Mối quan hệ giữa truyền thuyết với lễ hội, phong tục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian tày ở ba bể, bắc kạn (Trang 73 - 80)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.4. Mối quan hệ giữa truyền thuyết với lễ hội, phong tục

Cũng như thần thoại, truyền thuyết của dân tộc Tày huyện Ba Bể cũng thể hiện niềm tin tâm linh và tín ngưỡng thờ cúng những nhân vật lịch sử. Nảy sinh sau thần thoại, thời đại nảy sinh truyền thuyết đó là khi xã hội đã bắt đầu có sự phân hóa giai cấp, là khi con người đã thoát khỏi “đời sống dã man, kiêu hãnh

bước vào thời kì của kĩ thuật chế tác đồ đồng và đồ sắt” với sự thay đổi về cơ

cấu xã hội cũng như sự tiến bộ của loài người đã làm thay đổi đời sống xã hội. Xã hội bắt đầu có con người kiệt xuất xuất hiện, họ dùng trí tuệ, sức mạnh của mình để trở thành người đứng đầu được gọi là thủ lĩnh. Tuy nhiên, đối với tộc người Tày Ba Bể, dường như điều kiện sống, môi trường sống đã chi phối đến đời sống cũng như cả cơ cấu xã hội. Họ vẫn sống hài hòa giữa thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ. Họ vẫn sống quây quần thuận hòa với bản làng, chính vì vậy như đã nói ở trên, chúng tôi chưa tìm được truyện kể nào về một người anh hùng cụ thể nào. Truyền thuyết anh hùng lịch sử ca ngợi về những nhân vật lịch sử, những con người đó sống trong lòng ngưỡng mộ của nhân dân. Từ niềm tôn kính và lòng ngưỡng mộ, nhân dân tôn những nhân vật lịch sử thành thần và hằng năm tổ chức lễ hội để tri ân, tưởng nhớ đến công lao của nhân vật lịch sử. Truyền thuyết là truyện kể thuộc văn học dân gian còn lễ hội thuộc về lĩnh vực văn hóa.Tuy thuộc hai lĩnh vực khác nhau nhưng chúng lại có mối quan hệ chặt chẽ. Truyền thuyết và lễ hội đều là sản phẩm hoạt động tinh thần của nhân dân, do nhân dân sáng tạo, bồi đắp, lưu giữ và thể hiện. Cả hai đều tập trung ca ngợi những người có công với dân với nước, đều hướng tới mục đích khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Truyền thuyết và lễ hội khác nhau ở chỗ, truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian, nó khắc họa người anh hùng bằng hình tượng ngôn từ, bằng các biện pháp nghệ thuật theo đặc trưng thể loại; còn lễ hội lại là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, cần một môi trường diễn xướng, có một cộng đồng tham dự. Lễ hội ca ngợi người anh hùng bằng nghi thức lễ bái, bằng phong tục, vật phẩm dâng cúng, bằng sự kiêng kị, bằng việc diễn lại sự tích hành trạng, bằng đám rước và các trò trò chơi dân gian.

Thuộc những lĩnh vực khác nhau nhưng truyền thuyết và lễ hội lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.Truyền thuyết tạo cho nội dung lễ hội thêm phong phú, linh thiêng; ngược lại, lễ hội nhằm minh chứng, khẳng định cho sự tồn tại của truyền thuyết. Khi truyền thuyết được biểu hiện bằng diễn xướng trong lễ hội thì hình tượng người anh hùng sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức, cảm xúc của đông đảo dân chúng nhờ vào môi trường hội. Không những thế, một bộ phận nhân dân không chỉ đóng vai trò là người xem mà còn được đóng vai, nhập vai, diễn lại những hành động mà người anh hùng đã từng làm. Sự kết hợp giữa truyền thuyết và lễ hội đã tạo nên một diện mạo văn hóa khá hoàn chỉnh, mang đậm dấu ấn riêng và là một sản phẩm folklore độc đáo. Trong lễ hội tưng bừng náo nhiệt đó có sự xuất hiện của truyền thuyết sẽ giúp cho lễ hội trở nên thiêng liêng hơn và ngược lại khi tổ chức lễ hội chính là lúc truyền thuyết được nhắc tới, được diễn xướng sinh động. Lễ hội giúp truyền thuyết được lưu giữ, duy trì và bảo tồn cho những thế hệ nối tiếp và truyền thuyết còn giúp lễ hội trở nên phong phú hơn như tiếp thêm sức sống dồi dào cho lễ hội. Người Tày Ba Bể không có những người anh hùng cụ thể như Nùng Trí Cao, Dương Tự Minh nhưng người Tày Ba Bể cũng có lễ hội gắn với truyền thuyết về những vị tướng vô danh nhà Mạc trong truyền thuyết Đền An Mã(An Mạ).

