục thách cưới. Cụ thể, khi các chàng trai muốn lấy vợ phải trải qua tục thách cưới rồi sắm sửa lễ vật cho nhà gái. Điều này được phản ánh trong một số truyện dân gian như: Con ốc thần,

Chàng rể Dê…Bên cạnh những phong tục thể hiện trong đám cưới thì còn nhiều

những phong tục khác thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt như phong tục trong đám ma, lễ mãn tang, lễ đầy tháng…

Một trong những nét đặc sắc của văn hóa tinh thần nữa đó là sinh hoạt văn hóa cộng đồng qua lễ tết và lễ hội dân gian.Về lễ tết, trong một năm người Tày huyện Ba Bể có khá nhiều ngày tết. Ngoài những lễ tết chung của nhiều dân tộc khác như tết Nguyên Đán, ngày Rằm tháng Giêng, tết Đoan Ngọ thì người Tày huyện Ba Bể còn có thêm tết Rằm tháng Bảy, tết Thanh minh 3/3 tảo mộ và tết Đắp nọi (tháng thiếu). Điều tạo nên sự khác biệt về văn hóa của các dân tộc chính

là thể hiện ở những lễ tết này. Rằm tháng Bảy (Chin slíp slí) là cái tết to thứ hai của người Tày Ba Bể sau tết Nguyên Đán, họ ăn rằm từ ngày 14/7 âm lịch. Trong tết rằm tháng Bảy, có một nét văn hóa hết sức độc đáo đó là “pay châừ tái”, nghĩa là người con rể phải đưa vợ con về thăm bố mẹ vợ, quà biếu là một đôi vịt. Những lễ vật để thờ trong ngày tết slíp slí này không thể thiếu là thịt vịt luộc, rượu trắng,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian tày ở ba bể, bắc kạn (Trang 26 - 34)