Lễ hội đền An Mã được tổ chức hằng năm vào ngày 06/2 Âm lịch. Lễ hội này không được tổ chức quy mô lớn, linh đình, náo nhiệt như lễ hội xuân Ba Bể hay những lễ hội ở các đền nổi tiếng ở các địa phương khác. Hội đền An Mạ đơn giản chỉ là lễ dâng hương và dâng lễ vật của người dân địa phương, nó bình dị như cuộc sống dân dã, mộc mạc nhưng đầy nghĩa tình của những người dân bản địa. Nghĩa tình của người dân tộc Tày không chỉ được thể hiện trong cuộc sống hiện nay qua lễ hội đền An Mạ mà nó đã xuất hiện trong truyền thuyết gắn với ngôi đền An Mã. Đền An Mã nằm trên hòn đảo An Mã giữa Hồ Ba Bể. Ngôi đền có kiến trúc mái cong cổ sơ, bình dị, nhẹ nhàng xung quanh được bao phủ bởi màu xanh cây cối của thiên nhiên với không khí thoáng đãng, trong lành yên tĩnh. Đền An Mã thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh

Trần. Tương truyền, đền còn là nơi nhân dân thờ các vị tướng trung thần nhà Mạc từ cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê - Mạc. Khi bị thua, những vị trung thần này đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Nhân dân nơi đây vì cảm khái tấm lòng trung quân của họ mà dựng nên đền thờ họ Mạc. Nhưng dưới triều đại nhà Lê họ đâu dám công khai việc làm nhân từ này nên họ đã đổi tên đền thành đền thờ họ Ma. An mạ theo tiếng dân tộc Tày: An là sửa sang cho đẹp, cho an yên; mạ nghĩa là mồ mả vậy an mạ (an mã) nghĩa là mồ mả an yên, đẹp đẽ. Từ đó đến nay, đền An Mã luôn là điểm đến tâm linh không chỉ của những người dân địa phương mà còn là điểm dừng chân của du khách thập phương. Ngôi đền này cũng là nơi dâng hương cúng tiến lễ vật khi địa phương tổ chức lễ hội đầu năm - hội xuân Ba Bể.

Bên cạnh lễ hội đền An Mã thì Ba Bể còn có lễ hội Lồng tồng (Hội xuân Ba Bể). Lễ hội này không chỉ có mối quan hệ với thần thoại thông qua các nghi lễ và tín ngưỡng thờ thần mà hội xuân còn giống như một lễ hội truyền thống bắt đầu từ thời truyền thuyết được bảo tồn lưu giữ cho đến ngày nay. Trong truyền thuyết về Sự tích Hồ Ba Bể đã xuất hiện không gian lễ hội tại vùng đất Nam mẫu. Theo truyền thuyết thì vùng hồ Ba Bể xưa vốn là vùng đất trù phú, đông đúc

chim chóc ngày đêm hót ca, gia súc từng bầy, từng đàn cũng đêm ngày nhộn

nhịp”. Cuộc sống nhân dân ấm no qua cảnh “dân làng mở hội để vui chơi, ca hát” và sự xuất hiện của hồ Ba Bể cũng là do phép thử của Pụt, do sự trừng phạt của đấng tối cao với những con người sống không lương thiện, vô cảm. Như vậy, tổ chức hội xuân không chỉ là một nét đẹp về truyền thống văn hóa mà còn là dịp ôn lại, lưu giữ, bảo tồn những giá trị về kho truyện kể dân gian thần thoại, truyền thuyết.

Truyền thuyết Tày Ba Bể không chỉ được tái hiện, bảo tồn qua những lễ hội dân gian, mà nó còn gắn với những tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân Tày Ba Bể. Trong cuộc sống hằng ngày của họ, tục dùng cây thanh thảo để trừ tà và xua đuổi những điều không may đã trở thành quen thuộc. Loài cây này

rất quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Tày Ba Bể và hầu như nó có mặt trong vườn nhà hoặc ngay cổng của mỗi gia đình. Người tày Ba Bể không thờ cây thanh thảo như một số dân tộc khác thờ con vật thiêng nhưng từ truyền thuyết Sự tích cây thanh thảo mà thầy Pụt, thầy Tào sử dụng loài cây này trong suốt quá trình diễn ra lễ cầu cúng. Các thầy quan niệm: khi cầu cúng dùng cây thanh thảo, hồn của người con gái trinh trắng ấy sẽ quét sạch mọi uế tạp, bệnh tật. Do đó, người dân tộc Tày tin loài cây này có thể dùng để trừ tà (kẻ mát), có thể dùng để loại bỏ hết được những cái xấu xa, những điều không may mắn khi họ gặp phải. Như vậy, trong đời sống hằng ngày, phong tục đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, đồng nghĩa với việc lưu giữ phong tục, tín ngưỡng văn hóa tốt đẹp ấy thì truyền thuyết cũng được bảo tồn và ứng dụng sinh động trong cuộc sống cộng đồng dân tộc Tày Ba Bể.

Hay khi đến vùng Đồng Phúc - Ba Bể với truyền thống gói bánh chưng bằng loại lá dong đỏ chỉ có nhiều ở vùng Đồng Phúc ta lại gặp truyền thuyết Sự

tích lá dong đỏ ở Đồng Phúc. Trong truyện kể này ta gặp tục làm bánh chưng,

bánh chưng là sản phẩm nông nghiệp lúa nước gắn với nền văn hóa Hùng Vương. Ngày nay, truyền thống gói bánh chưng bằng lá dong đỏ vẫn là một nét đẹp văn hóa ở địa phương này và chắc chắn rằng khi tìm hiểu về nguồn gốc của truyền thống gói bánh chưng bằng lá dong đỏ thì truyền thuyết Sự tích lá dong đỏ ở

Đồng Phúc vẫn mãi được người già kể lại như một niềm tự hào bởi nó là truyền

thống của riêng địa phương này. Việc gói bánh chưng bằng lá dong đỏ vào dịp tết hằng năm như một cách lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Tày nơi đây đồng nghĩa với việc truyền thuyết cũng được hiển hiện trong mỗi gia đình.

Đồng Phúc - Ba Bể không chỉ là địa danh gắn với truyền thuyết Sự tích lá

dong đỏ mà còn gắn với truyền thuyết Sự tích con mương Tà Loòng. Con mương

Tà Loòng gắn với văn hóa trồng lúa nước từ thời Hùng Vương cho đến ngày nay. Con mương này vẫn ngày đêm đem dòng nước mát tưới tiêu cho cánh đồng xanh ngắt tốt tươi. Hơn nữa cánh đồng tốt tươi được tưới bởi con mương Tà loòng cũng chính là văn hóa, là truyền thống trồng lúa nước, là truyền thống gắn bó với nông nghiệp của người Tày Ba Bể từ bao đời nay. Ngày nay, những người dân

địa phương hằng ngày vẫn dùng dòng nước đó để sinh hoạt, để phục vụ cho cuộc sống của mình và như vậy truyền thuyết luôn hiện hữu, gắn bó trong cuộc sống hằng ngày của nhân dân. Rõ ràng, trong những truyền thuyết này có cả những yếu tố thực và cả những huyền thoại nhưng huyền thoại, kì ảo xen vào là để giải thích cho sự xuất hiện của những yếu tố có thực, gắn bó với đồng bào dân tộc Tày địa phương.

Như vậy, truyền thuyết của tộc người Tày Ba Bể không chỉ được diễn xướng thông qua các lễ hội tưng bừng hằng năm, qua những lễ nghi tâm linh mà chúng vẫn âm thầm đồng hành trong văn hóa truyền thống, trong những phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Chúng hiện diện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, trong lao động sản xuất của tộc người Tày Ba Bể.

Tiểu kết

Trong chương 2 của luận văn, chúng tôi đã khảo sát, phân loại, phân tích hai thể loại trong truyện kể dân gian Tày Ba Bể đó là: thần thoại và truyền thuyết; đồng thời, phân tích mối quan hệ giữa truyện thần thoại với môi trường văn hóa dân gian, truyền thuyết với lễ hội, phong tục.

Về thần thoại, chúng tôi đã khảo sát được 21 bản kể. Nhìn chung, thần thoại Tày Ba Bể có nhiều điểm khá tương đồng với thần thoại của dân tộc Việt. Điểm tương đồng chính là ở mạch tư duy và những quan niệm trong các kiểu truyện. Trong tư duy của đồng bào dân tộc Tày Ba Bể, nhận thức sơ khai của họ về vũ trụ, vạn vật và loài người đều được hình thành dưới sự sáng tạo, sắp đặt của bàn tay Pụt hoặc của một nhân vật khổng lồ có sức mạnh. Cùng xuất hiện trong buổi đầu sơ khai cùng muôn loài nhưng con người ý thức được sự khác biệt giữa họ và muôn loài chính là ở sự tư duy, tình cảm và ý thức làm chủ muôn loài của con người chứng tỏ sự nhận thức tiến bộ của họ về tầm quan trọng của loài người trong thế giới. Thần thoại có mối liên hệ mật thiết với đời sống tín ngưỡng của đồng bào Tày nơi đây. Những tín ngưỡng, niềm tin tâm linh và cả những sáng tạo văn hóa từ thời đại thần thoại trải qua bao thế hệ vẫn tồn tại và lưu truyền cho đến ngày nay.

Về truyền thuyết, chúng tôi khảo sát được 10 bản kể. Mặc dù bản kể sưu tầm được còn ít nhưng cũng đánh dấu được vị trí quan trọng của thể loại trong kho truyện kể của dân tộc Tày Ba Bể. Bên cạnh nhóm truyện tiêu biểu là truyền thuyết địa danh thì truyền thuyết phong tục và truyền thuyết về dòng họ cũng góp phần làm nên sự phong phú và đa dạng của thể loại này. Đáng chú ý là trong một số truyền thuyết này có sự xuất hiện của hình ảnh con vật thiêng gắn với tín ngưỡng của người Tày xưa đó chính là hình ảnh thuồng luồng. Truyền thuyết Tày Ba Bể không chỉ được tái hiện, bảo tồn qua những lễ hội dân gian mà nó còn gắn với những phong tục truyền thống của người dân Tày Ba Bể.

Hai thể loại truyện kể trên có khá đầy đủ những motif xuất hiện trong truyện kể của các dân tộc khác, bởi nó đều được xuất phát từ nền tảng chung của văn hóa Việt; góp phần quan trọng tạo nên diện mạo, giá trị cho kho tàng truyện kể dân gian của dân tộc Tày Ba Bể. Tuy nhiên, truyện kể của dân tộc Tày Ba Bể vẫn có những nét riêng gắn với dấu ấn văn hóa tộc người, mang đặc điểm vùng miền, tạo nên sự đặc sắc trong kho tàng truyện kể dân gian Tày huyện Ba Bể cũng như góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng cho kho tàng truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Chương 3

TRUYỆN CỔ TÍCH TÀY Ở BA BỂ, BẮC KẠN

Truyện cổ tích là thể loại tự sự dân gian, nảy sinh từ thời kì nguyên thủy, phát triển dài lâu, liên tục qua các thời kì lịch sử. Có những truyện cổ tích ra đời từ thời thần thoại như tiểu loại cổ tích thần kì. Tuy nhiên, phần lớn các truyện cổ tích ra đời khi chế độ công xã thị tộc tan rã và thay thế vào đó là sự phân chia giai cấp, là sự xuất hiện của những gia đình riêng lẻ. Vậy nên, cổ tích hướng tới lí giải, phản ánh những vấn đề xã hội nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, trong thời đại phát triển của nó. “Truyện cổ tích là sáng tác dân gian thuộc loại hình tự sự, chủ yếu sử dụng yếu tố nghệ thuật kì ảo để thể hiện cái nhìn hiện thực của nhân dân với đời sống, bộc lộ quan niệm về đạo đức cũng như về công lí xã hội và ước mơ một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân dân lao

động” [51; tr.116].

Chính vì được nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt, hướng tới phản ánh và lí giải những vấn đề xã hội nên truyện cổ tích chứa đựng trong nó những phong tục, tập quán của tộc người. Hay có thể phong tục, tập quán là cơ sở cho sự ra đời của những câu chuyện cổ tích. Như vậy, truyện cổ tích và phong tục, tập quán có mối liên hệ qua lại chặt chẽ. Truyện cổ tích có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, lưu truyền và giải thích nguồn gốc, ý nghĩa của các phong tục. Những truyện kể này giúp cho các phong tục, tập quán được bảo lưu bền vững trong môi trường văn hóa dân gian. Ngược lai, trong sinh hoạt văn hóa dân gian những phong tục, tập quán được duy trì, bảo lưu bền vững thì đồng nghĩa với truyện kể về các phong tục có thêm sức sống và sống mãi trong kí ức của nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyện kể dân gian tày ở ba bể, bắc kạn (Trang 73 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)